Người tử tế không dùng rượu để giao dịch

“Văn hóa nhậu” có từ rất lâu và rất sớm trong đời sống xã hội loài người. Nhờ ca tụng các cách uống rượu mà nhiều tác phẩm văn học trở nên nổi tiếng.

Nhiều nhà văn có tên tuổi cũng chính là những bợm nhậu uống rượu như uống nước. Ngay trong võ thuật, tưởng là nghịch với rượu nhưng đã có những môn võ quyền càng say càng đánh võ hay hơn. Thế nhưng tất cả đều là quá khứ.

Ngày nay chưa có mẩu chuyện nào, người nào càng uống rượu nhiều càng học giỏi, càng uống rượu say càng lao động giỏi. Báo chí thường ngày đưa nhiều tin: Tai nạn giao thông do uống rượu; giết người do uống rượu say, không còn lý trí; bị đuổi việc vì hay nhậu nhẹt, bê trễ công việc; đau bệnh, kiệt sức vì uống quá nhiều rượu; hiếp dâm, giết người vì say rượu… Nhiều gia đình tan nát, nghèo khổ vì có người nghiện rượu. Nhiều người mất tư cách vì say rượu, nói năng, đi đứng thiếu nghiêm túc... Không thể kể hết các tai hại của rượu. Ngành y tế đã khuyến cáo uống rượu làm giảm tuổi thọ, giảm sức khỏe, làm mất trí nhớ, làm đau bệnh. Rượu là chất uống hoàn toàn không có lợi (trừ rượu thuốc nhưng cũng phải uống đúng liều lượng). Uống nhiều rượu, ngày nào cũng nhậu thì thành bợm nhậu, mặt đỏ, nói năng ồn ào vừa mất tư cách vừa gây tổn hại đến bộ não.

Giờ “văn hóa rượu” phải được đưa vào văn hóa đồi trụy, không coi nó là loại văn hóa giao dịch. Thông thường giao dịch có nhậu nhẹt dễ bị hiểu là “văn hóa móc ngoặc, tham nhũng, tiêu cực”. Người văn minh, tử tế, ngay thẳng không bao giờ dùng rượu để giao dịch. Nếu có cũng vài cốc bia, có chừng mực, không để đỏ mặt tía tai, mất tự chủ bản thân. Những người tham ăn, tham uống, thiếu tự trọng thì không biết dừng lại, phải uống cho đã, cho say. Kể sao cho hết các tật xấu của người nghiện rượu.

Để xã hội văn minh, tiên tiến, tôi đề nghị chính quyền, báo chí phải mạnh tay hơn nữa với những người nghiện rượu:

- Đánh thuế thật nặng đối với rượu mạnh.

- Cấm người dưới 16 tuổi uống rượu, mua rượu.

- Chính phủ vận động công chức không đi ăn nhậu ngoài giờ hành chính để làm gương cho nhân dân, xã hội.

- Cảnh sát giao thông đặt thêm nhiều trạm kiểm soát, nhất là các đường có nhiều cửa hàng ăn uống, quán nhậu.

- Vận động chuyển đổi đất nước ta thành một dân tộc không nhậu nhẹt, giao tiếp bằng nước trà, nước suối.

Uống hàng tỉ lít bia/năm. Có thể mọi người đang thấy rất bình thường khi chỗ nào cũng có quán nhậu, chiều nào cũng có người hào hứng cụng ly. Thế nhưng tôi tin là nhiều người đã giật mình với con số hàng tỉ lít bia được tiêu thụ trong năm. Không hiểu sao mọi người lại nhậu nhiều đến thế, người ít tiền thì uống rượu, có chút tiền thì uống bia hơi, có thêm một ít thì uống bia chai và khá hơn nữa thì uống bia lon?

Sẽ có người lý lẽ phải nhậu thì mới có thêm bạn, mới dễ quan hệ, dễ làm ăn… Không phủ nhận việc này nhưng theo tôi cần bổ sung một ý kèm theo: Cũng chính nhậu nhẹt mà công việc bê trễ, kém hiệu quả, nhiều người khốn đốn, nhiều tai họa đã và sẽ xảy ra. Vậy nên phải biết kiềm chế và biết dừng lại trước khi quá muộn! MAI PHẠM

Cấm cán bộ say xỉn? Từ chỉ lệnh của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng “cấm cán bộ dưới quyền chơi golf”, tôi nảy ra ý các bộ trưởng cũng nên cấm cán bộ nhậu nhẹt quá đà. Tôi được biết có nhiều cán bộ “nướng” cả chục triệu vào các độ nhậu. Ở đâu mà họ có lắm tiền như vậy nếu không hối lộ, tham nhũng, phẩy phết ở các công trình? Trước mắt, khi chưa bắt quả tang để xử tù họ thì cũng nên để người dân nhìn họ “thơm” hơn và thiện cảm hơn. tranphamha@...

VÕ VĂN THÔN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2011110110431987p0c1027/nguoi-tu-te-khong-dung-ruou-de-giao-dich.htm