Người mua đợi chờ, thị trường ô-tô trầm lắng

Thị trường ô-tô đang có dấu hiệu chững lại do người mua có tâm lý chờ đợi sang đầu năm 2018, giá sẽ giảm sâu khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN xuống mức 0%. Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) công bố, tháng 7, cả nước chỉ tiêu thụ hơn 20.600 xe các loại, giảm 27% so cùng kỳ và 15% so tháng 6 trước đó.

Xe giá rẻ “trăm hoa đua nở”

Theo phân tích của các chuyên gia ô-tô, thời điểm tháng 7 vừa qua, các hãng xe thực hiện việc giảm giá “tới đáy”. Nguyên nhân giá xe ô-tô tại Việt Nam ngày càng rẻ đi được nhận định do thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với dòng xe dung tích nhỏ đang giảm nhanh. Mặt khác, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc (CBU) từ các nước nội khối sẽ giảm về 0% kể từ ngày 1-1-2018 (nếu tỷ lệ nội địa hóa 40% trở lên). Không thể không nhắc đến một yếu tố quan trọng khác: xe ô-tô giá rẻ ngày càng đa dạng về nguồn cung, được các nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu đua nhau đưa ra thị trường. Phân khúc xe giá rẻ (dao động từ 350 đến 600 triệu đồng) hiện nay khá phổ biến dưới 450 triệu đồng như Mitsubishi Mirage, Hyundai i10, Kia Morning, Chevrolet Aveo, Chevrolet Spark,... Cao hơn chút nữa có Nissan Sunny, Honda City, Suzuki Ciaz (khoảng 500 triệu đồng), hơn nữa là Kia Rio, Toyota Vios, Mazda 2, Hyundai Elantra, Kia Cerato,... phổ biến quanh mức 600 triệu đồng. Tuy nhiên, để xe lăn bánh, sau khi tính hết thuế phí, phải cộng thêm mỗi xe khoảng 100 triệu đồng. Chuyên gia ô-tô Phạm Anh Tuấn (VAMA) cho rằng: Nếu như trước đây, các liên doanh lắp ráp trong nước chi phối thị trường về dòng xe giá rẻ, nhưng từ đầu năm đến nay, xuất hiện nhiều dòng xe giá rẻ nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực do được hưởng lợi từ việc giảm thuế. Hiện tại, thuế nhập khẩu vẫn ở mức 30%, sau này khi thuế xuống mức 0%, chắc chắn thị trường sẽ chứng kiến sự đổ bộ của nhiều dòng xe giá rẻ khác.

Chính sách thuế TTĐB dành sự ưu tiên cao cho dòng xe dưới 2.0L, cho nên ngay từ cuối năm 2016, các doanh nghiệp (DN) lắp ráp xe hơi trong nước đã đẩy nhanh việc sản xuất, lắp ráp xe cỡ nhỏ có dung tích từ 1.0L đến 2.0L. Nhiều DN nhập khẩu, phân phối xe cũng xúc tiến việc nhập xe cỡ nhỏ, khiến phân khúc này “trăm hoa đua nở”. Hầu hết trong số 20 thương hiệu lắp ráp, phân phối xe hơi tại Việt Nam đều có xe giá rẻ trên thị trường. Nếu trước đây, người ta thấy xe giá rẻ chủ yếu là số sàn, còn hiện nay có số tự động, ngay cả dòng xe đa dụng cỡ nhỏ cũng được các nhà sản xuất thiết kế với dung tích 2.0L để "lách" thuế TTĐB và giảm giá.

Tháng 7 vừa qua cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ về lượng tiêu thụ xe, trái với quy luật hằng năm, đây thường là “tháng vàng bán hàng”. Toàn thị trường ô-tô trong nước giảm tới 27% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt “ông lớn” lao đao, bất chấp nỗ lực giảm giá hàng trăm triệu đồng. Đơn cử, thương hiệu lớn nhất là Toyota Việt Nam (TMV) mặc dù vẫn dẫn đầu thị trường, song chỉ tiêu thụ gần 4.300 xe, bằng 83% so cùng kỳ, trong đó những mẫu xe hút khách nhất như Vios, Altis lần lượt giảm tới 18% và 37%. Thông tin từ TMV, doanh số bán của hãng trong phân khúc xe du lịch đạt 2.333 xe và phân khúc xe thương mại đạt 1.958 xe. Hai thương hiệu Kia và Mazda do Thaco sản xuất, phân phối sụt giảm tương ứng tới 41% và 37% so với cùng kỳ, mẫu xe Mazda 3 giảm tới 50%, Cerato giảm 13%,... Các thương hiệu ô-tô lớn tại Việt Nam đang loay hoay giải bài toán doanh số bằng cách chấp nhận thua lỗ, liên tiếp các chiêu giảm giá được tung ra.

