Người phụ nữ biến rác thành tiền

Đó là chị Trịnh Thị Hồng (50 tuổi, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)- chủ cơ sở Minh Hồng chuyên sản xuất nước rửa chén và nước lau nhà sinh học có nguồn gốc từ rác thải thực vật.

Chị Trịnh Thị Hồng chủ cơ sở nước tảy rửa hữu cơ Minh Hồng và các sản phẩm thân thiên với môi trường

Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, tận dụng những nguyên liệu tưởng chừng như là đồ bỏ, chị Hồng không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ trong vùng, đặc biệt giúp cho môi trường sống sạch sẽ và thân thiện hơn.

Làm giàu bằng mô hình thân thiện

Ít ai biết rằng “nữ giám đốc” năng động, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười lại có một tuổi thơ vô cùng nghèo khó, bất hạnh. Cha mẹ mất sớm để lại đàn con 5 đứa mồ côi nheo nhóc, cứ thế 5 chị em chị Hồng gồng gánh nuôi nhau. Xóm lao động nơi gia đình chị sinh sống mang tiếng là thành phố nhưng hồi đó còn nghèo lắm, có điều xóm nghèo nhưng ai cũng nhân hậu, nghĩa tình.

Cứ thế, 5 chị em mồ côi lớn lên nhờ tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia của bà con lối xóm. Chính điều đó là động lực để chị nuôi dưỡng ước mơ sau này sẽ làm được việc có ích để giúp đỡ cộng đồng, nhất là trẻ em nghèo, những gia đình nghèo như cách để tri ân cuộc đời.

Do hoàn cảnh gia đình nghèo nên chị Hồng phải nghỉ học sớm, đi làm kiếm tiền nuôi em. Tuy vậy, ước mơ được học hành, có trình độ văn hóa, hiểu biết khoa học để làm chủ công nghệ, giúp ích cuộc sống luôn cháy bỏng trong tim chị. Ban ngày chị đi làm công nhân ở xưởng may, tối chị tiếp tục đi học bổ trợ văn hóa. Chị cũng tích cực tham gia tốt các hoạt động của Hội Phụ nữ tổ, phường. Chịu thương chịu khó, năng nổ với các hoạt động phong trào lại có tấm lòng nhân hậu nên chị được mọi người yêu quý, luôn là người đi đầu trong các hoạt động từ thiện vì cộng đồng.

Cơ duyên khởi nghiệp đến với chị vào năm 2012, khi được cử sang Philippines dự hội thảo phát triển cộng đồng nghèo châu Á. Tại đây, chị đã được nghe thuyết trình về những việc làm cải tiến giúp ích cho cộng đồng. Chị ấn tượng nhất với phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

Với những kiến thức học hỏi được, về nước chị Hồng bắt tay vào thực hiện việc ngâm ủ rác thải để làm ra chế phẩm tẩy rửa, góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng lần đầu chị thất bại, lần thứ 2, thứ 3 vẫn không thành công. Không nản lòng, chị Hồng vẫn kiên trì thử nghiệm, tiếp tục rút kinh nghiệm và ngâm ủ rác tiếp. “Hồi đó, ai cũng nói tôi bị khùng vì suốt ngày đi lượm rác về mày mò mà không biết là làm gì”, chị Hồng vui vẻ chia sẻ.

Bằng sự kiên trì, học hỏi, cuối cùng thành công đã mỉm cười với chị Hồng, công thức mang tên “EM” ra đời. Đó là một chế phẩm từ rác hữu cơ được chiết xuất dùng để rửa chén và lau nhà kết hợp chà rửa các đồ dùng trong gia đình. Chế phẩm này không mùi, không độc hại, rất thích hợp và tiện dụng cho mỗi hộ gia đình. Nhất là gia đình có trẻ nhỏ, những hộ nuôi chó, mèo vì nó có tính khử mùi hôi các loại khá tốt.

Công thức làm chế phẩm “EM” được chị chia sẻ rộng rãi cho chị em phụ nữ thành viên nhóm “Sống Xanh” và cả những chị em có thiện chí học hỏi, rất đơn giản như sau: Hòa tan đường và cho rau vào thùng đậy kín nắp, để vào chỗ kín khoảng 2-3 tuần, sau đó lấy ra kiểm tra nếu có mùi lên men của rượu là sản phẩm tốt, dùng đũa đảo đều và đậy nắp lại cất đi, sau 3-4 tuần có thể chắt nước ra và sử dụng như một sản phẩm để rửa chén, vệ sinh bếp, sàn nhà. Phần còn lại có thể tái chế như quy trình cũ như cho thêm đường, rau và nước vào làm tiếp, hoặc làm phân hữu cơ bón cây.

