“Người Sông Thao” bên bến sông Hồng

QĐND - “Sông Thao thêm một lần tôi tắm / Thêm một lần tôi đến để rồi đi”… Những câu thơ đầy thi vị cứ vang lên trong tôi khi lần đầu tới Lữ đoàn Công binh vượt sông Sông Thao (tức Lữ đoàn 239 - Binh chủng Công binh), giờ nằm bên bến Mễ Sở sông Hồng. Nhưng chuyện của “người Sông Thao” chẳng hề mộng mơ mà nhiều ký ức dữ dội. Cuộc đời người lính công binh cũng như dòng sông, thầm lặng mà ẩn chứa bao sức mạnh...

Những “Tô Vĩnh Diện công binh”

Đại tá Nguyễn Văn Thịnh, Chính ủy Lữ đoàn khi đưa tôi vào phòng truyền thống đơn vị kể: Rất nhiều chiến sĩ trẻ đã “sốc” khi nhìn thấy chiếc bát sắt và đồ đựng thức ăn của thế hệ công binh thời Chiến dịch Biên giới 1950. Cũ kỹ và xấu xí, đĩa đựng thức ăn là ống tre nhìn chẳng khác gì một chiếc… máng. Nhưng chất anh hùng của người sông Thao đã bừng lên từ trong gian khó. Dọc theo chiều dài đất nước, cánh lính trẻ hôm nay khi đi làm nhiệm vụ lại được nghe những câu chuyện “truyền kỳ” về “các cụ” công binh 239 “nhà mình” một thuở…

Chiến sĩ trẻ Đoàn Sông Thao học tập lời căn dặn của Bác Hồ bên bến vượt Mễ Sở.

Lên Tây Bắc mở đường tuần tra biên giới, anh em thêm tự hào khi hay chuyện: Thời Điện Biên Phủ, người ta hay nhắc đến một Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo nhưng trước đó, mùa hè năm 1953, Đoàn Sông Thao cũng từng có một “Tô Vĩnh Diện công binh”. Khi sửa cầu cho quân ta đi chiến dịch, cầu hỏng, yếu, người lính Hoàng Văn Phác đã chui xuống gầm cầu, lấy thân mình ôm giữ chiếc cột chống yếu nhất của cầu để xe ta lăn bánh.

Bến Mễ Sở, nay là bến vượt huấn luyện hằng ngày đồng thời cũng là nơi Bác Hồ đã đến kiểm tra diễn tập cầu phao một đêm cuối năm 1966, từng là một trọng điểm bị Mỹ ném bom. Ngày 14-12-1967, đơn vị đang ghép phà thì một đàn quạ sắt Mỹ lao tới, ném dồn dập hơn 200 quả bom. Đảng viên trẻ Mai Đình Vắn xung phong lái ca nô vượt “túi bom” để cứu phà. Ca -nô chạy ra giữa sông thì một quả bom nổ, hất tung ca -nô và Vắn lên cao. Bị thương nặng nhưng anh vẫn dũng cảm bơi vào bờ và cứu được phà. ít ngày sau, hai anh Nguyễn Đình Khoản và Lưu Bá ước đã hy sinh khi lái ca -nô cứu phà. Trong đợt phát động thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gần đây, bến Mễ Sở đã được xác định xây dựng thành bến lưỡng dụng, xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ và sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước đã đổ xuống bến sông này.

Bến Chèm, nơi đơn vị bắc cầu phao Chèm để “giải cứu” cho cầu Thăng Long gần đây, năm 1967 từng có phà Chèm. Năm ấy, Mỹ ném bom phá phà. Tổ phá bom của Tiểu đoàn 3 do anh Vũ Đức Huỳnh và anh Đặng Đình Vang chỉ huy đã nhiều lần rà phá được bom. Bữa ấy, bom rơi nhiều. Anh Vang tình nguyện chui xuống hút bom đặt thuốc nổ. Đang thao tác thì bom nổ, anh Vang hy sinh, anh Huỳnh bị thương nặng nhưng không chút ngại ngần, nhiều cánh tay giơ lên xin được thay vào vị trí hai anh. Phà lại thông…

Năm 1968, trong một lần phá bom ở bến Nam Đàn, có lệnh dỡ cầu khí nước thủy triều rút mạnh, hai khoang thuyền bị đẩy trôi. Anh hùng Hoàng Minh Tuất đã bấm chân, bấm tay xuống bãi sông tạo "chiếc neo sống" ghìm giữ con phà trước dòng nước xiết để phà không trôi xuống bãi bom nổ chậm.

