Người trẻ 'hồn nhiên' vi phạm bản quyền sách

Buổi giao lưu chủ đề Câu chuyện bản quyền trong xuất bản (diễn ra sáng 23.4 tại Đường sách TP.HCM) đã thu hút nhiều người làm sách và bạn đọc trẻ.

Một trang cá nhân tải sách lên mạng xã hội vi phạm bản quyền

Tại buổi giao lưu, một bạn đọc trẻ thắc mắc: “Tôi không hiểu tại sao chia sẻ sách lên mạng là vi phạm bản quyền? Mục đích làm sách không phải là để chia sẻ tri thức hay sao? Vậy việc chia sẻ sách là chia sẻ tri thức thì có gì sai? Tôi thấy chuyện này là bình thường. Chúng tôi chia sẻ có vì kinh doanh đâu”. Có bạn đọc thành thực cho biết do ra nhà sách thấy ngợp trời sách, khó tìm được sách ưng ý, thời tiết lại nóng bức nên ngại đi lại tìm, vì thế khi được bạn bè giới thiệu sách hay thì xin đánh máy lại và chia sẻ trên mạng cho nhiều người cùng đọc.

Một số độc giả hâm mộ, hoặc những bạn trẻ yêu thích công việc dịch thuật, xuất phát điểm từ giới thiệu các đoạn dịch không bản quyền của mình trên các trang blog cá nhân, tiến tới việc tự tập hợp, phân chia dịch hoặc biên tập các chương sách nước ngoài sau khi đã dịch thô qua phần mềm, bất chấp các đơn vị sách trong nước đã mua bản quyền và xuất bản các cuốn sách trên. Một số dịch giả trẻ sau khi nhận dịch sách cho các đơn vị xuất bản đã tự ý đem các bản dịch này bán cho các công ty phát hành sách điện tử, hoặc tự phát tán chia sẻ trên các trang cá nhân mà không hề biết rằng mình không có quyền sở hữu và quyền kinh doanh các tác phẩm đó. Những tranh cãi về tác quyền trong nước xảy ra thời gian qua cũng chính bởi vì tác giả trong nước sau khi đã bán bản quyền cho một đơn vị, dù thời hạn bản quyền vẫn còn, nhưng vẫn tự ý bán tiếp cho đơn vị khác. “Vì nể tác giả và muốn giữ tác giả, chúng tôi đành tự thỏa thuận với nhau và phải chịu thiệt, chứ không mang tác giả ra truy cứu”, một đơn vị xuất bản bức xúc.

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Truyền thông điện tử HCM, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law, cho biết: “Việc chia sẻ một cuốn sách lên mạng không chỉ đơn thuần là khiến đơn vị xuất bản thất thu một cuốn sách, mà có thể dẫn tới thất thu hàng ngàn, hàng triệu cuốn sách dựa theo lượt chia sẻ, hoặc được lưu lại, phát tán bằng các hình thức khác. Lúc đó, đơn vị xuất bản bị xâm phạm hoàn toàn có thể khởi kiện và yêu cầu đền bù những thiệt hại trên”. Cũng theo luật sư Tuấn, khi phát hiện những văn hóa phẩm bị sao chép, bị phát tán trên mạng, thì có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ internet ngưng dịch vụ cung cấp sản phẩm sao chép đó.

Lucy Nguyễn

Lucy Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-tre-hon-nhien-vi-pham-ban-quyen-sach-828724.html