Với việc tận dụng rác thải, các chị em vừa bảo vệ được môi trường lại vừa có thêm sản phẩm nước rửa chén, lau sàn nhà và đồ dùng trong gia đình không phải tốn tiền mua sản phẩm lại vừa có thêm phân bón hữu cơ cho cây. Được “một công đôi việc” khá tiện lợi và mang tính thiết thực.

Thành công của chị Hồng được phổ biến rộng rãi đến với chị em phụ nữ trên địa bàn quận, thành phố và được nhiều đoàn công tác của các tỉnh, thành đến học tập. Tuy nhiên, để sản phẩm chiết xuất được đẹp hơn, trong hơn, lên màu và có mùi thơm thì duy nhất chỉ có chị mới làm được bằng công thức thủ công mà chị đã dày công mày mò nghiên cứu, còn sản phẩm thô từ công thức của chế phẩm “EM” vẫn còn có nhiều hạn chế nhất định như chưa tạo được màu, mùi và còn cặn bã, nhìn chưa bắt mắt. Hiện tại sản phẩm chị làm ra được chị em đặt hàng trước và không đủ hàng để tiêu thụ. Sản phẩm được đánh giá là rẻ (10.000đ/lít) lại có nhiều tính ưu như khử mùi rất tốt, tính tẩy rửa cao lại không có hóa chất hư hại da tay.

Sau đó, nhằm chia sẻ rộng rãi sản phẩm tiện ích, vừa tiến đến một “sân chơi” chuyên nghiệp hơn, chị Hồng đã quyết định làm thủ tục thành lập cơ sở sản xuất nước rửa chén, lau sàn hữu cơ “Minh Hồng”. Hiện cơ sở của chị có 126 chị em phụ nữ ở khu vực Hòa Minh và các vùng lân cận thường xuyên cộng tác, với thu nhập hàng tháng trung bình 3-5 triệu đồng.

Khởi nghiệp để tri ân cuộc đời

Tháng 1/2016, chị Hồng quyết định tham gia vào quá trình ươm tạo khởi nghiệp của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng với mong muốn được đào tạo bài bản hơn, áp dụng công nghệ cao hơn vào quy trình sản xuất của mình. Sau 6 tháng ươm tạo, chị đã thành lập được doanh nghiệp riêng mang tên Minh Hồng cùng với những kế hoạch kinh doanh được đặt ra một cách cụ thể hơn.

Cũng trong tháng 9/2016 vừa qua, chị đã ký hợp đồng với siêu thị Intimex để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Chị Huỳnh Thị Lệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Minh, đồng thời là cộng tác viên của chị Hồng chia sẻ: “Là người siêng năng, ham học hỏi, dù thất bại sau nhiều lần thử nghiệm nhưng chị ấy đã làm được. Bây giờ cả gia đình tôi đều dành giời gian rảnh rỗi để làm thêm và trung bình mỗi tháng tôi nhận được 4-5 triệu đồng”.

Bên cạnh tham gia sản xuất, hàng tuần chị Hồng còn truyền nghề cho chị em phụ nữ trong phường và các vùng lân cận để nhân rộng mô hình này, giúp gia đình có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo. Chị Hồng hiện là Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh nổi tiếng “mát tay” với các phong trào hỗ trợ người nghèo.

Nói về mô hình của mình, chị Hồng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến với chị để hợp tác phát triển sản phẩm hoặc mua lại quy trình sản xuất với giá rất cao nhưng chị đều từ chối với lý do không bảo đảm được hai yếu tố là giữ sạch môi trường và sinh kế cho người nghèo.

“Tôi không kinh doanh để thu lợi cho bản thân mà tôi muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích, giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có việc làm. Đây là tâm nguyện, là sự tri ân của tôi với cộng đồng, nơi đã từng cưu mang, giúp đỡ tôi trong những ngày gian khó”, chị Hồng cho biết. Những việc làm của chị Hồng đã mở ra một hướng đi mới tích cực cho chị em về giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho chị em lại vừa bảo vệ được môi trường xanh – sạch – đẹp”.

Sông Trà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/nguoi-phu-nu-bien-rac-thanh-tien-301166.html