Người Quảng ở làng gốm Bát Tràng

Nhân dịp ra Hà Nội dự họp mặt đồng hương Quảng Nam, chúng tôi được bà con đồng hương đón về thăm làng nghề cổ Gốm Bát Tràng. Cách trung tâm Hà Nội chừng 12km về phía tả ngạn sông Hồng, chạy dọc theo bờ đê hướng về Hưng Yên, qua cánh đồng ổi Đông Dư nổi tiếng ngon ngọt, những căn nhà san sát với mái ngói xưa, những con hẻm nhỏ nối nhau trong không gian hẹp..., một làng quê thanh bình hiện ra như một bức tranh tuyệt đẹp, đó là làng gốm Bát Tràng, một làng gốm lâu đời và nổi tiếng trong lịch sử nước ta, thuộc H. Gia Lâm, Hà Nội. Anh Phạm Như Ngọc người con của quê hương Quảng Nam lớn lên từ làng quê này ở những thập niên 60, với một duyên cơ hết sức cảm động theo dòng chảy của thời cuộc. Theo lời kể của anh Ngọc, năm 1954, trước ngày đi tập kết, bố anh, ông Phạm Như Bình được gia đình chuẩn bị lễ cưới với một cô gái cùng quê Quảng Lợi, Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam. Đêm trước ngày cưới, ông bị địch bố ráp vây bắt và trói bỏ xuống sông nhưng may mắn được đồng đội cứu thoát. Sau đó ông lên đường ra Bắc, học tập, công tác cho đến năm 1966, hoàn cảnh chiến tranh quê hương xa cách, ông nên duyên với cô gái người Bát Tràng (là mẹ của anh Ngọc sau này). Bố anh công tác qua nhiều địa phương với nhiều cương vị khác nhau như: Bí thư Đảng ủy nhà máy sợi Chiến Thắng, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc... sau đó ông nghỉ hưu và cùng bà con làng Bát Tràng lập nên hợp tác xã (HTX) sản xuất gốm Bát Tràng Hợp Lực. Đây là HTX đầu tiên ở làng gốm, mang dấu ấn của người con xứ Quảng. Ông Bình đã đưa HTX gốm Hiệp Lực ngày càng lớn mạnh với thương hiệu Bát Tràng có tiếng vang xa. Bước vào thời kỳ đổi mới, HTX Hợp Lực chuyển đổi mô hình quản lý nhưng vẫn là chiếc cầu nối cho các công ty sản xuất gốm ra đời và đưa gốm Bát Tràng đến với nhiều thị trường trên thế giới và được nhiều người ưa chuộng thích thú với các sản phẩm gốm Bát Tràng như ngày nay...

Anh Ngọc giới thiệu về gạch Bát Tràng.

Anh Ngọc giới thiệu về gạch Bát Tràng.

Đi vào những con đường nhỏ hẹp, không gian xưa cũ, Bát Tràng không giống như ở các làng quê Bắc Bộ khác. Ở đây mỗi một ngôi nhà là một xưởng sản xuất, từ người già cho đến trẻ nhỏ, mọi người đều bận bịu với công việc của mình. Một không khí làm việc thoáng nhìn dường như không mấy nặng nhọc nhưng ẩn chứa biết bao sự tinh xảo và tài hoa của người thợ gốm. Để làm ra các sản phẩm gốm, người thợ gốm phải qua các khâu chọn đất, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm để cho ra thành phẩm. Cơ ngơi bề thế, không chỉ chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gốm, anh Phạm Như Ngọc còn đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như: bất động sản, đầu tư sân golf, các dịch vụ về du lịch... Bận rộn với nhiều công việc nhưng anh vẫn dành thời gian chăm sóc vườn cây kiểng, với hàng trăm sản phẩm có kiểu dáng độc đáo. Để có những chậu kiểng đẹp, hằng năm anh thuê thợ từ Nhật Bản sang chăm sóc, tỉa lá, uốn cành, kiểng không chỉ là niềm vui, niềm đam mê, mà còn nhắc nhở nhiều về tâm linh, cội nguồn. Vì vậy, anh dành rất nhiều loại kiểng đẹp và quý hiếm để chuyển về tặng cho quê hương. Mới đây anh tặng rất nhiều loại cây kiểng quý giá cho Chùa Linh Ứng, TP Đà Nẵng trị giá nhiều tỷ đồng. Hằng năm anh Ngọc vẫn đều đặn về quê cha đất tổ (Đại Cường, Đại Lộc) thăm viếng tổ tiên cội nguồn. Anh bộc bạch chân thành: “Tôi không sinh ra ở quê hương nhưng vẫn mang dòng máu ruột rà người con đất Quảng, lòng tôi luôn hướng về quê hương với tình nghĩa sâu nặng. Vì vậy, khi xây dựng nhà ở, tôi đã vào tận Quảng Nam mời những người thợ và chuyển hơn 10 chuyến xe cát từ quê hương ra đây kết hợp với gạch Bát Tràng để xây nhà, như nhắc nhở cho con cháu về tình cảm sâu nặng của con người và quê hương. Bố tôi người Quảng Nam, mẹ tôi người Bát Tràng để có tôi mới có cơ nghiệp ở làng cổ này như hôm nay”.

Những thợ trẻ ở Làng gốm Bát Tràng.

May mắn cho chúng tôi trong chuyến về thăm làng cổ lần này, lại đúng ngày lễ hội Đền Mẫu Bát Tràng. Đền xây dựng hàng trăm năm là nơi thờ tự tâm linh của người làng Bát Tràng với kiến trúc truyền thống được xây dựng bằng gạch bát tràng bên bờ sông Hồng ngay bến thương thuyền Ba Đậu nổi tiếng một thời, vẫn còn lưu giữ sắc phong của vua Khải Định thời xa xưa. Hằng năm vào dịp này, chính quyền địa phương và người dân Bát Tràng tổ chức ngày hội trong không khí ấm cúng trang trọng để tưởng nhớ tiền nhân.

Mai Phúc

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_156803_nguo-i-qua-ng-o-la-ng-go-m-ba-t-tra-ng.aspx