Người nghề y nói về nghề báo

Nghề báo cho chúng tôi được đi nhiều, được tìm hiểu nhiều về nghề y, người ngành y, nhưng với đặc thù của mình, các bác sĩ thật khó để thổ lộ lòng mình.

Nghề báo cho chúng tôi được đi nhiều, được tìm hiểu nhiều về nghề y, người ngành y, nhưng với đặc thù của mình, các bác sĩ thật khó để thổ lộ lòng mình. Và ở bên trong vẻ bề ngoài tưởng như lạnh lùng kia lại chứa đựng những trái tim cháy bỏng, những nỗi lòng khó thổ lộ… Dẫu biết rằng ở chỗ này chỗ kia vẫn còn có trường hợp tiêu cực, một vài nhân viên y tế vòi vĩnh, quát nạt bệnh nhân, nhưng trên hết, chúng tôi nhìn thấy ở họ sự tận tâm nhiệt huyết với nghề, với đời ở những người thầy thuốc. Nghề báo đã nói rất nhiều về nghề y, vậy người ngành y nói gì về nghề báo? Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, hãy nghe tâm sự của những người làm y tế về nghề báo, nhà báo.

Báo chí luôn đồng hành cùng cán bộ y tế trong mọi tình huống. Ảnh: T. Giang

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương: Nghề y - nghề báo nhiều “duyên nợ”

Nghề y là một nghề cao quý, vì con người, yêu quý con người, hy sinh vì con người. Nghề y đòi hỏi khắt khe về lao động cả trí óc lẫn chân tay, vừa phải liên tục, vừa phải chính xác và kịp thời. Phần lớn thời gian cuộc đời người làm nghề y gắn với môi trường công tác - nơi mà nhiều nguy cơ rình rập cho người bệnh và cho cả thầy thuốc. Thường gắn với tiếng than, tiếng khóc, tiếp xúc với đờm, máu, phân, nước tiểu và nước mắt, với những căng thẳng, stress luôn bao vây. Đó là sự thật. Nhưng đồng thời cũng là những niềm vui vỡ òa khi chiến thắng thần chết, đưa bệnh nhân trở về với cuộc sống, đem lại hạnh phúc cho biết bao gia đình. Và một sự thật nữa - đó là còn một số những bất cập trong ngành chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhân dân về chăm sóc sức khỏe, còn có những cá nhân vô trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm mất đi phần nào niềm tin của nhân dân.

Vậy nói về nghề báo thì sao? Một ngành có quyền lực rất lớn mà ta vẫn thường gọi là quyền lực thứ 4 đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội. Với sứ mệnh của mình, nghề báo cũng đầy rẫy những khó khăn thách thức và cám dỗ, thậm chí là hiểm nguy, phải trả bằng máu và nước mắt. Chúng ta luôn biết ơn những nhà báo đã hy sinh trong chiến trường để truyền tải những thông tin sốt dẻo động viên toàn quân toàn dân, biết ơn những nhà báo quốc tế cũng không ngại gian khổ hy sinh thông tin cho cả thế giới biết về cuộc chiến tranh chính nghĩa của chúng ta, góp thêm những trang giấy trên bàn đàm phán đem lại hòa bình cho chúng ta ngày nay. Hòa bình lập lại, cả nước đi lên, cả xã hội sống theo hiến pháp và pháp luật và hiện nay, với đường lối chính sách của Đảng về công cuộc đổi mới, cải tổ, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực thì báo chí đã nhiều “phen” lập công đầu, thể hiện rõ nét quyền lực của mình, góp phần vào xây dựng đất nước. “Cuộc chiến” này cũng gian khổ và hiểm nguy không kém gì thời chiến tranh, đổ mồ hôi, thậm chí là máu để có những bài viết sắc sảo, thuyết phục, đem lại những trận thắng ròn rã, thỏa lòng người dân vì sự thực luôn luôn đúng.

Đối với ngành y, chúng tôi hết sức biết ơn các nhà báo đã đồng hành với ngành y để ngành y hoàn thành sứ mệnh của mình là chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Từ xa xưa, với phong trào 3 sạch (ăn sạch, ở sạch, uống sạch), phòng bệnh hơn chữa bệnh, tập luyện, vệ sinh cho đến nay, những kỹ thuật mới, tiêm phòng vắc-xin, các triệu chứng, dấu hiệu bệnh sớm, phát hiện, kiểm tra sức khỏe định kỳ, “lắng nghe cơ thể bạn”, nếu không phải các nhà báo thì ai sẽ giúp cho người dân hiểu và thực hành nâng cao sức khỏe. Rồi các tiến bộ khoa học kỹ thuật y học của Việt Nam có được thế giới biết đến, nhân dân ghi nhận và tiếp cận sử dụng đều có vai trò quan trọng của báo chí. Nếu thế giới không biết chúng ta làm được gì thì sao có thể hợp tác được. Với thời đại mới, thế giới phẳng thì hợp tác và hội nhập là quan trọng nhất, nếu nghèo quá, yếu quá đi xin cũng sẽ không có ai cho, chỉ có thể là khỏe và giỏi nói chuyện ngang bằng, hợp tác thì sẽ có rất nhiều cơ hội. Mặt khác, để có thể truyền thông cho những nhà hoạch định chính sách hiểu được để có đủ thông tin và bằng chứng để ra những quyết sách mang tầm chiến lược cũng như những giải pháp tình thế thì báo chí cách mạng sẽ lập công đầu.

