Người Ơ Đu trước nguy cơ mai một

Đồng bào dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An hiện sống tập trung ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Dù Chính phủ đã ban hành một Nghị định ưu tiên cho đồng bào trong việc thực hiện chính sách cử tuyển, tuyển dụng nhưng trên thực tế con số được thực hiện rất ít. Không những vậy, qua khảo sát của Ban Dân tộc của UBTƯ MTTQ Việt Nam, dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An đang có nguy cơ mai một.

Do không phù hợp với nhà mới, người Ơ Đu dựng bên cạnh một căn nhà khác.

5 năm, chỉ 3 cử tuyển có việc

Chính phủ ban hành Nghị định 134/NĐ-CP về việc thực hiện chính sách cử tuyển, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, cùng với đó là chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của 5 dân tộc có số lượng người dưới 1000 người.

Mặc dù, Nghị định 134 của Chính phủ có hiệu lực từ 2006, nhưng phải đến giai đoạn 2010-2015 tại huyện Tương Dương mới có nhiều con em là dân tộc thiểu số được cử đi học cử tuyển với số lượng 5 năm là 46 người. Trong đó, có 3 người Kinh (chiếm 6,5%) còn lại là dân tộc thiểu số chiếm 93,47%. Phân theo trình độ cử đi đào tạo gồm Cao đẳng 2 người, Đại học 44 người trải đều các ngành như Văn hóa-xã hội, Khoa học- kỹ thuật…

Nhìn vào quy trình tổ chức thực hiện, huyện Tương Dương tổ chức rất bài bản, thực hiện theo đúng quy định. Cụ thể, Hội đồng cử tuyển của huyện đã ban hành hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, số lượng…đến tất cả thôn bản. Đó là đầu vào còn khi ra trường những sinh viên theo học dưới dạng cử tuyển được bố trí việc làm là rất khiêm tốn, thậm chí là rất ít. Con số mà huyện Tương Dương đưa ra đã nói lên điều đó, 5 năm có 3 người đi học theo dạng cử tuyển được bố trí việc làm.

Đơn cử như tại bản Văng Môn, nơi có đông người dân tộc Ơ-Đu sinh sống, có nhiều em được cử đi học theo dạng cử tuyển đến nay vẫn chưa có việc làm như em Lô Duy Nhất (học Trung cấp Y), em Lương Văn Tứ (giáo viên), Lương Thị Thu Lan (ngành Y).

“Em học xong hơn hai năm rồi, cũng đi theo cử tuyển, nhưng giờ vẫn chưa có việc làm, gửi hồ sơ không thấy hồi âm nên em đi làm thêm chứ ở nhà không làm ăn được”, em Nhất cho biết.

Thực tế việc cử tuyển con em dân tộc thiểu số đi học về không bố trí được việc làm không chỉ là câu chuyện của riêng huyện Tương Dương (Nghệ An). Nhưng 5 năm cử 46 người đi học mà chỉ bố trí được 3 người thì quả thực cần xem lại chính sách này còn phù hợp với thời điểm này hay không?

Tại buổi khảo sát về vấn đề này do Ban Dân tộc (UBTƯ MTTQ Việt Nam) tổ chức, đã có nhiều ý kiến phân tích sâu đối với chính sách này.

Theo ông Quang Văn Đặng - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tương Dương, việc thực hiện chính sách này nên tiếp tục, tuy nhiên việc cử tuyển người đi học cần đúng với nhu cầu thực tế, đúng địa chỉ, không nên cử đi học tràn lan sau khi ra trường rất khó bố trí công tác.

Ngoài ra, theo ông Đặng, đơn vị tiếp nhận tuyển cử cần phải linh động, có trách nhiệm, tức là khi cử đi thấy thiếu vị trí nào thì khi về phải đặt vào chỗ ấy, đằng này khi đi thì thiếu nhưng khi về thì “ghế” đã đủ, rất tốn kém cho gia đình có con em cử đi học.

Nguy cơ mất hẳn một dân tộc

Ngoài vấn đề cử tuyển, Nghị định 134 còn xác định rõ việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua khảo sát và thực hiện việc giám sát phản biện của Ban Dân tộc (UBTƯ MTTQ Việt Nam) tại xã Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương đã nhìn nhận một cách nghiêm túc khi dân tộc Ơ Đu với 92 hộ, 415 khẩu có nguy cơ mai một, thậm chí mất dần một dân tộc. Bởi hiện nay, trong số hơn 400 hộ dân người dân tộc Ơ Đu thì đã bị “lai hóa” nhiều dân tộc khác sống xung quanh như Thái, Khơ-Mú.

Thậm chí, đến nay qua tìm hiểu chúng tôi được biết dân tộc Ơ-Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My rất nhiều người đã không nói được tiếng mẹ đẻ của mình, chữ viết không có, nguy cơ mai một đã hiện hữu.

Ông Lô Văn Nghệ (80 tuổi) trú bản Văng Môn, một trong 3 người còn nói rõ tiếng Ơ Đu chia sẻ “Tiếng Ơ Đu khó học lắm, hiện nay 3 người cao niên của bản chỉ còn lưu giữ được hơn 300 từ của tiếng Ơ Đu nhưng một phần 3 trong số đó nó na ná tiếng Thái, lại không có chữ viết nên việc lưu giữ, bảo tồn rất khó. Giờ văn hóa dân tộc mình mà không có tiếng nói, chữ viết, phong tục thì nguy cơ mất bộ tộc của mình đấy”.

Theo TS Lò Giàng Páo – Phó Viện trưởng Viện Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ), một dân tộc hội tụ 3 yếu tố gồm văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết, trong đó nếu mất ngôn ngữ và chữ viết thì dân tộc đó nguy cơ mất hẳn.

Như người Ơ Đu ở bản Văng Môn đến nay nguy cơ này đã hiện hữu, khi chữ viết, ngôn ngữ và cả phong tục không còn của Ơ Đu nữa mà bị “đồng hóa” của các dân tộc khác như Thái, Khơ-mú, Kinh.

“Vậy nên, điều cần thiết lúc này là chính cộng đồng dân tộc đó tự cứu lấy dân tộc mình bằng việc bảo tồn, duy trì, thậm chí sưu tầm học hỏi”, Tiến sĩ Páo trao đổi thêm.

Bắc Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/nguoi-o-du-truoc-nguy-co-mai-mot/132418