Người sống sót cuối cùng trên 'danh sách Schindler'

Thế Chiến II đã qua từ lâu, và những nhân chứng sống của nó chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Một trong những người thuật lại quá khứ đen tối ấy là Michael Emge. Ông đã sống sót nhờ Oskar Schindler.

Con người được cả thế giới cảm phục...

... vì đã đặt mạng sống của mình vào cửa tử để cứu sống 1.200 người Do Thái, hôm nay chỉ còn lờ mờ hiện bóng trên một bảng đồng thau xám chì. Đó là bức chân dung của Oskar Schindler, chụp vài hôm trước khi qua đời.

Tượng đài trên màn bạc thì dĩ nhiên lớn hơn nhiều nhờ tác giả Steven Spielberg – trước đây 20 năm ông đạt được đỉnh cao của mình với phim Schindler’s list, thuật lại chiến công của một người hùng mà cho đến thời điểm ấy ít ai biết tên.

Schindler đút lót các quản tù phát xít, dùng bạc triệu “chuộc lại“ cuộc sống cho người Do Thái rồi để họ làm việc trong nhà máy quân nhu của mình ở Krakow.

Michael Emge – người sống sót cuối cùng trong “Danh sách Schindler”

Một người trong danh sách ân huệ đó, dù cho Thế Chiến II đã qua từ lâu, vẫn phải mang tên giả Michael Emge và dùng địa chỉ bí mật. Ở tuổi 84, khi thuật lại câu chuyện đời mình cho một nhà báo, ông đi chậm chạp nhưng thẳng lưng. Số phận không bẻ gãy được ý chí ông, nhưng ông luôn cẩn thận không để ai lại gần mình từ sau lưng.

Ra khỏi tàu điện ngầm, ông để những hành khách xung quanh đi hết, cho đến khi không còn ai sau lưng mình nữa. “Bọn chúng toàn đến từ phía sau“, Michael Emge kể về những kẻ hành hạ mình. “Cảm giác đó không bao giờ mất đi.“

Emge là người Do Thái cuối cùng trên “danh sách Schindler” còn sống.

“Ông ấy là người tốt”...

... Emge nói, trước khi ngừng lời một lúc. “Nhưng trong đời tư là một kẻ đốn mạt. Rượu, gái, tiền. Đó là ba mục tiêu quan trọng của ông ấy” – Emge nói tiếp – “Schindler là một thương nhân với niềm say mê đặc biệt đối với cognac, thuốc lá Anh và gái đẹp. Ông làm việc thiện với những người Do Thái, vì họ kiến tạo nên núi tiền để ông tiêu. Tôi tin là ông ấy thoạt tiên chỉ muốn làm giàu”.

Emge đã hai lần vào rạp xem phim Schindler’s list: “Xét về mặt thương mại thì đó là tác phẩm điện ảnh bậc thầy, một bom tấn của Hollywood, nhưng xin đừng dùng nó làm nguồn tài liệu. Bộ phim đã lờ đi vai trò của bà Emilie, vợ Oskar Schindler. Bà ấy là người đem thức ăn cho chúng tôi, còn chồng bà là vị hoàng tử không quan tâm đến chuyện nhỏ nhặt đó”.

Emilie Schindler là người mang kim cương giấu trong người đến Berlin để chuộc lại những phụ nữ Do Thái lẽ ra bị đưa đến lò thiêu người Auschwitz. Trong phim, chính Schindler là người trao kim cương cho sĩ quan chỉ huy Auschwitz. Cũng vì thế mà Emge muốn thuật lại chuyện đời mình. “Schindler mang phù hiệu đỏ như máu của Đảng quốc xã, đừng quên điều đó” - ông nói - “Và mang huy chương chỉ dành cho những tên phát xít trung thành nhất”.

Cảnh trong phim “Schindler's list” (Danh sách Schindler)

Nhưng Schindler đã thành người khác...

... sau khi chứng kiến các tội các của chủ nghĩa phát xít. Ông bắt đầu mua lại người Do Thái, nhưng không để sử dụng họ làm nô lệ trong nhà máy của mình nữa, mà để cứu sống họ. Danh sách nổi tiếng của ông từ nay còn có những người già, người bệnh và trẻ em. Trong đó có Michael Emge, 2 tuổi.