Thu hẹp khoảng cách giá với khu vực

Bước sang năm 2017, các hãng xe liên tiếp bung những đợt giảm giá và khuyến mại lớn chưa từng có. Sau các đợt “bão giá”, đại diện VAMA nhận định, giá bán lẻ bình quân của các loại xe phổ thông tại thị trường Việt Nam rất sát với mặt bằng thị trường khu vực. Đây cũng là hiện tượng chưa từng xảy ra, xóa dần khoảng cách về giá bán giữa Việt Nam và một số thị trường khác. Vấn đề ở chỗ, viễn cảnh về một đợt giảm giá theo ATIGA có xảy ra như hình dung của nhiều người hay không, bởi không có nhiều mẫu xe đáp ứng tiêu chí tỷ lệ nội địa hóa nội khối ASEAN từ 40% trở lên.

Thống kê cho thấy, chi phí sản xuất ô-tô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực khoảng 20% do phần lớn các linh kiện, vật liệu sản xuất phải nhập khẩu, cộng với các chi phí hậu cần và gánh nặng thuế phí. Hiện tại, các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô-tô vẫn chưa có sự ổn định cần thiết. Đối với ngành công nghiệp ô-tô, ưu tiên số một là phải bảo đảm một thị trường tăng trưởng bền vững, các chính sách liên quan ổn định trong thời gian dài để DN có căn cứ xây dựng kế hoạch sản xuất. Do chính sách thiếu rõ ràng, nhất quán, các nhà sản xuất không đủ cơ sở để dự báo sẽ tăng hay duy trì sản lượng. Các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm nhiều loại chi phí như đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu, làm đội giá thành sản xuất xe trong nước. Khoảng cách này có thể lên tới 10 đến 20% sau khi loại bỏ thuế quan trong khối ASEAN vào năm 2018. Sau hơn 20 năm với nhiều chính sách ưu đãi, ngành công nghiệp ô-tô nước ta vẫn không đạt được các mục tiêu đề ra. Sản xuất ô-tô chỉ dừng ở mức độ lắp ráp đơn giản với bốn công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra. Đối với xe đến chín chỗ, tỷ lệ nội địa hóa đến nay mới đạt bình quân 7 đến 10%, chất lượng xe không so được xe nhập khẩu, giá bán lại ở mức cao. Theo nhận định của các nhà sản xuất và cung cấp linh kiện, ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam gần như không có gì, thị trường nhỏ, vì vậy các công ty cung cấp linh kiện chưa có ý tưởng tham gia vào thị trường Việt Nam. Sản xuất ô-tô là ngành công nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ các ngành khác như cơ khí, điện, điện tử, tin học, tự động hóa,… Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cần thị trường đủ lớn mới có thể đầu tư công nghệ, thiết bị sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành sản xuất trong nước. Đây chính là nghịch lý khiến giá xe trong nước cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực.

Để phát triển ngành ô-tô trong bối cảnh hội nhập, nhiều DN đã kiến nghị Chính phủ có chính sách bảo vệ thị trường trong nước nhất quán và đồng bộ, trong thời gian thấp nhất 10 năm, giúp DN tích lũy tài chính, công nghệ và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển. Khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm về 0% từ đầu năm 2018, Chính phủ sớm giảm thuế nhập khẩu linh kiện trong nước chưa sản xuất được (đang áp dụng khoảng 15 đến 20%) về 0%. Đồng thời, áp dụng thuế nhập khẩu đối với linh kiện trong nước sản xuất được ở mức trần cam kết nhằm hỗ trợ sản xuất ngành ô-tô. Cùng với đó, có biện pháp kiểm soát chống gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận xuất xứ C/O trong việc xác định tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các DN.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33835602-nguoi-mua-doi-cho-thi-truong-o-to-tram-lang.html