Người Pháp đón chờ tân tổng thống

Ứng viên ôn hòa Emmanuel Macron vốn ủng hộ Liên minh Châu Âu (EU) đã cam kết nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc ở Pháp sau khi đánh bại lãnh đạo cánh hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử mang tầm ý nghĩa chiến lược quan trọng hôm 7-5.

Cuộc chiến chính trị gay cấn ở Pháp đã đi đến hồi kết bằng chiến thắng vang dội và đầy thuyết phục của “thần đồng chính trị” 39 tuổi, ứng viên Emmanuel Macron thuộc đảng Tiến lên.

Theo kết quả Bộ Nội vụ Pháp công bố, ông Macron giành 66,06% số phiếu ủng hộ so với 33,94% của đối thủ Le Pen, chính thức ghi tên mình vào lịch sử nước Pháp.

Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron và vợ Brigitte Trogneux mừng chiến thắng.
Ảnh: Reuters

Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp

Ở tuổi 39, “cựu tướng” Macron chính là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.

Những người ủng hộ ông Macron đã có một đêm không ngủ. Hàng ngàn người tụ tập quanh Bảo tàng Louvre ở trung tâm Paris mừng chiến thắng. Trong bài phát biểu trước đám đông, tổng thống đắc cử nhấn mạnh: “Đêm nay các bạn đã thắng, Nước Pháp đã thắng”. Ông lặp đi lặp lại nhiều lần tuyên bố, thách thức mà ông đối mặt là rất lớn nhưng khẳng định: “Chúng ta có sức mạnh, năng lượng và ý chí - và chúng ta không phải sợ hãi”. Ông Macron đề cập ít ỏi về đối thủ Le Pen, nói rằng, ông sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo trong tương lai sẽ không có lý do để cử tri bỏ phiếu cho chủ nghĩa cựu hữu.

Trong tuyên bố chấp nhận thất bại, bà Le Pen cảm ơn khoảng 11 triệu người đã bỏ phiếu cho mình đồng thời kêu gọi thành lập một lực lượng chính trị mới. Vị nữ chính trị này cũng nhấn mạnh, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của bà cần phải tự đổi mới và cam kết sẽ “chuyển đổi sâu sắc phong trào của chúng tôi”, để có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

Những người ủng hộ xuống đường mừng chiến thắng lớn của ông Emmanuel Macron.
Ảnh: Reuters

Những thách thức khổng lồ

Dù hân hoan với chiến thắng, ông Macron chắc hẳn không thể quên đi đòn gánh trách nhiệm khổng lồ ở phía trước, nhất là nỗ lực đoàn kết một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc và nền kinh tế trì trệ. “Tôi sẽ chiến đấu với tất cả sức mạnh nhằm chống lại sự chia rẽ đang phá hoại chúng ta”, ông Macron nói trong một tuyên bố tại trụ sở chiến dịch tranh cử.

Nước Pháp thật sự đang bị chia rẽ gay gắt. Điều đó được thể hiện trong cuộc bầu cử vòng 1 hôm 23-4 khi có đến gần 50% số cử tri bỏ phiếu ủng hộ các phe phái chính trị cực đoan - chống Châu Âu, chống toàn cầu hóa và giới tinh hoa. Việc phân tích kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy một nước Pháp bị chia rẽ khi các vùng đô thị giàu có có tư tưởng cải cách hơn trong khi các vùng nghèo khó lại ủng hộ phe cực hữu.

Ngoài nhiệm vụ phải tập hợp đất nước bị chia rẽ sâu sắc, ông Macron phải nỗ lực lãnh đạo đảng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội cũng như phải xử lý những bài toán đau đau như thất nghiệp, khủng bố cho đến xây dựng lại Châu Âu. Trước mắt, ông Macron phải tận dụng thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống để có được đa số tại Quốc hội. Nhưng phe cánh hữu bảo thủ, với gần 20% số phiếu ủng hộ ở vòng một cuộc bầu cử tổng thống, rất muốn phục hồi, trỗi dậy sau thất bại của ứng viên Francois Fillon để buộc ông Macron phải chấp nhận tình trạng “chung cư”, tức là tổng thống và phe đa số tại Quốc hội không cùng chính đảng.

