Người nước ngoài nói gì về kinh tế Việt Nam?

Hồ Quốc Tuấn (Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh) Giá nhân công rẻ là một trong những lợi thế của Việt Nam so với các nước láng giềng. Ảnh: Lê Minh Khuê. (TBKTSG) - Tuần qua, có một số sự kiện phản ánh vài góc nhìn có phần nghi ngại của giới quan sát quốc tế về tình hình kinh tế Việt Nam. Thứ nhất là có một bài báo về kinh tế Việt Nam trên tờ The Economist tựa đề là “Vietnam’s economy: Plus one country”. Bên cạnh đó, công ty xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại New York và London là Fitch Ratings đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của hai ngân hàng lớn của Việt Nam là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (VCB). Mô hình kinh tế nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng yếu kém và độc quyền của tập đoàn nhà nước Bài viết của tờ The Economist nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ một lợi thế nhân công rẻ so với điều kiện giá nhân công đang tăng lên ở phía Nam Trung Quốc hiện nay. Vì vậy, các tập đoàn đa quốc gia hướng tới việc thiết lập hoạt động ở Việt Nam để tận dụng nguồn nhân công rẻ này và đa dạng hóa rủi ro. Một đồ thị của bài báo này cho thấy mức lương bình quân hàng tháng của nhân công Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc, Thái Lan, Phillipines, Indonesia và Malaysia. Vậy là so với những nền kinh tế láng giềng, Việt Nam vẫn đang duy trì một lợi thế giá nhân công thấp. Chuyện cúp điện của Việt Nam được bài báo nhắc tới và xem đó là một ví dụ điển hình về tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém của Việt Nam. Cuối cùng, bài báo này không quên nhắc đến sự kiện Vinashin như là một bằng chứng của sự tồn tại các tập đoàn kinh tế nhà nước “quá lớn không thể để cho sụp đổ” (too big to fail). Dưới góc nhìn của bài báo này, nhiều tập đoàn kinh tế có lợi thế lớn từ nguồn tín dụng giá rẻ và sự hỗ trợ của chính phủ, do đó chúng trở thành một thế lực cản trở hoạt động tự do cạnh tranh trong một số lĩnh vực. Nếu những cụm từ “giật cục”, “thay đổi bất ngờ”, “thiếu nhất quán” không còn xuất hiện khi các tổ chức nước ngoài viết về chính sách của Việt Nam, có lẽ sẽ có nhiều hiệu ứng tốt đối với nhà đầu tư quốc tế. Điều này không thể có được qua tranh cãi với người ta mà phải qua hành động cụ thể của người làm chính sách. Những nhận định này hoàn toàn không mới với người Việt Nam nhưng khi người nước ngoài nhìn vào nó để đánh giá và đặt câu hỏi về khả năng quản trị và tính hiệu quả chung của các tập đoàn nhà nước của Việt Nam thì thật không hay chút nào. Chất lượng tín dụng, sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngoại và những chính sách kinh tế “giật cục” Liên quan đến việc hai ngân hàng ACB và VCB bị hạ xếp hạng tín nhiệm gần đây, điều này không gây bất ngờ cho những người trong giới vì bản thân Fitch đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của các khoản vay dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ vào cuối tháng 7 vừa qua. Thông thường, điều này sẽ được tiếp nối bằng việc hạ xếp hạng của các công ty trong nền kinh tế. Trong số những nguyên nhân khiến Fitch hạ mức tín nhiệm của hai ngân hàng Việt Nam có một yếu tố mà các chuyên gia trong nước cũng quan ngại từ lâu: đó là chất lượng tín dụng của các ngân hàng sẽ ra sao khi tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao. Những khoản vay đó đã đi vào đâu và bao nhiêu có khả năng trở thành nợ xấu là vấn đề đáng được quan tâm và từng được nói đến nhiều - trước và trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua. Đã vậy, chuẩn mực phân loại nợ xấu của Việt Nam có khác với chuẩn mực nhiều nền kinh tế khác nên khi người trong nước đã nghi ngờ chất lượng tín dụng thì không có gì lạ khi Fitch phải lo ngại. Thông thường, tín dụng tăng trưởng cao buộc ngân hàng phải có một mức “đệm an toàn” cao tương ứng từ vốn tự có để duy trì một tỷ lệ an toàn vốn ít nhất là đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh hiện tại, việc huy động vốn của ngân hàng có dễ dàng hay không, người nước