Người mẹ làm thơ để vượt 'nỗi đau da cam'

Sáu lần vượt cạn nhưng người phụ nữ ấy chỉ giữ cho mình được 4 đứa con dị tật và yếu ớt. Bao đêm khóc thầm, bà chỉ biết tâm sự về số phận bất hạnh của mình qua những vần thơ.

Vợ chồng bà Liên cùng cô con gái Bùi Thị Thủy bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: T.Q

Lễ đính hôn vắng chú rể

Đi về thôn 12, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, hỏi về cảnh ngộ éo le của vợ chồng bà Phan Thị Liên (SN 1948) nuôi hai đứa con bị nhiễm chất độc da cam là chẳng ai không biết. Đến nhà bà khi trời đã nhá nhem tối nhưng người mẹ vốn chịu nhiều nỗi đau ấy vẫn phải ra đầu ngõ để gọi hai đứa con đã lớn mà vẫn “mải chơi” về “mẹ cho kẹo”.

Trong căn nhà nhỏ, bà Liên ngồi kể cho chúng tôi nghe về mối tình với người chồng bộ đội trong chiến tranh và qua những bài thơ mà bà đã viết để quên đi nỗi đau buồn của cuộc sống. Cuộc đời bà chịu nhiều đau khổ bởi những đứa con sinh ra có lớn mà không khôn. Nhưng vượt qua tất cả, bà vẫn yêu thương, chăm sóc để con cảm nhận được tình yêu của mình, rồi đêm đến bà lại “gieo vần” để vơi đi nỗi đau. Bà Liên kể, bà học hết cấp 2, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Liên cùng bà con trong làng hăng hái tham gia đào hào, công sự, bố trí trận địa để bảo vệ sân bay dã chiến Dừa (thuộc xã Tường Sơn). Khi máy bay Mỹ ném bom, Liên lại tích cực tham gia vận chuyển lương thực, thuốc men cho bộ đội phòng không, chăm sóc những người bị thương do bom đạn.

Là con út trong gia đình có 3 chị em và hai chị đầu lại lấy chồng xa nên bố mẹ già yếu yêu cầu ai muốn cưới Liên làm vợ thì phải ở rể. Thời gian này, mối tình của Liên và người con trai tên là Bùi Công Mỹ ở cùng làng đã bắt đầu chớm nở. Năm 1964, cũng như bao chàng trai khác, Mỹ hăm hở lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ thông tin liên lạc ở Đoàn 559 tại binh trạm Bắc Tây Nguyên. Một năm sau, gia đình 2 bên đã tự đi làm lễ đính hôn mà vắng mặt chú rể.

Người yêu vào chiến trường, với chục năm xa cách, đợi chờ, nỗi nhớ lại được lưu thành những dòng thương nhớ người yêu – người chồng chưa cưới qua 105 bức thư và 2 cuốn nhật ký vừa bằng thơ, vừa bằng văn xuôi. Giữa cảnh đạn bom ác liệt, họ vẫn giữ liên lạc với nhau qua thư. Nhưng từ ngày người yêu ra chiến trường đến lúc hai người sum vầy, bà Liên chỉ nhận được 2 bức thư hồi đáp của người yêu.

Đầu năm 1973, vì sức khỏe yếu nên ông Bùi Công Mỹ được ra quân sau chục năm trời phục vụ Tổ quốc. Ngày 06/01/1973, đám cưới của chàng trai Bùi Công Mỹ và cô gái Phan Thị Liên được tổ chức trong nhiềm hân hoan, chúc tụng của gia đình, bà con lối xóm. Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, bởi sau đó là nỗi đau chồng chất của vợ chồng bà khi đón những đứa con chào đời…

Biến nỗi đau thành những “vần thơ da cam”

Đầu tiên là cô con gái đầu lòng chào đời vào năm 1974 trong hình hài dị dạng và mất khi chưa đầy 3 tuổi. Quá đau đớn vì mất con và không biết chia sẻ nổi lòng cùng ai, bà Liên đành gửi nỗi niềm qua những câu thơ: “Gần 3 năm sao con chả nói/ Mẹ gọi con, con chẳng thèm nhìn/ Mẹ đau lòng và khóc thâu đêm/ Sao con mình như vậy?”

5 năm sau mất đứa con đầu lòng, bà Liên sinh tiếp đứa con gái thứ 2 đặt tên là Bùi Thị Hường. Thấp thỏm, lo âu, chờ đợi, may sao con gái của bà lành lặn và khỏe mạnh. Tới năm 1979, con trai Bùi Công Sơn chào đời và rồi 3 năm sau, bà Liên lại sinh hạ được cô con gái tên Bùi Thị Thủy. Cả Sơn và Thủy sinh ra cũng bình thường nhưng đến khoảng 3 tuổi, cả hai sức khỏe cứ yếu dần, miệng méo xệch. Sơn thì thường xuyên kêu đau bụng, đến 9 tuổi mới biết đi trên đôi chân của mình. Mãi sau này đi xét nghiệm, ông Mỹ mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Lúc ấy, vợ chồng bà Liên càng thêm sầu đau, tủi hờn. Từ khi hai đứa con mình mang nặng đẻ đau có cơ thể không bình thường, bao đêm liền bà Liên chỉ biết khóc thầm.

Với hy vọng có được thêm những đứa con lành lặn để có thể làm chỗ dựa về sau, vợ chồng bà Liên lần lượt sinh thêm được một cô con gái tên Bùi Thị Lợi và một con trai út tên Bùi Công Lực. Cả Lợi và Lực sinh ra đều lành lặn, bình thường nhưng so với bạn bè cùng trang lứa, những người con của bà Liên vẫn yếu ớt, bệnh tật triền miên. Đau đớn hơn, người con trai út Bùi Công Lực khi lên 3 tuổi cũng theo người chị cả chỉ sau một cơn đau bụng. Đau đớn tột cùng, cả hai vợ chồng bà Liên đều ngất xỉu ngay bên giường bệnh của con. Hiện giờ, tuy hai cô con gái tên Hường và Lợi của vợ chồng bà Liên đã có gia đình, nhưng sức khỏe yếu lại hay phải đi viện nên chỉ làm được những việc vặt trong nhà.

Đang ở cùng với vợ chồng bà Liên có con trai Bùi Công Sơn, tuy đã 34 tuổi nhưng chẳng có khôn. Thấy khách đến, bà phải gọi con về dỗ ngon, dỗ ngọt cho kẹo như đứa trẻ lên ba. Bất kể nắng cháy hay mưa gió, Sơn vẫn cứ lang thang ngoài đường, hễ thấy nhà nào có rác đầu ngõ là Sơn đến dọn và mang đi đổ. Dân làng thương tình nên khi có quà bánh thường mang cho chàng trai ngớ ngẩn mà làm được việc có ích. Thủy tuy khá hơn anh trai mình nhưng tính tình cũng dở dở, ương ương, nhiều lúc lên cơn thường đập phá đồ đạc, ngồi cười một mình...

Suốt hơn 20 năm qua, nỗi đau trong bà Liên vẫn còn mãi. Không biết chia sