'Người rừng' thành tỷ phú nhờ làm giàu từ sâm Ngọc Linh

Rất nhiều người nông dân đã thoát nghèo, thậm chí thành tỷ phú nhờ làm giàu từ sâm Ngọc Linh.

Những lão nông “cất" tiền tỷ giữa rừng

Theo Tri thức trực tuyến, Hồ Văn Hình, một đại gia sâm ở Trà Linh có hơn 20 năm bám trụ, anh trở thành tỷ phú giữa miền rừng thẳm Ngọc Linh.

Chia sẻ với PV Vietnamnet, để chuẩn bị mua ôtô, đầu năm 2015, Hình vào rừng nhổ hơn 5 kg sâm Ngọc Linh bán được 150 triệu. Ông khăn gói xuống Tam Kỳ thuê nhà ở 3 tháng học lấy bằng lái từ tháng 6. Đây là đại gia đầu tiên ở Ngọc Linh có bằng lái ôtô. “Chỉ một giờ sau khi làm đường bê tông từ Trà Nam đến Trà Linh là mình lên núi nhổ 20 kg sâm, bán đi mua ngay chiếc ôtô xịn”, ông khoe.

Không chỉ mỗi đại gia Hồ Văn Hình mơ giấc mơ sẽ có ngày làng mình có điện, có đường ôtô, mà hàng nghìn hộ dân nơi đây đều chung khát vọng đó.

Sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi được thu hoạch làm giàu. Ảnh: Vietnamnet

Lão nông Hồ Văn Du với hơn 30 năm bám trụ cùng sâm cũng có trong tay vườn sâm hàng chục triệu USD. Ông tâm sự, núi Ngọc Linh đã thành quê hương thứ hai và ông quyết ăn ngủ cùng sâm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Cũng theo Vietnamnet, lão nông Hồ Văn Bông nhẩm tính, vườn sâm mà vợ chồng ông âm thầm trồng giữa rừng hơn 15 năm nay, với hơn 10.000 gốc sâm Ngọc Linh nếu thu hoạch cũng được hơn 1,4 tấn. Với giá sâm bình quân 70 triệu đồng/kg cho loại sâm từ 10 năm tuổi trở lên thì đã ông có trong tay trên 100 tỷ đồng.

“Nếu để càng nhiều tuổi thì sâm giá trị càng cao và giá lên đến 100 triệu đồng kg", ông Bông nói.

Hiện mỗi cây giống 1 năm tuổi có giá 150.000 đồng. Chỉ tính riêng vườn sâm của vợ chồng ông Bông, mỗi năm thu hái hạt rồi ươm cây giống, đã thu hơn 300 triệu đồng.

“Đã có nhiều đại gia lên xem vườn sâm và đề nghị sang nhượng với giá 100 tỷ đồng nhưng mình không bán. Để thêm 5 năm nữa, ít ra cũng thu được hơn 200 tỷ đồng", ông Bông cho biết với PV Vietnamnet.

Gia đình ông Bông làm giàu từ sâm và 4 đứa con trong căn nhà mới mua ở trung tâm huyện để cho con đi học. Ảnh: Vietnamnet

Theo lời ông Bông, ở trên này nhà ai cũng có vườn sâm như của để dành cho con cháu. Nhà ít cùng vài nghìn gốc, nhiều đến vài chục nghìn gốc. Cách đây hơn 10 năm, sâm Ngọc Linh rẻ như khoai sắn. Nhưng kể từ khi cây sâm tự nhiên bị săn lùng không còn nữa, sâm của bà con mình trồng và bảo vệ trên rừng có giá nên ai cũng có tiền tỷ trong tay.