ngoài làm sao hiểu rõ được, nhưng họ thấy thị trường chứng khoán đi xuống và áp lực tăng vốn ngày càng đè nặng lên một số ngân hàng thì họ phải lo ngại về khả năng duy trì an toàn vốn của ACB và VCB. Thật ra việc hạ mức tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam nói cho cùng không chỉ do vấn đề nội tại của những ngân hàng này mà còn liên quan không ít đến cách các tổ chức này cảm nhận về chính sách kinh tế của Việt Nam. Thứ nhất, đánh giá tăng trưởng tín dụng, cao hay thấp, đều mang tính chủ quan. Fitch có thể xem tăng trưởng tín dụng của ACB và VCB là cao, nhưng so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ thì liệu chúng có cao hay không. Trong bối cảnh một nền kinh tế thâm dụng vốn và sử dụng vốn chưa hợp lý với hệ số ICOR cao, Việt Nam buộc phải duy trì một mức tăng trưởng tín dụng cao để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Tăng trưởng tín dụng cao thì việc kiểm soát chất lượng tín dụng sẽ gặp nhiều thử thách hơn và cũng tạo sức ép tăng vốn cho ngân hàng để đảm bảo an toàn vốn. Vì vậy bản thân định hướng chính sách yêu cầu đạt được cùng lúc tăng trưởng tín dụng cao để vực dậy nền kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn vừa được siết chặt hơn theo Thông tư 13. Nói nôm na là cái gì ta cũng muốn và nghĩ sẽ làm được, nhưng có lẽ người nước ngoài họ không nghĩ vậy và không thể hiểu rõ được lý lẽ của cách làm chính sách như vậy. Cho nên họ đã hạ mức tín nhiệm của nền kinh tế và của một số ngân hàng! Thứ hai, những người nước ngoài này thiếu niềm tin vào chính sách của Việt Nam. Nó thể hiện ở cách mà những tổ chức này gọi tên cách làm chính sách. Fitch thì gọi cách làm chính sách tiền tệ của chúng ta là “giật cục” và “thiếu nhất quán” (“stop-go” và “inconsistent”) còn tờ The Economist tỏ ra lo ngại về những “thay đổi bất ngờ trong chính sách” (“policy flip-flops”). Những kiểu tạo bất ngờ này hoàn toàn không phải là cách mà những tổ chức xếp hạng phương Tây ưa thích (họ đã thiếu thông tin rồi mà còn được “tạo bất ngờ” thì họ không thể không đặt câu hỏi về sự minh bạch và trung thực của những cam kết chính sách). Cuối cùng căn bệnh nhập siêu kinh niên của nền kinh tế và việc phải phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài để tài trợ cho thâm hụt thương mại là một điều mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm không ưa thích. Sau sự kiện Hy Lạp, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn có lý do để nhạy cảm hơn với chuyện một nền kinh tế cứ phải nhờ nguồn vốn bên ngoài đổ vào để bù đắp thâm hụt thương mại. Câu hỏi của họ đơn giản là nếu chúng ta không tìm được nguồn vốn đầu tư bên ngoài nữa, không vay được nợ nữa thì liệu dự trữ ngoại hối của chúng ta sẽ chống đỡ được đến đâu trong bối cảnh việc quản lý tỷ giá của chúng ta vẫn được tờ The Economist gọi là “chữa cháy” cố định trong ngắn hạn “short-term fixes”. “Ta” trong mắt “người khác” Qua vài nét chấm phá ở trên, có thể thấy trong mắt các tổ chức nước ngoài, Việt Nam có xu hướng duy trì một chính sách kinh tế thiếu cân bằng, chú trọng đẩy mạnh tăng trưởng thông qua tăng nhanh tín dụng trong nước, vay nợ quốc tế, dựa dẫm vào vốn ngoại, duy trì một đồng tiền thiếu linh hoạt, đi kèm với chính sách tiền tệ “giật cục” và “nhiều bất ngờ”. Những nhận định của Fitch Ratings và tờ The Economist gần đây về kinh tế Việt Nam có thể còn nhiều phiến diện, tuy nhiên điều quan trọng không phải là họ hiểu về chúng ta ra sao mà điều ta cần hiểu rõ là trong mắt họ, kinh tế Việt Nam như thế nào, ngân hàng ra sao và công ty nhà nước thế nào, từ đó ta mới có thể chủ động điều chỉnh hình ảnh của ta trong mắt người nước ngoài. Những tờ báo và tổ chức xếp hạng này là những kênh quảng bá và chấm điểm hình ảnh về kinh tế Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài và có thể trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí vốn vay quốc tế của chúng ta, vì vậy không thể phớt lờ họ được. Vấn đề là phải làm sao để cải thiện hình ảnh của ta trong mắt người khác.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/sotay/40220/