Người thầy dốc lòng dạy chữ viết Bru - Vân Kiều

Ở tuổi 70, nhưng thầy giáo Hồ Xuân Long, trú thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ với công việc dạy chữ viết Bru - Vân Kiều cho các học trò miền núi và các cán bộ miền xuôi. Thầy Long dành trọn đời mình cho việc dạy chữ viết của người Pa Cô, Vân Kiều trên dãy đại ngàn Trường Sơn là vì không muốn mai này chữ viết, vốn văn hóa đáng quý của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây bị mai một...

Chúng tôi gặp thầy Long mỗi ngày rong ruổi trên các cung đường xã, huyện hàng chục cây số, đèo dốc ngoằn ngoèo để dạy chữ viết Bru - Vân Kiều cho các học trò nhỏ của mình và các cán bộ trên những bản làng xa xôi hẻo lánh. Hỏi thầy sao không nghỉ ngơi sau gần 50 năm ròng rã “cõng con chữ” giữa đại ngàn, thầy cười hiền, bảo: “Là thầy sợ chữ viết của đồng bào mình bị mai một, không ai giữ gìn và phát triển nó. Mất đi chữ viết là mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc. Bởi vậy, thời gian này, bên cạnh việc dạy chữ, thầy còn tìm mọi cách động viên lớp trẻ giữ gìn và phát triển chữ viết này”…

Năm 1966, sau tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Vinh, chàng trai người Vân Kiều mang họ Bác Hồ được phân công về dạy học tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị), mảnh đất địa đầu của Tổ quốc sau khi Bắc - Nam bị chia cắt hai miền. Thầy trầm ngâm nhớ lại những năm tháng dạy học dưới mưa bom bão đạn: “Mỗi ngày có hàng chục lượt máy bay quần sát ngọn cây, giội bom nát mặt đất. Trường học là những khoảnh đất ở giao thông hào, địa đạo. Chạy bom và chạy chữ là hai con đường ma-ra-tông ngược chiều nhau nhưng cả thầy và trò đều phải dùng hết tốc lực để chạy! Một tuần có khi phải dời trường đến ba lần”. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, thầy Long được phân công về dạy học tại huyện vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị). Thầy cùng với đồng nghiệp lặn lội khắp núi rừng tìm học trò, vận động các em đến trường học cái chữ. Con chữ đến được với các em ở đây, gian nan không kém thời chiến tranh!

Ở tuổi 70, nhưng thầy giáo Hồ Xuân Long vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu, soạn giáo án dạy chữ viết Bru - Vân Kiều cho mọi người.

Năm 1988, thầy Long được phân công về dạy học và làm công tác quản lý hành chính tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hướng Hóa cho đến ngày nghỉ hưu. Từ đó đến nay, thầy chuyên vào việc dạy chữ viết Bru - Vân Kiều cho các em học sinh miền núi và cán bộ xã, huyện ở đây. Hỏi quyết định dạy chữ viết này, thầy bảo chuyện dài lắm. Vào thời điểm sau giải phóng, Ủy ban Khoa học và Ban Dân tộc tỉnh Bình Trị Thiên bấy giờ lập đề án nghiên cứu phục chế chữ viết Bru - Vân Kiều, do GS TS.Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ làm chủ nhiệm. Thầy may mắn được mời làm cộng tác viên nghiên cứu. Sau 6 năm, từ 1980 đến 1986 thì công trình hoàn thành. Vốn chữ viết Bru - Vân Kiều của thầy được bổ túc trong những năm đó, rồi tiếp theo thầy được cho đi học 6 tháng, được cấp chứng chỉ.

“Người ta có thể quên đi nhiều thứ trên hành trình cuộc sống lắm gian nan và nhiều khi mỏi mệt, nhưng không ai có quyền quên đi cội nguồn!”, thầy Long tự nhủ. Và, cơ hội để thầy tiếp tục giữ gìn và phát triển chữ viết của người Pa Cô, Vân Kiều đã trở thành hiện thực khi năm 2008, thầy được Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị và Ban Dân tộc tỉnh mời tham gia giảng dạy tiếng Bru - Vân Kiều cho cán bộ các cơ quan, đoàn thể công tác ở miền núi. “Ấp ủ mơ ước giữ gìn chữ viết của đồng bào mình bấy lâu, từ đó tôi đã có cơ hội thực hiện”, thầy Long chia sẻ…

Mỗi ngày, với chiếc xe máy đã cũ mèm, thầy Long rong ruổi trên khắp núi đồi, đèo dốc để truyền bá chữ viết Bru - Vân Kiều cho các học trò. Kết quả, sau gần 7 năm thầy đã truyền dạy con chữ và cách đọc thông thạo tiếng Bru - Vân Kiều cho gần chục nghìn cán bộ và học sinh miền núi của tỉnh Quảng Trị. “Sau mỗi khóa học hoàn thành, tôi thấy vui lắm. Vui bởi không chỉ có cán bộ người bản địa, mà có rất nhiều cán bộ người Kinh ở miền xuôi cũng theo học chữ. Khoảng cách giao tiếp giữa người miền xuôi và miền ngược thông qua ngôn ngữ này đã ngày càng được thu hẹp lại”- thầy Long tâm sự

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/8/242273.cand