Người tham gia giao thông khổ vì khâu thi công

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đã thi công xong kết cấu chính của của 10 nhà ga và hiện chỉ còn ga Cát Linh và Vành đai 3 đang thi công. Nhưng hiện ở một số nhà ga dọc tuyến, do thi công không đảm bảo an toàn, nước đã đổ thẳng xuống đầu người dân lưu thông phía dưới, gây mất an toàn giao thông cho người tham gia giao thông khi đi qua tuyến này.

Trước tiến độ thi công của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đốc thúc các nhà thầu khẩn trương xây lắp tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để hoàn thành vào cuối năm 2016, nửa đầu năm 2017 lắp đặt thiết bị và chạy thử và đến giữa năm 2017 sẽ phải đưa vào khai thác. Theo đại diện Bộ GTVT, hiện tiến độ của dự án chậm 2 tháng so với kế hoạch, do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do thời tiết nắng nóng, nhưng khối lượng công việc bị ảnh hưởng lớn.

Gói thầu chính của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là: Thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp do Cty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Dự án bao gồm các hạng mục: Xây dựng 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 80 km/h; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đường sắt, công tác xây lắp chậm tiến độ do năng lực của tổng thầu hạn chế - từ thiết kế bản vẽ đến chuẩn bị lực lượng thi công chậm và vốn lưu động thiếu. Vì thế, trong suốt quá trình thi công dự án trên, người dân cũng phải chịu nhiều bất cập khi lưu thông bên dưới, như ùn tắc giao thông bởi các rào chắn, bụi, ồn… Nhưng hiện bức xúc nhất là việc nước từ một số nhà ga đang thi công bên trên chảy xuống đầu người dân lưu thông bên dưới. Chị Minh Hải (trú tại Hà Đông) cho biết, hàng ngày chị phải lưu thông dọc tuyến đường này, tuy cũng biết khu vực nước chảy có đề phòng, nhưng nhiều khi đường ùn tắc, nước trên cao chảy xuống ướt hết người đành phải chịu. Cùng bức xúc với chị Hải, anh Thanh Hùng (nhà ở khu Hoàng Cầu) cho biết thêm, nước chảy ngày đêm, như kiểu vỡ đường ống dội thẳng xuống đầu người dân và nhiều người do tránh nước chảy vào người đã bị ngã, bản thân anh cũng đã bị nước bẩn phía trên đổ thẳng vào người buộc phải về nhà thay lại quần áo.

Có mặt tại nhà ga vị trí 12 Hoàng Cầu, PV Báo Lao Động Thủ đô đã chứng kiến nước chảy thẳng xuống đầu người dân. Cách đó khoảng 1km, cũng trên đường Hoàng Cầu mới, tình trạng nước ở trên chảy xuống dưới cũng tương tự, một số dân trú tại đây cho biết, ngày mưa thì không sao, chứ ngày nắng đang đi bị nước chảy vào mặt rất khó chịu và rất nhiều người đã bị ngã khi tránh nước vào chảy vào người. Theo anh Trọng Dân (trú tại ngõ 178 Thái Hà) không hiểu nước chảy xuống là sạch hay bẩn, nhưng vừa lãng phí và mất an toàn giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến những người bên dưới. “Dự án này đã nhiều lần mất an toàn lao động và đã có chết người, nhưng các đơn vị thi công vẫn chưa lấy đó làm bài học và vẫn xem nhẹ vấn đề an toàn trong thi công là khó chấp nhận được” - anh Dân bức xúc chia sẻ. Thiết nghĩ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động là một trong những vấn đề then chốt trong quá trình thi công. Do vậy, đề nghị các đơn vị thi công xử lý ngay sự cố trên để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông bên dưới.

Tất cả vì sự an toàn của hành khách

Báo Lao động Thủ đô số 95 ra ngày 9.8.2016 có bài “An ninh đường sắt - Bỏ ngỏ đến bao giờ? Phản ánh về tình trạng lỗ hổng an ninh trong công tác kiểm tra hành lý, phương tiện và hành khách khi lên tàu.

Ngay sau đó, ngày 11.8 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản số 2362/ĐS - ANQP trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề báo nêu. Theo đó, bên cạnh thực hiện các quy định về an toàn đường sắt đã được quy định trong các văn bản pháp quy, để khắc phục những thiếu sót trong công tác bảo vệ an ninh trật tự đối với lĩnh vực đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt có chủ trương như sau: “Tăng cường công tác truyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, CNVCLĐ về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, nhận thức rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để có biện pháp tự phòng, chống trong tình hình mới. Đồng thời, từng bước đầu tư phương tiện, thiết bị kiểm tra, giám sát an ninh tại các nhà ga; trang bị tốt cho lực lượng bảo vệ đảm bảo đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tại các ga và trên các đoàn tàu”.

Báo Lao động Thủ đô hoan nghênh và trân trọng cảm ơn thái độ cầu thị của Ban lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong việc tiếp thu ý kiến phản ánh của phóng viên. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, để thành lập lực lượng an ninh đường sắt trong việc soi, kiểm tra hành lý của hành khách trong quá trình làm thủ tục vào ga lên tàu như lực lượng an ninh hàng không trách nhiệm không thuộc về Tổng Công ty Đường sắt mà thuộc về cấp cao hơn là Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an. Do đó, trong một thế giới đang ngày càng có những diến biến phức tạp về chủ nghĩa khủng bố, thì việc Báo phản ánh về việc cần thiết lập hệ thống an ninh đường sắt như với hàng không cũng nhằm góp phần đảm bảo tuyệt đối cho ngành trong công tác vận tải hành khách.

L.Hà

Trang Khanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-tham-gia-giao-thong-kho-vi-khau-thi-cong-41116.html