Người truyền lửa Trường Sa

Thế là niềm mong mỏi được đặt chân đến đảo Trường Sa đã thành hiện thực khi mình cùng đoàn công tác ra thăm

Thế là niềm mong mỏi được đặt chân đến đảo Trường Sa đã thành hiện thực khi mình cùng đoàn công tác ra thăm, tặng quà và khám chữa bệnh cho các chiến sĩ đang canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh người lính Trường Sa không chỉ hiện lên trong trí tưởng tượng nữa mà mình đã được nhìn thấy các anh bằng con người thực, lời nói và hành động thực trong cuộc sống hàng ngày. Khi bước chân xuống tàu, một cảm giác chộn rộn xâm chiếm mình. Con tàu rẽ sóng ra khơi, càng xa đất liền mình càng thấy biển mênh mông thế, đẹp đẽ thế. Đứng trước biển, tất cả chúng ta đúng chỉ như hạt cát. Bước chân đến đảo Đá Ngầm, bắt tay các chiến sĩ, tận mắt chứng kiến cuộc sống của các chiến sĩ trên đảo, mình rất chia sẻ với các anh. Chúng ta ở trên đất liền, hàng ngày di chuyển rất nhiều, nhưng các anh ở đây chỉ di chuyển trong vài trăm mét vuông, xung quanh là biển cả, không nhìn thấy gì khác ngoài biển. Tàu tiếp tục rẽ sóng đến một, hai đảo nữa, trong lòng mình, tình yêu đất nước trỗi dậy kinh khủng. Ở nhà, mình cứ nói yêu đất nước, yêu quê hương thông thường, nhưng giờ đây, không nói một từ nào nhưng tình yêu đó ngấm vào mình, một tình cảm rất đặc biệt. Đỉnh điểm, khi tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh năm 1988 để giữ đảo Cô Lin, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa khi Trung Quốc cho quân tấn công nhằm chiếm các bãi đá này, mình đã khóc suốt mà không biết, nước mắt cứ chảy suốt từ lúc đồng chí đại tá đọc lời tử biệt. Cảm xúc không sao tả thành lời. Đến Trường Sa lớn, cảnh vật rất thanh bình, có màu xanh của cây cối, có nước ngọt để sinh hoạt, có người dân sinh sống. Ấn tượng nhất là nụ cười hân hoan, rạng rỡ của các chiến sĩ hải quân và nhân dân trên đảo khi đón đoàn.

Khám bệnh cho cán bộ hải quân đảo Trường Sa.

Trong chuyến đi này, đoàn công tác chúng tôi đã tặng cho Trạm Y tế ở đảo Trường Sa Lớn một lồng ấp dùng cho trẻ sơ sinh. Tự tay chúng tôi lắp ráp từng chi tiết, từng con ốc và hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng cho các đồng nghiệp với hy vọng những thiên thần bé nhỏ được sinh ra nơi đầu sóng, ngọn gió này có thể tránh được cái lạnh, cái gió mùa đông lồng lộng, khắc nghiệt. Và tôi cảm giác tình yêu từ đất liền đang hòa quyện với tình yêu đảo xa, tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương sẽ là “đôi cánh” đưa những “búp non” này lớn lên khỏe mạnh, tráng kiện. Cũng trong chuyến đi này, đoàn của chúng tôi đã khám bệnh cho tất cả chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Tôi phụ trách khám cho các cháu nhỏ vì chuyên môn của tôi thuộc lĩnh vực nhi khoa. Bọn trẻ ở đây thật hồn nhiên và thân thiện. Với làn da rám nắng, khỏe mạnh, chúng ùa đến cười tươi rói và ôm chầm lấy chúng tôi. Chúng cũng thật dũng cảm và không hề rụt rè trước những lời đề nghị của bác sĩ trong quá trình khám bệnh. Có lẽ môi trường sống nơi đảo xa đã rèn giũa cho chúng sự dạn dĩ chứ không nũng nịu như trẻ em thành phố. Và niềm vui tràn ngập khi hầu hết chúng đều không có vấn đề gì lớn về sức khỏe. Và rồi sau những giờ làm việc, mình đứng hát dưới gốc cây trên đảo Sơn Ca nắng như đổ lửa. Ôi, niềm hạnh phúc giản dị mà ngập tràn khi nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt liệt và còn được dắt tay chụp ảnh chung với người “hâm mộ”.

Những nụ cười, những con người, những cái ôm thật sâu, những cái bắt tay thật chặt sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ phai trong ký ức. Các chiến sĩ, những người dân biển đảo đã truyền cho mình lửa Trường Sa và giờ đây, niềm hạnh phúc của mình chính là được truyền tiếp ngọn lửa Trường Sa ấy cho thế hệ trẻ với những câu chuyện không dứt về sự kiên cường, lạc quan và nụ cười luôn nở trên môi của những con người Trường Sa.

Thu Lương

((Ghi theo lời kể của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguoi-truyen-lua-truong-sa-n124933.html