Người 'thương binh vàng' và những ký ức xuân xanh

Với cơ thể đầy thương tích nhưng ông Tuấn cho rằng, việc mình được sống sót đã là may mắn quá lớn so với các đồng đội nên ông trân trọng cuộc sống từng ngày.

Những năm tháng tuổi trẻ “chết đi sống lại”

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội , năm 1971, người thanh niên trẻ Trần Mạnh Tuấn lên đường nhập ngũ, tham gia vào đoàn quân Nam tiến khi còn chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp lớp 10. Chiến đấu tại mặt trận phía Nam, trong một trận pháo kích của địch, ông bị thương nặng, gãy hai đốt sống cổ và lún cả hộp sọ. Phần ruột cũng bị tổn thương nặng và buộc phải cắt đi 1.5m. Trong một lần đưa ông lên phía trên miệng hầm, vướng pháo kích địch, đồng đội đã hy sinh, bản thân ông lại một lần nữa may mắn thoát chết.

Thương binh Trần Mạnh Tuấn (hàng dưới, ngoài cùng bên phải) trong một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quãng thời gian tiếp sau đó của cuộc đời ông là những chuỗi ngày “chết đi sống lại” với cơ số những lần được “đưa xuống nhà xác rồi lại đưa về”. Theo lời kể của ông, thời điểm đó, do sức khỏe yếu nên được chuyển tới bệnh viện nào, các y bác sỹ cũng lắc đầu và xác định ông khó qua khỏi. Nằm liệt giường, hôn mê, chết lâm sàng… với ông đã thành chuyện cơm bữa. Chuyển hết viện 103, 109, rồi lại đến viện 357, nơi đâu các y bác sỹ cũng động viên “xác định được ngày nào hay ngày đó”.

Thế nhưng, kiên trì vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của sức khỏe, cho rằng việc mình còn sống sót đã là may mắn hơn hết thảy so với những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trận nên tự bản thân ông đã luôn đấu tranh, giành giật mạng sống của chính mình từng giây, từng phút. Và điều kỳ diệu đã đến sau cả một quãng thời gian dài được các bác sỹ quân y điều trị, chăm sóc tận tình, ông đã dần hồi phục.

Ông Tuấn (ngồi xe lăn) bên cạnh đồng đội cũ.

“Tỉnh táo để nhận thức được thực tại đã là điều may mắn. Nhưng xác định không thể nằm bất động, trở thành một thương binh “phế” nên khi có chút sức khỏe, tôi lại tiếp tục bước vào quá trình tập luyện để dần phục hồi chức năng. Nhờ kiên trì khổ luyện, từ chỗ nằm liệt giường, tôi đã có thể tự ngồi dậy, tự vận động phần tay. Và rồi hạnh phúc nhất là có thể tự túc được một số vấn đề vệ sinh cá nhân.

Do chấn thương trước đây quá nặng, mặc dù đã cố hết sức nhưng vẫn chỉ cử động được phần trên của cơ thể. Tuy nhiên, đó cũng là hạnh phúc và may mắn quá lớn đối với tôi” – ông Tuấn kể.

Chủ nhân của hàng chục huy chương

Ông Tuấn tham gia môn bắn súng tại Paragames

Đấu tranh kiên trì để vượt qua cái chết cận kề, trở về với đời thường, được xác định thương tật 81%, là thương binh hạng ¼ nhưng ít ai ngờ, thương binh Trần Mạnh Tuấn lại tiếp tục lập thêm nhiều “kỳ tích” đối với bản thân khi ông liên tục trở thành chủ nhân của rất nhiều huy chương và thành tích trong các kỳ Đại hội Thể thao trong nước và quốc tế.

Thương binh Trần Mạnh Tuấn giản dị giữa đời thường

Theo chia sẻ của vị thương binh này, để có thể “vượt qua” được những trở ngại của chính bản thân mình, ông đã đổ rất nhiều mồ hôi cũng như nước mắt. Những ngày đầu ngồi xe lăn để ra sân tập bắn súng, lắp đạn vào băng, ông run run, vết thương cũ tái phát, ký ức xưa lại ùa về, … ông phải nén lòng lại để vượt qua những thử thách của bản thân.

Với người thường, bơi lội có thể là một môn thể thao bình thường, nhưng với ông, đó là cả một quá trình thử thách đầy cam go. Điểm yếu của ông là phần thân dưới không thể cử động, nên rất khó để cho cơ thể giữ thăng bằng và nổi trên mặt nước, chưa kể tới còn phải bơi về đích. Thế nhưng, sau rất nhiều lần sặc nước, ho tới mức viêm phổi, người thương binh di chuyển bằng hai tay đã có thể bơi lội và tự tin tham gia các giải đấu môn bơi dành cho người khuyết tật. 4 Huy chương (gồm 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ) tại giải tiền Paragames 2 và Paragames 2 được tổ chức tại Việt Nam; Huy chương vàng môn bắn súng tại ; Đại hội thể thao khuyết tật toàn quốc năm 1997 và tại Asean Paragames năm 2001; tham gia Paralympic games năm 2004; đạt nhiều thành tích xuất sắc trong môn xe lăn ở Đại hội thể thao Châu Á - Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật… Đó là những thành tích vô cùng tự hào đối với người thương binh nặng Hà thành. Các giải thưởng đối với ông không chỉ đơn thuần là thành tích, mà chính xác phải gọi là “kỳ tích”, bởi ông là một trong những minh chứng cho những tấm gương thương binh điển hình “tàn nhưng không phế”.

Ông Tuấn và cháu ngoại

Hiện nay, ông Tuấn sống cùng vợ con tại khu tập thể chính sách Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Vợ ông là người gốc Hải Phòng, là giáo viên đã nghỉ chế độ mất sức, người đã bên cạnh, gắn bó và chăm sóc ông suốt 30 năm qua. Bản thân bà cũng mang trong mình một căn bệnh quái ác - đó là ung thư vú và đã phải cắt đi 1 bên.

Do sức khỏe yếu, ngoài tham gia một số hoạt động văn nghệ với các đồng đội vào những ngày kỷ niệm quan trọng, ông chủ yếu dành thời gian bên gia đình, vui vầy bên con cháu.

"Hàng năm vào những ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) là tôi lại vô cùng xúc động khi được Đảng và nhà nước quan tâm nhắc đến. Điều đó đã khiến những người đã từng cống hiến cho đất nước cảm thấy mình không bị lãng quên. Tuy rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần nghị lực của người lính cụ Hồ, chúng tôi vẫn sẽ phấn đấu để cho con cháu được hạnh phúc" - thương binh Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.

Đậu Đậu

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/nguoi-thuong-binh-vang-va-nhung-ky-uc-xuan-xanh-a197320.html