Người nặng lòng với “Tiếng quê hương”

QĐND - Nói đến luật sư Phùng Tuệ Châu, hầu hết cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ đều biết đến bà. Bà từng là luật sư dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, từng tham gia các đoàn biểu tình chống Việt Nam ở Mỹ... Ngày nay, bà là một trong số nhiều kiều bào tích cực quảng bá và xây dựng đất nước bằng chính “Tiếng quê hương”, một chương trình phát thanh trên youtube được cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ yêu thích.

Quay đầu là bờ

Bà Phùng Tuệ Châu có dáng người thấp, hơi mập nhưng có giọng nói sang sảng. Từng là luật sư dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa nên bà Tuệ Châu nắm rất rõ luật pháp Mỹ và luôn đưa ra những lý lẽ đanh thép.

Bà Phùng Tuệ Châu giơ tay và hô “Xin thề” khi dự lễ chào cờ tại đảo Song Tử Tây tháng 4-2014.

Bà Phùng Tuệ Châu bày tỏ xúc động khi đến thăm đảo Song Tử Tây tháng 4-2014.

Bà Tuệ Châu chia sẻ, ngày còn là một luật sư dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, bà kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng sự kiện ngày 30-4-1975 đã làm sụp đổ ước vọng làm giàu của bà. Lúc đó, bà suy nghĩ “thôi, gió chiều nào, ta xoay chiều đó”. Ủy ban Quân quản của phường nơi bà sinh sống mời làm tổ phó an ninh, bà cũng nhận lời. Nhưng một hôm, ông Ba Cẩm, Chủ tịch UBND phường nói với bà rằng: “Chị Châu ơi, tôi cử chị đi học ở quận 1 để về làm thông tin cho phường nhé!”. Lúc đó, bà hoảng và lắc đầu quầy quậy bởi sợ mình không đủ tư cách và khả năng.

Cuộc sống sau chiến tranh khi đó thật vất vả, bà phải đi bán quần áo để kiếm sống. Nhờ sự hỗ trợ tài chính của cô em gái, bà quyết định sang Mỹ vào năm 1989.

Tới Mỹ, nhóm chống Cộng biết tiếng luật sư Phùng Tuệ Châu đã mời bà tham gia với vai trò Chủ tịch Ủy ban tổ chức bầu cử cho cộng đồng Nam Ca-li-pho-ni-a và bà nhận lời. “Cứ làm việc như một cái máy, tôi đã đi theo và làm việc với nhóm này biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam, rồi đi theo Đỗ Hoàng Điềm, một thành viên của đảng Việt Tân, song không tham gia vào đảng này”, bà Tuệ Châu cho hay.

Theo bà Tuệ Châu, năm 1995, khi Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn có ý định thiết lập lại quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, một số người đứng đầu các nhóm cực đoan chống Việt Nam vận động kiều bào yêu cầu Quốc hội Mỹ tuyệt đối không bang giao với nhà nước Việt Nam. “Khi đó, tôi đã gọi điện cho Đỗ Hoàng Điềm bày tỏ sự không đồng ý. Tuy nhiên, Đỗ Hoàng Điềm bỏ qua lời nói đó của tôi. Từ đó, tôi giãn ra, không đến gần với họ nữa”, bà Tuệ Châu kể.

Một hôm, có người bạn giới thiệu bà với ông Trần Văn Ca, một Việt kiều ở Mỹ và đề nghị bà giúp đỡ ông Ca tổ chức buổi gây quỹ để có tiền mua xe lăn cho các cựu chiến binh Việt Nam diễn ra vào ngày hôm sau, với sự có mặt của Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pi-tơ-xơn (Peterson). Bà đồng ý và lập tức đi kêu gọi gây quỹ.

Ngày hôm sau, báo chí chống Cộng tập trung trước nơi diễn ra buổi gây quỹ và phỏng vấn ông Trần Văn Ca rằng có phải bà Tuệ Châu nằm trong tổ chức của ông không? Ông Ca không trả lời. Ông nói với bà Tuệ Châu rằng: “Cô Châu ngồi gác cửa đi. Cô xem có đứa nào cực đoan phá rối mình, cô đừng cho chúng nó vào”. Nhưng bà Tuệ Châu nghĩ khác. Bà nói: “Họ muốn biết chúng ta làm gì thì họ cứ vào đi”. Nhưng hôm đó, nhóm chống Cộng làm dữ quá nên Đại sứ Pi-tơ-xơn đã không tới.

Kể từ ngày đó, bà Châu xa lánh nhóm cực đoan và dần dần nhận ra những sai lầm của mình trước đây. “Tôi quay lại đọc tin tức trên báo chí truyền thống của Việt Nam như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng. Tôi đã nhận ra những điều tốt đẹp mà Nhà nước Việt Nam mang lại cho người dân. Tôi khâm phục nhân dân Việt Nam đã thắng được Pháp, thắng được Mỹ. Nếu chúng ta có lòng yêu nước, muốn xây dựng đất nước thì chúng ta phải trở về quê hương và có những hành động thiết thực”, bà Châu bày tỏ.

“Tiếng quê hương” ở Trường Sa

Cũng chính vì mong muốn góp phần nhỏ bé của mình cho đất nước, bà Châu đã thành lập và duy trì một đài phát thanh Việt ngữ nhằm mang đến cho cộng đồng người Việt tại Mỹ những tin tức về đất nước Việt Nam đang đổi mới.

Khoảng năm 2005, bà Phùng Tuệ Châu và một số người bạn cùng chí hướng như ông Đinh Viết Tứ lập chương trình phát thanh "Tiếng quê hương" trên internet và trụ sở làm việc là nhà riêng của bà. Dù thời lượng không nhiều, bà và các cộng sự cố gắng duy trì chương trình một tháng một lần, những lúc có sự kiện đặc biệt thì một tháng hai lần. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, "Tiếng quê hương" đã được đưa lên youtube, nhà ai có mạng cũng có thể xem được. “Tiếng quê hương” đã giúp bà con kiều bào Việt Nam ở Mỹ hiểu rõ hơn về đất nước mình sau chiến tranh, đồng thời cũng là tiếng nói phản đối hành động chống Nhà nước Việt Nam của các nhóm cực đoan tại Mỹ.

Với những đóng góp của mình, tháng 4 vừa qua, bà Phùng Tuệ Châu được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời trở về nước và đi thăm Trường Sa. “Tôi rất vui và tự hào khi được đặt chân lên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thật xúc động khi chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Hải quân ngày đêm bảo vệ sự bình yên của đất nước”, bà Tuệ Châu bày tỏ cảm xúc mà hai hàng nước mắt chảy dài trên má.

Mặc dù ước muốn làm được chương trình “Tiếng quê hương” trực tiếp từ Trường Sa chưa được thực hiện, nhưng bà Châu cho biết, những câu chuyện, cảm xúc của bà khi gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, người dân ở Trường Sa sẽ lên sóng của “Tiếng quê hương”. Đó cũng chính là lời kêu gọi mà bà muốn gửi gắm tới những người ở hải ngoại còn chưa tin tưởng vào Nhà nước Việt Nam thì hãy thay đổi tư duy, thay đổi lập trường, hãy cùng nhân dân trong nước bảo vệ chủ quyền đất nước.

Bài và ảnh: KIM OANH

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/ky-su-nhan-vat/nguoi-nang-long-voi-tieng-que-huong/314834.html