Người phụ nữ cụt tay 39 năm chằm nón bài thơ Huế

Chị Trần Thị Thúy đã có 39 năm gắn bó với công việc làm nón bài thơ Huế để bán cho du khách nước ngoài.

Gia đình chị Trần Thị Thúy (phường Phước Vĩnh, TP Huế) làm nón từ đời ông bà. Đến 10 tuổi chị cũng tập tành nứt vành, ủi lá…

Gia đình chị Trần Thị Thúy (phường Phước Vĩnh, TP Huế) làm nón từ đời ông bà. Đến 10 tuổi chị cũng tập tành nứt vành, ủi lá…

“Để học nghề, tôi phải lấy nón cũ rồi tháo ra toàn bộ, sau đó mới lắp lá. Mà khổ là nón cũ thì mục, đôi khi tháo xong nón thì rách hết cả. Thế mà giờ cũng gắn bó với nghề làm nón được 39 năm”, chị Thúy chia sẻ.

Người bình thường làm nón đã là một sự tỉ mẩn, đối với chị Thúy sự nhẫn nại ấy nhân lên gấp bội. Cánh tay cụt tới khủy do dị tật bẩm sinh, người phụ nữ làng nón Phủ Cam trứ danh vẫn cần mẫn từng đường kim mũi chỉ khâu nón. Chị kể, những sản phẩm đầu tiên chị phải mất đến 5 tiếng hoặc nửa buổi mới làm xong. Giờ thì chỉ cần 2 – 3 tiếng là chị đã hoàn thành một chiếc nón. “Tay này phụ tay kia rồi cũng xong hết cả”, chị cho hay.

Cũng theo người phụ nữ này, mỗi tay người sẽ làm ra những chiếc nón lá khác nhau dù vẫn là các công đoạn ủi lá, nứt vành, xây khung nón hay đắp lá rồi chằm đều chỉ. Vì vậy mà sẽ có những chiếc nón vành đẹp, có những chiếc lá mướt, cũng có những nón mũi chỉ rất đều.... chứ không phải tất cả những chiếc nón bài thơ Huế đều giống nhau.

Nón chị Thúy làm ra được yêu thích bởi cách chị chăm chút cho từng mũi chỉ, từng tấm lá. “Đẹp của nón bài thơ là cách chắp lá cho đều, cho mỏng, để khi soi dưới nắng, nón hiện lên từng chữ, từng hình ảnh cầu Tràng Tiền, Chùa Thiên Mụ..." - chị Thúy nói.

“Nón bài thơ cũng đẹp như hồn Thúy” – một hướng dẫn viên của đoàn du khách chia sẻ khi đến thăm nhà, cũng là địa điểm làm nón của chị.

Làm nón bài thơ khó hơn hẳn so với nón thường. Với nón thường, việc lựa chọn lá không cần quá khắt khe. Riêng nón bài thơ, để đều, đẹp, nhìn rõ hình ảnh thì từng chiếc lá phải đều màu, mỏng và óng mướt. Những yêu cầu khắt khe này càng khó gấp đôi với người nghệ nhân làm nón với cánh tay tật nguyền.

Một chiếc nón chị Thúy vừa hoàn thiện trong lúc chia sẻ về đời mình, đời nón.

Lớp lót giữa là giấy trổ hình, trổ chữ, ẩn mình dưới sự trong mướt của lá cọ đã được sấy thơm mùi. Lá càng đều màu, bài thơ được ẩn trong nón lại càng rõ, càng dễ đọc.

Lá của nón bài thơ cần phải cắt thành hình tam giác, trở đầu rồi lắp đều lên vành đã được buộc từng nút chắc chắn.

Kỳ công, cực khổ là vậy nhưng mỗi chiếc nón chị bán chỉ với giá 60.000 đồng. Khách mua nón chủ yếu là du người nước ngoài. “Vốn ít lắm, chỉ 15.000 đồng/chiếc thôi. Nhưng để làm nón ưng ý thì phải dậy sớm ủi lá, nứt vành. Công sức không kể hết”, chị Thúy chia sẻ.

Bó lá thô sơ, nhăn nhúm này qua bàn tay của chị làm nên những chiếc nón đẹp đẽ, có giá trị cao về văn hóa.

“Chắc nhờ mình thương cái nghề nên nghề trả ơn. Nón nuôi tôi từ lúc còn bé, đến khi lớn khôn thì nón giúp tôi có nhà cửa, có tiền nuôi mẹ. Đôi lúc còn không nghĩ mình có một ngôi nhà khang trang như bây giờ. Nhờ chằm nón cả đấy”, chị Thúy chia sẻ.

Theo Zing News

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/anh-nguoi-phu-nu-cut-tay-39-nam-cham-non-bai-tho-hue-755055.html