Người thương binh và bảo tàng 'đặc biệt'

Ông Lâm Văn Bảng, thương binh 2/4, nguyên chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở đảo Phú Quốc (từ năm 1970 đến 1973) đã tự hiến toàn bộ khuôn viên của gia đình và cùng những thương binh, cựu tù Phú Quốc bỏ công sức sưu tầm và xây dựng nên Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở làng Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Cây đa do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng trong khuôn viên bảo tàng. Ảnh: Lê Quý Hoàng

Hơn 3.000 hiện vật quý, minh chứng cho những tội ác tày trời của kẻ thù được quy tụ trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2 của chính gia đình ông Lâm Văn Bảng. Nước da đen sạm, dáng vóc gầy nhưng nhanh nhẹn, ít ai biết rằng ông Bảng đã ngoài 70 tuổi và đã từng 7 lần lên bàn mổ, sống chỉ bằng một quả thận. Ông nhập ngũ năm 1965, là chiến sỹ Trung đoàn Bình Giã. Trong cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1968, ông bị thương gãy cả chân và tay, địch bắt ông đày ra đảo Phú Quốc.

Bảo tàng được chia thành 9 phòng. Phòng số 1 là đền thờ các anh hùng liệt sỹ hy sinh ở Phú Quốc. Đất và chân hương trên bát nhang trong đền được lấy từ nơi thờ Bác Hồ ở Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) và các nghĩa trang: Trường Sơn, Đường 9, Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, Đền Bến Dược, Củ Chi lũy thép, Nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc... Ngôi đền được xây nổi giữa một ao nhỏ, mô phỏng nhà lao Phú Quốc giữa muôn trùng biển cả.

Trước đền là đôi câu đối ngợi ca khí tiết của người đã khuất: “Hồn thiêng vẫn lượn quanh cờ đỏ/Nghĩa lớn còn ghi giữa sử xanh”. Các phòng tiếp theo được trưng bày nhiều bức ảnh, mô hình các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy; giới thiệu tấm gương trung kiên của chiến sỹ cách mạng; những hiện vật quý về sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng ở nhà tù, như cờ Đảng, cờ Đoàn tự tạo, những chiếc sáo bằng tôn, mô hình phòng họp chi bộ… Đây là những kỷ vật đã từng nuôi dưỡng niềm tin giúp các chiến sỹ cách mạng bền chí và kiên cường đấu tranh với kẻ thù.

Mỗi hiện vật ở đây có một hành trình, số phận riêng. Đó là cái roi cá đuối đánh tù nhân tróc da thịt, hở cả gan ruột; kìm bẻ răng, những chiếc đinh địch đóng vào đầu đồng chí Phạm Hồng Sơn, một Thiếu úy đặc công Hải quân cho đến khi anh chết. Khi ra Phú Quốc bốc mộ bạn, ông Bảng đã lấy những chiếc đinh này từ hộp sọ người đồng đội đem về. Còn đây, bộ cắt móng tay, móc tai, dao dọc giấy được “chế tạo” trong tù.

Một hiện vật đặc biệt khác - đó là lá cờ Đảng, do người bạn tù Phú Quốc tự thêu trong khi bị giam giữ. Lá cờ chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, được những người tù chuyền tay nhau giữ suốt nhiều năm. Một du khách nước ngoài đến bảo tàng, sau khi nghe giới thiệu về tiểu sử lá cờ đã xin mua với giá 40.000 đô-la Mỹ nhưng bị từ chối.

Không chỉ có những hiện vật trưng bày trong bảo tàng, bản thân những cựu tù Phú Quốc tại đây cũng là những “hiện vật” biết nói. Họ là những nhân chứng sống đã tận mắt chứng kiến và chịu đựng những cực hình tra tấn của địch. Ông La Hậu kể: “Một lần, chúng tôi tổ chức kết nạp Đảng, bị địch phát hiện. Tôi bị chúng dùng dùi cui phang vào miệng, dùng búa và kìm bẻ gãy hai chiếc răng”.

Những năm tháng đó, nhiều người tù xung phong tự mổ bụng mình để phản đối chế độ hà khắc và sự tra tấn dã man, vô nhân đạo, vô nhân tính của địch, chi bộ phải họp và xem xét quyết định. Khi cho chúng tôi xem những vết thương đã thành sẹo của mình, các ông dường như đang sống lại những ngày tháng cực hình nơi địa ngục trần gian Phú Quốc. Ông Tống Trần Hội (Sóc Sơn, Hà Nội), một cựu tù Phú Quốc không ngần ngại cho chúng tôi xem đôi chân bị địch cắt gân, tháo xương gối. Dù bị hành hạ đến đâu, không bao giờ các ông cúi đầu van xin kẻ thù.