Cho đến nay Emge không biết ai đưa tên mình vào danh sách. Ông đoán đó là sĩ quan SS ở biệt khu Bochnia, nơi ông sống với cha mẹ mình từ 1939, sau khi bọ đuổi khỏi quê hương Krakow. Sau đó Emge bị chuyển đến trại tập trung Plaszow với ghi chú “lai Do Thái”.

Khi bị tống lên ô tô, ông nhìn thấy các bà mẹ chạy theo gào thét “con tôi, con tôi!“ Chiếc xe tải lạng một vòng, đè chết mấy bà mẹ liền. Giọng Emge nghẹn lại.

Những vết thương từ ngày ấy không lành. Giọng ông luôn khàn khàn đứt quãng. Ông xắn quần đến đầu gối để chỉ các vết sẹo: một bác sĩ phát xít đã buộc gói vải đầy chấy rận vào chân ông mấy tháng liền để làm thí nghiệm, và chúng gặm thịt cậu bé vào đến tận xương.

“Người nào ăn trộm khoai tây cho đỡ đói thì bị treo cổ lên giá gỗ, chỉ chạm ngón chân xuống đất, tay trói quặt sau lưng và mồm bị nhét củ khoai tây” - Emge nhớ lại - “Cuộc hành hình kéo dài 6, 7 tiếng, và chúng tôi phải đứng nghiêm chứng kiến”.

Emge là người sống sót duy nhất trong số 65 thân quyến. Động lực của ông là hy vọng mỏng manh gặp lại mẹ, cũng là người có tên trong danh sách nhưng ở một trại tập trung khác. Năm 1944, Schindler nộp danh sách ấy để lấy các tù nhân Do Thái về nhà máy của mình, nhưng một phụ nữ khác đã khai man và đội tên bà để sống sót, còn mẹ Emge bị lên tàu đi Auschwitz.

Oskar Schindler

Cho đến khi “Danh sách Schindler” lên màn bạc...

... Emge không hé răng nói về mình một câu. Ngay vợ ông cũng chỉ biết chuyện sau 10 năm thành hôn. Nhưng khi ông lên tiếng, ông nhận được nhiều thư dọa giết, khiến cảnh sát phải khuyên ông dùng tên giả và chuyển sang thành phố khác ở.

Khi chiến tranh kết thúc, ông học nhạc ở Ba Lan, chơi đàn ở dàn nhạc rời chuyển sáng Israel sinh sống năm 1958. Năm 1966 ông sang Đức làm nhân chứng trong vụ xử một sĩ quan chỉ huy trại tập trung. Lời khai của ông đã gỡ tội cho sĩ quan đó.

Sau đó ông ở lại Đức, làm nghề bán hàng ở một hiệu bách hóa. Tình yêu âm nhạc giúp ông chiến thắng bóng ma dĩ vãng, mỗi lần chúng quay lại định chế ngự ông. Ông bật băng nghe Tchaikovsky và Brahms để sống tiếp.

Nhưng trong ác mộng ông luôn nghe xướng số tù của mình: 73693. Giọng ông lạc đi khi kể về mùi khói từ lò thiêu người mà ông hít vào và những trận mưa muội than từ trên trời xuống.

Ông không thể quên ngày được giải phóng. Cảnh ấy được tả lại trong phim, khi Emge bị thương hàn, nhẹ 27 cân ở tuổi 15. Cạnh ông là một bạn tù tình nguyện lấy kìm nhổ chiếc răng vàng của mình, góp phần đúc chiếc nhẫn vàng tặng cho Schindler.

Bản thân Oskar Schindler lang bạt sang Argentina, ăn chơi cho hết đồng cuối cùng, thua bạc đến nỗi mất cả chiếc nhẫn vàng kỷ niệm, rồi quay về Đức. Ông thuê một căn phòng tồi tàn gần ga Frankfurt và nhận được đôi chút trợ giúp từ những người Do Thái coi ông là ân nhân, cho đến khi qua đời 1974 trong nghèo khổ và lãng quên.

Michael Emge qua đời tháng 8-2014 ở tuổi 84. Trên bia đá ông mới được nhận lại tên của mình, như được ghi trên danh sách Schindler: Jerzy Gross.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/the-gioi/nguoi-song-sot-cuoi-cung-tren-danh-sach-schindler-n20161125155049327.htm