Và còn đó là mối lo an ninh. Từ tháng 1-2015 đến nay, nước Pháp hứng chịu hàng loạt vụ khủng bố khiến 239 người thiệt mạng. Vạch ra chiến lược chống khủng bố ở trong và ngoài nước là một trong những thách thức quá lớn đối với ông Macron.

Khả Anh

Báo chí ca ngợi chiến thắng của ông Macron

Chiến thắng lịch sử của ông Macron tạo nên “cơn địa chấn” trên toàn thế giới. Giới truyền thông đưa tin dồn dập. Họ ca ngợi thành công của ông Macron nhưng cũng thận trọng về nhiệm vụ mà tổng thống đắc cử phải đối mặt trên cương vị mới.

PHÁP

Trên trang nhất, tờ Liberation chỉ đơn giản tuyên bố “Cuộc chơi hoàn hảo”, cùng với chân dung của ông Macron và trích lời ông nói: “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để xứng đáng với sự tin tưởng của các bạn”. Trang mạng của tờ Le Monde đăng hình ảnh sáng chói của tổng thống đắc cử Macron trên trang nhất trong khi đối thủ bị đánh bại Le Pen ở trong bóng tối.

ANH

Báo Financial Times hết lời chúc mừng ông Macron nhưng cảnh báo, chiến thắng này “chưa hoàn thành”. “Nếu ông Macron vấp ngã, có nhiều giải pháp có thể giúp bà Le Pen hồi sinh vào năm 2022”, tờ báo viết. Tờ Guardian cũng cảnh báo về những khó khăn phía trước nhưng cũng chúc mừng cử tri Pháp, nói rằng, họ đã giúp Châu Âu an toàn hơn. “Các cử tri Pháp ngăn cản được thảm họa Tổng thống Marine Le Pen”, tờ báo viết.

ĐỨC

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức cho rằng, “Châu Âu đã tránh được cơn ác mộng”. Chiến thắng thuyết phục của ông Macron là một sự trấn an, nhưng cảnh báo Châu Âu không được có bất kỳ ảo tưởng nào. Trong khi đó, tờ báo Tageszeitung viết rằng, “chiến thắng rõ ràng của ông Macron là phao cứu sinh khổng lồ cho Pháp”.

MỸ

Trong bài xã luận gây chú ý, tờ New York Times cho rằng, đây là “chiến thắng của hy vọng và sự lạc quan về tương lai Châu Âu chứ không phải là sự cô lập tàn nhẫn”. Nhưng New York Times cùng không quên nhắc đến những thách thức mà ông Macron phải đối mặt: “Ông ấy kế thừa một quốc gia bị chia cắt sâu sắc, giống như Mỹ, Anh và các nền dân chủ lớn khác”.

TRUNG QUỐC

Tờ Global Times có bài viết ca ngợi ông Macron, đánh giá đó là “chiến thắng chống lại xu hướng dân túy” sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vốn đưa ông Donald Trump lên nắm quyền. Nội dung bài báo có đoạn viết: “Nhiều năm sau, khi nhìn lại cuộc bầu cử này, chúng ta có thể thấy rằng người Pháp đã lựa chọn khôn ngoan cho nền văn minh con người để giúp họ tiến lên trong một thời điểm quyết định”.

NGA

Tờ Vedomosti cho rằng, người Pháp đã chọn “ứng viên đại diện cho các nguyên tắc của Đệ ngũ Cộng hòa: một tầng lớp đủ điều kiện hội nhập Châu Âu”. Tờ điện tử Gazeta.ru đánh tiếng với cử tri Pháp, nói rằng tổng thống sắp tới sẽ “phải đáp ứng yêu cầu thay đổi”.

T.Linh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_165793_nguo-i-pha-p-do-n-cho-tan-to-ng-tho-ng.aspx