Người Thẩm phán luôn tìm tòi giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ

Ông Nguyễn Thái Công, SN 1979, hiện đang là quyền Chánh án, Bí thư Chi bộ TAND huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, được bổ nhiệm Thẩm phán năm 2008.

Được biết, số vụ việc do Thẩm phán Công trực tiếp giải quyết, xét xử trong thời gian từ 1/10/2012 đến khi tham dự kỳ thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi” là 124 vụ, việc.

Do là người địa phương khác chuyển đến (quê ông ở huyện Kiến Xương, Thái Bình) nên thời gian đầu Thẩm phán Nguyễn Thái Công gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với môi trường công tác, vị trí địa lý và địa bàn dân cư Ngân Sơn. Ông cho biết, Ngân Sơn là một huyện nghèo, đường xá đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí còn lạc hậu, hiểu biết pháp luật hạn chế nên ảnh hưởng phần nào tới việc giải quyết công việc. Để thực hiện tốt chức năng giải quyết, xét xử các loại án và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, trước hết ông rất quan tâm đến công tác lãnh đạo, quản lý đơn vị. Nhận thức sâu sắc về điều đó nên Thẩm phán Công đã xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan và thường xuyên chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức trong đơn vị.

Bên cạnh đó, Thẩm phán Công đã đề ra giải pháp để vừa thực hiện tốt chức năng quản lý, lãnh đạo, vừa thực hiện tốt công tác xét xử. Đó là, trên cơ sở các loại án được phân công, ông tự phân loại án từ phức tạp đến đơn giản, qua đó đề ra kế hoạch công tác, kế hoạch giải quyết, thời gian biểu để xử lý, giải quyết công việc cụ thể. Ông luôn tranh thủ, tận dụng thời gian dành cho việc nghiên cứu hồ sơ, thực hiện các hành vi tố tụng theo quy định của pháp luật để tham gia xét xử, giải quyết các vụ án.

 Thẩm phán Nguyễn Thái Công

Thẩm phán Nguyễn Thái Công

Đối với các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình có đương sự là người dân tộc thiểu số, ông tham khảo tìm hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc cũng như đời sống của gia đình họ. Qua đó, Thẩm phán nắm bắt được tâm lý để tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp. Từ đó, tìm ra phương án hòa giải cũng như giải quyết vụ án một cách chính xác, phù hợp với nguyện vọng của đương sự, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ án phải đưa ra xét xử. Do vậy, trong quá trình giải quyết án dân sự, đa số các vụ án ông đều ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc đình chỉ do đương sự tự nguyện rút đơn và không yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì vậy, trong thời gian qua, bản thân ông đã hạn chế tới mức thấp nhất các vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án đạt kết quả tốt, có duy nhất 1 vụ án dân sự bị hủy (chiếm tỷ lệ 0,8%); 7 vụ bị sửa vì lý do khách quan.

Cũng theo Thẩm phán Công, một trong những yếu tố đã giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là vấn đề áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác là sử dụng công nghệ thông tin. Tất cả các báo cáo, công văn và các bản án, quyết định ông đều trực tiếp soạn thảo, chỉnh sửa trên máy và in ấn, phát hành kịp thời. Đối với các văn bản tố tụng, công văn ngắn, báo cáo, ông hướng dẫn Thư ký soạn thảo, sau đó gửi vào hộp thư điện tử cá nhân để kiểm tra, chỉnh sửa trước khi ông ký ban hành. Nhờ vậy, văn phòng phẩm được tiết kiệm tối đa, đồng thời giúp các Thư ký nâng cao kỹ năng soạn thảo và trình bày văn bản hành chính, văn bản tố tụng, bản án theo đúng mẫu quy định.

Sự lăn lộn với công việc của ông đã được đền đáp. Năm 2013, ông Công đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua TAND; năm 2014, 2015, ông đạt Lao động tiên tiến và là Điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2014.

Trao đổi với PV, Thẩm phán Công cho biết, để đạt được các thành tích trên, cá nhân ông luôn nắm vững, chủ động bám sát các quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với từng loại vụ án cụ thể để đảm bảo làm tốt công việc. Bên cạnh đó, ông luôn nêu cao tinh thần tự học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và có kế hoạch làm việc khoa học, kế hoạch giải quyết, thời gian biểu cho phù hợp với từng loại vụ việc.

Một yếu tố không thể không nhắc tới đó là phải luôn tìm cách nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tìm ra mâu thuẫn của đương sự để có hướng giải quyết mâu thuẫn một cách khách quan, toàn diện và đúng quy định pháp luật. Cuối cùng, một yếu tố không thể thiếu đượ là phải tìm hiểu, nắm vững phong tục, tập quán địa phương để tạo thuận lợi cho việc giải quyết công việc, ông Công khẳng định.

Gia Hưng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/phong-trao-thi-dua/nguoi-tham-phan-luon-tim-toi-giai-phap-de-hoan-thanh-nhiem-vu-184740.html