Người ngoài Đảng không được tự ứng cử thi tuyển chọn lãnh đạo

Người ngoài Đảng hoặc người nằm ngoài quy hoạch không được tự ứng cử mà phải có đề cử của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn mới được tham gia thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, cấp phòng…

Ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ.

Ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ.

Theo Bộ Nội vụ, Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương chỉ áp dụng đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu. Không thực hiện thi tuyển đối với các chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức hoặc khi xem xét bổ nhiệm lại.

36 bộ, ngành, địa phương thí điểm

“Việc thí điểm đổi mới này nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh.

Vậy đối tượng không phải đảng viên, nằm ngoài quy hoạch có đủ điều kiện tham gia dự tuyển không? Đề án này có chấm dứt được tình trạng bổ nhiệm người nhà không?

Ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, đề án thí điểm này là giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay.

Để thu hút thêm nguồn cán bộ chất lượng cao, đề án đã mở rộng ra cả các đối tượng nằm ngoài quy hoạch hoặc đối tượng chưa phải đảng viên.

Tuy nhiên, theo ông Long, những đối tượng này không có quyền tự ứng cử tham gia dự tuyển mà phải có đề cử của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn. “Đây là chủ trương đổi mới của Đảng trong công tác cán bộ”, ông Long nói.

Hiện nay đã có 14 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 22 địa phương đăng ký được thực hiện thí điểm đề án.

“Với các bộ, ngành địa phương khác được chủ động xem xét, quyết định các vị trí, chức danh tổ chức thi tuyển. Khi thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn thì cũng phải thực hiện thống nhất theo công văn hướng dẫn của Bộ”, ông Long thông tin.

Phải có 2 người trở lên cho 1 chức danh tuyển chọn

Viêc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, khi tổ chức thi tuyển phải có 2 người trở lên cho 1 chức danh tuyển chọn. Trường hợp chỉ có 1 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có trường hợp nào đủ tiêu chuẩn thì tập thể lãnh đạo và cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh đó cho đến khi có thêm người đăng ký dự tuyển.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 2 người dự tuyển nhưng đến ngày thi chỉ có 1 người dự thi thì Hội đồng Thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch.

Thi viết và trình bày đề án

Theo công văn hướng dẫn của Bộ Nội vụ, nội dung thi tuyển gồm 2 phần: Thi viết và trình bày đề án.

Trong đó thời gian thi viết là 180 phút, bao gồm kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự tuyển và các nội dung khác do Hội đồng Thi tuyển quy định.

Chủ tịch Hội đồng Thi tuyển sẽ quyết định chọn đề thi viết trong ngân hàng đề thi, bảo đảm bí mật đề thi theo chế độ tài liệu tối mật trong suốt quá trình xây dựng ngân hàng đề thi cho đến khi công bố đề thi viết được chọn.

Phần thi trình bày đề án: Tối đa 45 phút cho phần trình bày với các nội dung đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất giải pháp.

Đồng thời phải nêu được chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự tuyển nếu được bổ nhiệm vào chức danh đó.

Sau khi trình bày, ứng viên sẽ có 60 - 90 phút trả lời các câu hỏi chất vấn. Thời gian trả lời cho mỗi câu hỏi chất vấn không quá 5 phút. Điểm thi trình bày đề án được chấm theo thang 100.

Các cơ quan Trung ương thí điểm

Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Tòa án nhân dân Tối cao; Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam.

Các tỉnh, thành thí điểm:

Lào Cai; Hòa Bình; Sơn La; Quảng Ninh; Hải Phòng; Vĩnh Phúc; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Bình; Thừa Thiên - Huế; Đà Nẵng; Khánh Hòa; Ninh Thuận; Đắk Lắk; Lâm Đồng; Bình Dương; TP HCM; Bà Rịa - Vũng Tàu; Trà Vinh; Cần Thơ; Kiên Giang; Bến Tre.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/nguoi-ngoai-dang-khong-duoc-tu-ung-cu-thi-tuyen-chon-lanh-dao_t114c67n120872