Người tiêu dùng hoang mang trước thực phẩm mang tên "hữu cơ"

(BVPL) - Trước hàng loạt những thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, rất nhiều người tiêu dùng đã tìm đến dòng thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, thực phẩm hữu cơ vẫn chưa được chứng nhận, pháp luật cũng chưa có những chính sách cụ thể về việc quản lý và kiểm soát thực phẩm hữu cơ. Vì thế, một bộ phận người tiêu dùng tỏ ra hoang mang trước hàng loạt những thông tin và lời chào bán thực phẩm.

Chưa được chứng nhận

Gần đây, trên thị trường xuất hiện các loại rau củ, gạo, thậm chí một số mặt hàng thủy sản, thịt… được giới thiệu là nuôi, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Loại thực phẩm này khi được bày bán đều có các tiêu chuẩn được in rõ ràng, nổi bật trên bao bì. Đó là các tiêu chuẩn được chứng nhận bởi PGS - một hệ thống bảo đảm sự tham gia trực tiếp cùng các tổ chức, cá nhân vào chuỗi cung cấp thực phẩm hữu cơ. Đây cũng là hệ thống được kế thừa, phát triển từ "Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ" do Tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á, Đan Mạch phối hợp thực hiện cùng Hội Nông dân Việt Nam.

Hiện nay, ở Việt Nam thực phẩm hữu cơ vẫn chưa được chứng nhận.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là chứng nhận hữu cơ do PGS cấp lại chưa được pháp luật Việt Nam chứng nhận. Điều đó có nghĩa là ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ.

Thực chất, VietGAP hay GlobalGAP và hữu cơ là hai hướng sản xuất nông nghiệp khác hẳn nhau. Trong khi VietGAP hay GlobalGAP cho phép sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ nhưng có kiểm soát thì trong tiêu chuẩn hữu cơ không được phép sử dụng. Như vậy, hai tiêu chuẩn GAP và hữu cơ không thể đi liền nhau được. Điều đó cho thấy rằng tất cả đều phải có cơ sở, được chứng nhận rõ ràng chứ không phải thích gọi thế nào cũng được.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có một số cửa hàng bán thịt lợn tự giới thiệu có thịt hữu cơ. Khi được hỏi, chủ cửa hàng cho biết họ lấy hàng từ những cơ sở nuôi lợn bằng cám tự nhiên, không dùng kháng sinh hay hormone tăng trưởng nên ngon hơn thịt lợn công nghiệp. Mức giá được rao bán hiện tại là 350.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với thịt lợn thường nhưng vẫn được rất nhiều người tiêu dùng chọn mua.

Theo tìm hiểu thì hiện nay hai thương hiệu thịt lợn hữu cơ đang được bán nhiều ngoài thị trường là B.C và O.F, trên nhãn mác và website của các đơn vị này chỉ nói là lợn được chứng nhận EM của Nhật Bản chứ không có chứng nhận hữu cơ (organic). EM là chứng nhận dành cho các trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu của Nhật trong quá trình chăn nuôi, xử lý thức ăn và xử lý môi trường. Đây không phải là chứng nhận hữu cơ, nhưng các nhà sản xuất trên vẫn ghi là thịt hữu cơ trên chứng nhận EM. Như vậy là thực chất người bán đang lừa người tiêu dùng khi ghi chữ thịt heo hữu cơ trên sản phẩm.

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiêp Hữu cơ Việt Nam đã có văn bản đề nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) xem xét và cho phép chứng nhận thực phẩm hữu cơ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được Bộ NN&PTNT đưa ra quyết định.

Chất lượng phụ thuộc vào niềm tin

Gần đây, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều đơn vị gian dối trong việc chào bán các sản phẩm được gắn mác hữu cơ. Một cửa hàng rau sạch trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, toàn bộ rau tại cửa hàng là rau hữu cơ sạch được trồng ở Sóc Sơn (Hà Nội). Theo ghi nhận, rau ở đây được bán với giá từ 20.000 – 40.000 đồng/kg, cao gấp 2 – 3 lần so với giá rau cùng loại tại các chợ. Theo giới thiệu của chủ cửa hàng thì rau này được trồng và thu hoạch theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ, đươc cấp giấy chứng nhận PGS. Tuy nhiên, khi được hỏi thế nào là rau hữu cơ, rau hữu cơ khác với rau được chứng nhận VietGAP như thế nào thì người bán hàng không trả lời được. Chị này chỉ cho biết, rau cửa hàng chị không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Canh tác hữu cơ tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2006, Bộ đã có quyết định mang tên “Hữu cơ - tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến”. Nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc cấp chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Về phía người tiêu dùng, rất nhiều người mặc dù hàng ngày vẫn sử dụng những sản phẩm được cho là “hữu cơ” nhưng khi được hỏi đều cho biết thực ra họ không thể phân biệt được đâu là rau hữu cơ, đâu là rau an toàn mà tất cả chỉ trông chờ vào cái tâm của người kinh doanh. Bà Bình, một cán bộ về hưu ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hàng ngày bà vẫn đến cửa hàng rau sạch hữu cơ trên phố Nguyễn Khang để mua các loại rau về nấu ăn cho gia đình. Bà Bình cũng thừa nhận rằng, bằng mắt thường bà thực sự không phân biệt được đó có đúng là rau hữu cơ hay không. Bà đến đây mua là do đặt niềm tin vào cửa hàng.

Thực ra rất nhiều người nội trợ có chung suy nghĩ với bà Bình. Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng một mặt trông chờ vào cái tâm của nhà sản xuất và người bán hàng, một mặt trông chờ các cơ quan chức năng nhanh chóng có những biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ để người dân yên tâm.

Hữu Bắc

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/bao-ve-niem-tin-cong-dong/201609/nguoi-tieu-dung-hoang-mang-truoc-thuc-pham-mang-ten-huu-co-2514836/