Trong thực hành y khoa là một thực hành mang tính chuyên nghiệp cao nhưng được làm bởi bàn tay con người, vì vậy, con người cũng có những giới hạn, những tai biến y khoa không thể tránh khỏi, những rủi ro cho dù là ít cũng mang lại những đau đớn cho người bệnh, nhưng hơn ai hết, người thầy thuốc gặp phải sẽ còn có nỗi đau dai dẳng hơn, có nhiều người biết về điều đó không? Báo chí sẽ chia sẻ và giúp cho gia đình, người dân hiểu và chia sẻ với ngành y, đem lại sự bình an cho xã hội. Đó là những vấn đề hết sức nhạy cảm, dễ thổi bùng lên ngọn lửa của dư luận xã hội, nhưng với hiểu biết và trách nhiệm, báo chí có thể truyền tài những thông điệp khách quan sẽ là trách nhiệm cao nhất, đồng thời cũng là một ranh giới rất mềm mà chỉ những nhà báo mới biết và cảm nhận được.

Ngành y tế hiện nay đang trải qua giai đoạn chuyển đổi sâu sắc về công nghệ, về cơ chế, về kinh tế y tế, cũng không tránh khỏi những khó khăn phức tạp có thể từ chính sách cần phải cải thiện có thể là những sai phạm cá nhân mà không bao giờ là chủ trương của lãnh đạo, báo chí sẽ giúp cho ngành khắc phục tốt nhất những điều đó.

Riêng cá nhân tôi, thay mặt cho hơn 19.000 cán bộ làm công tác chống lao và bệnh phổi cả nước, trân trọng cảm ơn các nhà báo đã và đang đồng hành với chúng tôi trong công cuộc chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam. Và cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà báo, chúc cho báo chí cách mạng Việt Nam phát triển bền vững!

TS. Phan Huy Anh Vũ - Phó GĐ Sở Y tế Đồng Nai: Báo chí - Kênh thông tin quan trọng với sự phát triển của ngành y tế.

Báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp cho ngành y tế, cán bộ trong ngành y tế tiếp cận với “khách hàng” là nhân dân. Nhiều thông tin, nhận xét phản ánh về y tế, chất lượng y tế, thái độ ứng xử của nhân viên y tế, những hạn chế, bất cập trong công tác khám chữa bệnh… được báo chí phản ánh, qua đây, ngành y tế hoàn thiện mình hơn, cải tiến tốt hơn, khắc phục những tồn tại để phục vụ nhân dân tốt hơn. Báo chí cũng chính là người bạn đồng hành của ngành y tế trong việc phản ánh những khó khăn, những vướng mắc, những “nỗi lòng” của ngành y tế. Đồng thời, cán bộ y tế cũng có cơ hội được bày tỏ những quan điểm, chia sẻ những cảm xúc của mình về nghề y, nghiệp y…

Tôi cũng mong muốn báo chí phản ánh trung thực, khách quan trong phản ánh sự việc, sự kiện để đảm bảo, quyền lợi cũng như danh dự của thầy thuốc.

Cử nhân Trần Thanh Thủy - BVĐK khu vực Cẩm Phả: Báo chí - Cầu nối niềm tin giữa bác sĩ và bệnh nhân

Nghề y và nghề báo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhà báo khi viết về bất cứ sự việc gì của ngành y cũng cần giữ được sự khách quan, công tâm. Bởi lẽ, một nửa sự thật sẽ không còn là sự thật. Những con người làm trong ngành y luôn đối diện với sự sống và cái chết của bệnh nhân và của chính mình. Do vậy, trước mỗi ca bệnh nguy kịch người bác sĩ, y tá chỉ quan tâm và mong muốn là làm thế nào để người bệnh sống. Báo chí hãy là cầu nối để cho niềm tin giữa bệnh nhân và bác sĩ có đủ không gian để tồn tại. Trong lúc sinh tử, chỉ niềm tin ấy mới giúp cả hai đồng lòng chống lại và chiến thắng bệnh tật.

Hồng Nguyên (ghi)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguoi-nghe-y-noi-ve-nghe-bao-n133156.html