Người Sông Thao bây giờ - vài phác thảo

Đại tá Phùng Ngọc Sơn, Lữ đoàn trưởng là người đã có tới 21 năm gắn bó với Lữ đoàn, trưởng thành từ chiến sĩ công binh lên đến cương vị Lữ đoàn trưởng. Từng trải, hiểu nghề, anh sâu sát, tỉ mỉ đến từng ly. Còn nhớ những ngày bắc cầu phao Chèm, anh đã trinh sát thận trọng và tìm ra giải pháp hợp lý, bắc cầu qua bãi nổi và tìm các vị trí chuẩn xác tới từng mét. Máu nghề nghiệp giúp anh có thể ngồi ca nô, chỉ cần nhìn sủi tăm, bọt nước cũng biết độ nước nông sâu. Năm 1999, khi được giao chỉ huy hơn 200 quân vào Thừa Thiên -Huế cứu dân trong cơn “đại hồng thủy”, anh từng làm cuộc sát hạch kiểm tra trình độ bơi cho anh em ngay trong đêm mưa gió bên bến Mễ Sở. Thực tiễn của những nhiệm vụ dồn dập khiến anh thấm thía, luôn đặt ra yêu cầu cao trong huấn luyện, càng trong mưa gió, rét mướt càng phải huấn luyện bộ đội bắc cầu, phà vượt sông cho thật tinh thông.

Thiếu tá Đỗ Văn Dũng, Phó tiểu đoàn trưởng quân sự Tiểu đoàn 1 đã tham gia nhiều chuyến đi giúp dân chống bão lụt. Lần vào Thừa Thiên -Huế năm 2000, Dũng chỉ huy 6 người ngồi trên một chiếc xuồng vào cứu trợ cho một trại giam khi nước đang rút mạnh. Khi tới gần một chiếc cống nước chảy xiết thì máy xuồng bị rơi xuống nước. Xuồng chết máy, lảo đảo rồi lao về phía cống đang “hút” xuồng. Anh em hoảng sợ, có người đòi nhảy xuống nước. Trong khoảnh khắc ấy, Dũng bình tĩnh động viên anh em ngồi yên rồi lệnh cho chiến sĩ Ninh Văn Tám, chàng trai Nam Định giỏi nghề sông nước quăng dây vào một gốc tre gần đó. Thật may là cú quăng chính xác, xuồng được ghìm lại. Vừa hay lúc đó có một chiếc xuồng của dân đi tới đã “cứu” các anh, nếu không hôm đó, có thể sẽ có người hy sinh. Đi cứu dân và đã được dân cứu, kỷ niệm ấy còn đọng mãi trong anh và đồng đội…

Đại úy Lê Xuân Trung, 36 tuổi, một chủ nhiệm trinh sát giỏi từng là người vinh dự bắc mố cầu đầu tiên của cầu phao Khuyến Lương năm 2003, cây cầu mà bẵng đi khá lâu, từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến tận năm 2003, mới lại có một cây cầu phao thực sự được bắc phục vụ nhân dân. Cách đây ít lâu, Trung từng tham gia mở đường tuần tra biên giới ở Sốp Cộp – Sơn La. Dạo đó trên công trường, tôi còn gặp Trung úy Phạm Quốc Khánh, quê Xuân Trường - Nam Định, chiến sĩ lái ca nô đẩy phà từng đoạt nhiều giải nhất hội thao cấp binh chủng. Chiến sĩ lái ca nô có thâm niên 17 năm nay đi làm đường tuần tra biên giới. Bước chân người lính 239 thời bình là thế... Chính ủy Nguyễn Văn Thịnh cho hay, 60% sĩ quan của Lữ đoàn là sĩ quan trẻ, hầu hết đã có gia đình. Cuộc sống còn nhiều vất vả, rất ít người có được nhà riêng nhưng anh em vẫn hết mình vì nhiệm vụ. Nghề công binh vượt sông gắn liền với những bến vượt trong đó bến vượt lớn nhất là vượt lên chính mình để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao…

Bài và ảnh: Nguyên Minh

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/261/261/261/181068/Default.aspx