Cho đến nay, bảo tàng đã đón hàng vạn lượt người tới thăm, năm sau nhiều hơn năm trước. Ông Kiều Văn Uỵch, Phó Giám đốc bảo tàng cho biết: “Hằng năm, cứ vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7, có khoảng 6.000 đến 7.000 lượt người tới thăm bảo tàng. Khách đến là các cựu chiến binh, các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cháu học sinh. Đây thực sự đã trở thành một nơi giáo dục truyền thống cách mạng rất “trực quan, sinh động” bởi những “hiện vật sống” và các nhân chứng lịch sử”.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một cựu tù Phú Quốc đã không ít lần về bảo tàng, đánh giá cao giá trị các hiện vật và hoạt động của các cựu chiến binh, thương binh ở đây. Nhiều người đến thăm đã bật khóc, ghi lại cảm xúc của mình.

Bà Tô Thị Lan, quê ở Nha Trang, Khánh Hòa viết: “Tôi từng bị địch tù đày ở Phú Quốc, được xem lại hiện vật trưng bày vụ sát hại 148 tù binh ngày 6-5-1972, tôi vô cùng phẫn uất và căm ghét bọn Mỹ - ngụy... Cảm ơn các anh đã sưu tầm những hiện vật quý giá để giữ lại cho chúng tôi - những người bị tù đày hồi tưởng lại những ngày ở “địa ngục trần gian” đã qua…”.

Tháng 8-2012, một cán bộ Đại sứ quán Italy tại Philippines đến thăm bảo tàng, xúc động bày tỏ: Tôi biết ít nhiều về lịch sử Việt Nam, nhưng được gặp và sống, trải nghiệm với những nhân chứng sống của lịch sử, đối với tôi là lần đầu tiên. Đây là một bảo tàng mà ở đó người ta kể về những cái chết, tất cả những bạo lực dã man, nhưng vượt lên trên hết, đây là một nơi cái sống sẽ chiến thắng cái chết. Những người đã sống sót vẫn giữ mãi ký ức về đồng đội, những người đã hy sinh và đó là bài học về chiến tranh không chỉ cho nhân dân Việt Nam, mà cho cả nhân loại. Ông Trần Tú Viên, một khách du lịch Trung Quốc thì cho rằng: “Nơi này là một nơi dạy hiếu, dạy trung thành thật tốt…”.

Từ khi lập ra cho tới nay, bảo tàng luôn hoạt động theo 4 nguyên tắc: “Tự nguyện, tự túc, tự quản và tự chịu trách nhiệm”, không hề có một khoản kinh phí nào của Nhà nước. Hằng ngày, các cựu tù Phú Quốc thay phiên nhau đến trông nom, phân công nhau quét dọn, lau chùi, bảo quản các hiện vật của đồng đội mình trong khu trưng bày và thuyết minh, hướng dẫn khách đến thăm. Có người đạp xe hàng chục cây số, có người không có tiền mua xăng phải xin vợ con, đồng đội để đến bảo tàng thường xuyên, ăn bữa cơm rau dưa và cùng nhau làm việc. Họ không vì tiền bạc mà chỉ nghĩ về tình nghĩa với đồng chí, đồng đội. Chỉ tính riêng tiền hương hoa, đèn dầu thắp cho các liệt sỹ, tiền điện phục vụ khách tham quan cũng đã tốn khá nhiều, trong khi bảo tàng không có một nguồn thu nào.

Mặc dù khó khăn là thế, nhưng những cựu tù tại đây vẫn luôn sống tươi vui, đem hết tâm huyết của mình để xây dựng, củng cố và phát triển bảo tàng. Mấy năm gần đây, các ông đã tổ chức nhiều triển lãm lưu động tới các trường đại học và các tỉnh lân cận nhằm giới thiệu và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ như: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), triển lãm Vân Hồ, Nghệ An, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Mỗi nơi các ông tới trưng bày có hàng nghìn lượt người tham quan.

Năm 2016, kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập, bảo tàng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. 10 năm hoạt động, bảo tàng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng 2 Bằng khen; UBND TP Hà Nội tặng 5 Bằng khen. Điều đó đã cho thấy tính hiệu quả của bảo tàng và cũng là sự động viên to lớn cho những thương binh, chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày nơi đây...

Lê Quý Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-thuong-binh-va-bao-tang-dac-biet/