Người nông dân khó khăn nên 'Đói ăn vụng, túng làm liều!'

"Chúng ta đang trong một vòng luẩn quẩn, người nông dân bán hàng không đảm bảo an toàn, giảm chất lượng khiến nhà phân phối gặp khó khăn trong khi người tiêu dùng chỉ muốn giá sản phẩm xuống mức thấp nhất", ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch hội chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn đặt vấn đề.

Chất lượng thực phẩm đang là mối lo của nhiều người dân (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và một số tỉnh thành phố trong khuôn khổ hội chợ hàng Việt năm 2017, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: "Để nông sản không gặp phải tình trạng được mùa rớt giá thì yếu tố quan trọng là xây dựng kênh phân phối. Trong mùa vải, nhãn năm nay, chúng ta thậm chí còn "quyết" được cả giá bán với các thương lái Trung Quốc vì hàng khan hơn mọi năm".

Bởi khi kết nối được với các hệ thống siêu thị lớn như BigC chẳng hạn, quả vải Việt Nam sẽ có mặt tại hệ thống siêu thị BigC trên toàn quốc và cả ở Thái Lan. TP. Hà Nội cũng đã ký hợp đồng hợp tác với hệ thống siêu thị AEON của Nhật tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Theo đó, AEON sẽ gửi danh sách các mặt hàng họ đang cần để đưa vào kênh phân phối tại Việt Nam và Nhật, từ đó các Sở Công thương có thể thông tin đến người dân về số lượng, tiêu chuẩn để đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Tuy nhiên, báo cáo từ Sở Công thương chỉ ra rằng, các hộ, hợp tác xã vẫn sản xuất nông sản theo hướng tập quán, truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển...chất lượng không đồng đều.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội

Thêm vào đó sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa khăng khít. "Điều này thể hiện trong vụ "giải cứu thịt lợn" vừa qua, khi thịt lợn bị dư thừa nguồn cung. Nguyên nhân của tình trạng này là do từ khâu quy hoạch khi chúng ta không xác định được đầy đủ nguồn cung - cầu nên hàng hóa bị dư thừa. Do đó, cần phải có những biện pháp từ tầm vĩ mô đến vi mô với những giải pháp cụ thể", bà Lan Phương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch hội chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn cho biết, việc xây dựng chuỗi chăn nuôi ở nước ta còn yếu, chỉ khi hình thành được những chuỗi liên kết từ người chăn nuôi, cơ sở giết mổ đến hệ thống, phân phối, bao tiêu hàng hóa thì mới giảm thiếu được rủi ro trong chăn nuôi.

 Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch hội chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn

"Đối với hội chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn, hiện tại chúng tôi chỉ đáp ứng được 6.000 con/tháng, đây là một số lượng rất nhỏ đối với nhu cầu của TP. Hà Nội và mặc dù sản lượng có thể tăng lên nhưng hệ thống phân phối vẫn còn hạn chế khiến người dân không thể mở rộng quy mô, tốn kém chi phí và lợi nhuận không đảm bảo. Với thực trạng hiện nay, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn nên dẫn đến tình trạng 'đói ăn vụng, túng làm liều' và đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng.

"Chúng ta đang trong một vòng luẩn quẩn, người nông dân bán hàng không đảm bảo an toàn, giảm chất lượng khiến nhà phân phối gặp khó khăn trong khi người tiêu dùng chỉ muốn giá sản phẩm xuống mức thấp nhất. Vô hình chung, chúng ta đang gây ảnh hưởng đến cả thị trường", ông Đông nêu vấn đề.

Đây cũng là những vướng mắc chung tại các vùng sản xuất nông sản của Hà Nội và hiện đang được khắc phục để đẩy mạnh sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng vào chuỗi phân phối của Thành phố.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/nguoi-nong-dan-kho-khan-nen-doi-an-vung-tung-lam-lieu-3211565.html