Người phụ nữ khốn khó và nỗi đau hậu chiến

Trong lá thư gửi tới Báo CAND, ông Nguyễn Văn Nhung, một cựu giáo chức ở xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội bày tỏ trăn trở về một người vợ liệt sỹ già yếu không được hưởng chế độ ưu đãi người có công.

Từ lá thư, phóng viên Báo CAND đã tìm hiểu và thấy rằng, dù chiến tranh đã qua mấy chục năm trời nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn dai dẳng, nỗi đau vẫn hiển hiện trong ý thức của nhiều người.

Ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Tưởng nằm nép mình ở rìa thôn 6, xã Kim Lan. Trong không gian chừng hai chục mét vuông, bàn thờ và tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sỹ Nguyễn Văn Mỹ được treo trang trọng.

Ở tuổi 75, bà Tưởng mang trong mình đủ loại bệnh, trải qua nhiều lần phẫu thuật. Nói chuyện với khách qua máy trợ thính, bà kể về những bước thăng trầm của cuộc đời mình nhưng không than vãn, đòi hỏi mà chỉ là tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Cỏn, chị gái liệt sỹ Mỹ xót xa về hoàn cảnh của bà Tưởng.

Ngồi đối diện bà Tưởng, ông Nhung – nguyên là quyền Hiệu trưởng một trường cấp 3 ở địa phương chia sẻ với phóng viên những trăn trở tâm huyết trước số phận của người phụ nữ một thời là cấp dưới của ông.

Năm 1958 bà Tưởng xây dựng gia đình với ông Mỹ, ở cùng gia đình chồng, năm 1961 sinh được cô con gái là Nguyễn Thị Mơ. Năm 1966, ông Mỹ nhập ngũ tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 15, Quân khu 4.

Bà Tưởng ở nhà nuôi con rồi xin đi làm nhân viên lao công ở một số trường học tại Hà Nội. Năm 1971, gia đình đau đớn nhận tin báo tử của ông Mỹ, năm 1972 gia đình nhận bằng Tổ quốc ghi công.

Ông Mỹ hi sinh, bà gửi con cho gia đình chồng chăm sóc, có lúc lại đưa con theo để bươn chải kiếm sống. 9 năm sau ngày ông Mỹ mất, bà đi bước nữa với một anh bộ đội xuất ngũ.

Hy vọng sẽ có chỗ nương tựa nhưng cuối cùng thì bà phải chia tay người chồng sau và được xã cấp cho mảnh đất nhỏ rìa làng. Cũng trong thời gian này, con gái lớn của bà lấy chồng, mọi việc đành phó thác cho gia đình nhà chồng (gia đình ông Mỹ) lo giúp.

Ông Nhung cho biết, bà Tưởng là người hiền lành nhưng vụng về trong giao tiếp, ứng xử lại tự ti. Bà Tưởng không tham vọng được hưởng quyền lợi từ nhà chồng, nhưng vì bệnh tật tuổi già, lại sống bằng mức lương ít ỏi nên bà mong muốn được hưởng chế độ vợ liệt sỹ theo quy định của Nhà nước.

Chính quyền địa phương hết lòng ủng hộ bà. Thế nhưng, còn một điều kiện để hoàn thiện hồ sơ là chữ ký của anh em trong gia đình liệt sỹ thì vẫn chưa có được.

Ông Nguyễn Văn Nhung cho rằng: “Đòi hỏi điều kiện này trong nhiều trường hợp là rất khó, bởi mối quan hệ giữa gia đình nhà chồng với nàng dâu không phải lúc nào cũng suôn sẻ”.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Kim Lan cũng trăn trở với trường hợp của bà Tưởng. Bà Huệ cho biết, xã đã tổ chức hòa giải, vận động những người có liên quan để làm xác nhận cho bà Tưởng được hưởng chế độ nhưng chưa thành công.

Bà cũng mong muốn Nhà nước có chính sách mở hơn để giúp đỡ vợ liệt sỹ được hưởng trợ cấp, giảm bớt khó khăn khi tuổi già, cũng là bù đắp phần nào nỗi đau do chiến tranh để lại.

Một số người thân trong gia đình ông Mỹ không đồng ý ký xác nhận cho bà Tưởng được hưởng chính sách vì cho rằng bà không nuôi con đến trưởng thành, không chăm sóc mẹ liệt sỹ.

Nhưng lại có người khẳng định rằng cuộc sống vất vả, bà đã đưa con đi theo kiếm sống, rồi nhà chồng đón con gái về nuôi, nên bà Tưởng đáng được hưởng chế độ vợ liệt sỹ. Đó cũng là tâm tư của bà Nguyễn Thị Cỏn, chị gái liệt sỹ Mỹ.

Bà Cỏn xúc động nói trong nước mắt: “Tôi lại nghĩ đến em tôi và thương “nó” (bà Tưởng - pv). Em tôi có mất thì “nó” mới phải đi lấy người khác. Con gái “nó” (cô Mơ) cũng thiệt thòi. Nó không được hưởng chế độ, tôi ân hận lắm…”.

Cuộc đời của bà Tưởng là điển hình cho sự mất mát, thiệt thòi của người phụ nữ có chồng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong 9 năm sau ngày nhận tin báo tử của chồng, người phụ nữ ấy đã trải qua bao đau đớn.

Cuối cùng thì bà cũng đã mạnh dạn bước tiếp những mong sẽ tìm được hạnh phúc mới, nhưng không ngờ, hạnh phúc một lần nữa đã tuột khỏi tay. Và cho đến bây giờ, khi đã ở tuổi xế chiều, lay lắt như ngọn đèn sắp tắt với đủ thứ bệnh tật, bà Tưởng vẫn sống vất vả một mình với mức lương hạn hẹp không đủ chi tiêu.

Chúng tôi ước sao lòng người rộng mở hơn để người phụ nữ già cả, thiệt thòi kia được hưởng chế độ ưu đãi theo tinh thần nhân văn của chính sách với người có công, làm sao để giảm bớt nỗi đau hậu chiến còn dai dẳng.

Việt Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-tri-van-hoa/nguoi-phu-nu-khon-kho-va-noi-dau-hau-chien-419153/