Người nhặt sách

Tặng chị Duyên, ở Nha Trang Những cuốn sách mà chị có được trong tủ sách gia đình cho đến nay là kết quả của cả một quá trình dài đến mấy mươi năm.

Mới nghe qua như thế, những tưởng chị là người làm việc trong lĩnh vực sáng tác hoặc nghiên cứu. Thực ra, chị cũng đã từng mơ ước như thế, vì từ hồi đang còn là một học sinh cấp 2, chị đã có thiên hướng văn chương, các bài văn chị viết thường đạt điểm số cao. Có lần, một bài văn của chị mà thầy giáo chấm không đúng, cho điểm thấp hơn số điểm lẽ ra phải có, chị đã khiếu kiện đến tận ban giám hiệu.

Đó cũng là một nét tính cách của chị: không chịu được cái gì không đúng. Nghe thêm như thế, lại dễ ngỡ rằng chị là người bướng bỉnh. Không phải. Mà ngược lại: nét dịu dàng là điều ai cũng có thể nhận ra nơi chị, nếu có dịp tiếp xúc. Cũng có nghĩa rằng, bên dưới sự lặng lẽ nơi người phụ nữ này là vẻ đẹp của một cành hoa cứng cỏi…

Chồng chị kể: Duyên cất giữ đầy đủ tất cả những giấy tờ và thư từ liên quan đến anh, từ những lá thư tình thời đi học đến các mẩu giấy dặn dò về một việc rất bình thường trong đời sống gia đình. Điều có vẻ nhỏ nhặt này, thực ra rất khó thực hiện. Vì con người thường dễ quên. Mà nếu có quên, thì cũng thông cảm được: biết bao nhiêu những chuyện - thường - ngày cứ dần dần bào mòn đi những mơ mộng trong sáng mà nhiều người đã từng có, thời trẻ tuổi…

***

Nghe kể chuyện, tôi gọi chị là người - mê - sách. Chị không chịu nhận cái biệt danh này. Mà tự cho rằng mình chỉ là người - nhặt - sách thôi. Thì thôi vậy, cứ gọi là nhặt: làm sao trái ý được một người khiêm tốn? Kỷ niệm về chuyện sách, qua mấy mươi năm, làm sao mà kể cho hết. Tôi cười, hỏi… xa xa: Hẳn chị nhớ câu thơ cũ: Thập tải độc thư bần đáo cốt? (*). Chị cũng nhẹ cười, không đến nỗi nghèo tận xương như các hàn sĩ ngày xưa đâu, chỉ là những chi dùng hằng ngày dần dần “lấn” sang khoản dành cho việc nhặt sách thôi!

Thời gian gần về hưu, có bằng hữu ở xa gửi chị vài quyển sách có nội dung Phật học. Chị đọc, suy nghĩ, đối chiếu những gì trong sách đề cập với con người - cuộc sống chung quanh và nhận ra nhiều điều có ích. Chị tâm đắc nhất là sự “bớt dần” và “buông xuống” mà chị cho rằng đó là chìa khóa của hạnh phúc…

Chồng chị rất biết ơn chị, anh ghi lại trong đôi dòng chân thực (viết trên giường bệnh): Em vắt kiệt em…/từng giọt vào anh/từ ngọn gió về/từ giọt mưa em/anh bước lại dấu chân mình/bốn mươi năm trước.

Nguyễn Đông Nhật

(*) Mười năm đọc sách, nghèo thấu xương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-nhat-sach-762472.html