Quy trình kỹ thuật trồng cây Sâm Ngọc Linh dưới nhà mái che

(Theo Sở KHCN tỉnh Vĩnh phúc)

Kỹ thuật trồng:

* Chuẩn bị trước khi trồng:

- Đất: Chọn đất có độ cao trên 1000m, khá bằng phẳng, thoát nước tốt, cuốc ải phơi đất. Chuẩn bị vào vụ trồng cuốc đập đất nhỏ, nhặt sạch cỏ dại, phân luống rộng 120cm, luống dài khoảng 4m, vét luống cao 30-35cm, rãnh luống 30cm. Cuốc hố trên mặt luống thành hàng cách nhau 20cm, hàng cách hàng 30cm.

* Làm nhà mái che: Làm nhà bằng lưới. Khung bằng gỗ hoặc tre, mái lợp lưới nilon đen, rào kín xung quanh để bảo vệ.

* Phân bón: Chủ yếu là phân gà hoai mục. Lượng phân bón cho 1ha:

- 15 tấn phân gà dùng để bón lót.

- 30kg đạm + 20kg lân + 20kg kali chia đều từ năm thứ nhất đến năm thứ 4.

* Giống: Số lượng cây giống cho 1 ha sản xuất, trông với mật độ 20x30cm là 165.000 cây. Cây giống đạt các tiêu chuẩn giống cơ sở.

* Thời vụ trồng: Thời vụ chính là tháng 8 hàng năm.

* Trồng cây: Trồng cây trên nền phân gà đã đổ trong hố, sâu 5-7cm, ấn chặt gốc, vun một lớp đất mỏng kín hố, không để hố úng đọng nước gây thối củ.

Cây giống đánh lên khỏi vườn ươm không được làm đứt củ giống, phân loại to nhỏ theo kích thước củ giống để đưa vào trồng đồng đều theo từng loại. Khoảng cách trồng là 20x30cm.

* Chăm sóc: Cần giữ ẩm cho cây nhưng không để quá ẩm kéo dài gây thối củ. Làm rãnh thoát nước ngoài ruộng trồng, không để nước mưa tràn qua ruộng sâm, sau mưa phải tháo nước triệt để.

- Nhổ cỏ bằng tay và vét rãnh luống, tháng 3 cho sâm nhú mầm, tháng 4-5 đảm bảo tưới giữ ẩm, tránh nắng hạn.

- Trước tháng 6 làm vệ sinh vườn, vét rãnh luống, khơi thông hệ thống thoát nước, kiểm tra củng cố nhà mái che.

- Cuối mùa mưa bón phân quanh gốc, vét rãnh luống, nhặt cỏ dại cho sâm ngủ đông.

* Phòng trừ sâu bệnh:

- Cần thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn đất, cày phơi ải, làm đất kỹ nhặt sạch cỏ dại và nhà mái che đúng chế độ chiếu sáng.

- Chọn cây giống và phân loại cây giống chặt chẽ. Mùa mưa phải thoát nước kịp thời và triệt để. Thường xuyên thăm nom đồng ruộng, phát hiện cây sâu bệnh phải nhổ, đốt ngay, đổ vôi bột hay nước sôi vào gốc để diệt mầm bệnh. Đảm bảo nhà mái che trong mùa mưa.

- Phòng trừ tổng hợp: Chọn cây giống đúng tiêu chuẩn, tiêu độc cho cây trước khi trồng. Chọn và làm đất đúng quy trình, hệ thống thoát nước nhanh và kịp thời. Vệ sinh đồng ruộng chặt chẽ, không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào cây sâm.

Thu hoạch, chế biến và bảo quản:

Sâm trồng từ nguồn cây giống có thời gian trên vườn ươm từ 24-36 tháng vì vậy chỉ sau 4 năm trồng đã cho thu hoạch củ. Thời gian thu hoạch khoảng tháng 11, 12 khi sâm bước vào giai đoạn ngủ đông sẽ cho chất lượng dược liệu cao nhất.

Hoàng Linh (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nguoi-rung-thanh-ty-phu-nho-lam-giau-tu-sam-ngoc-linh-d107167.html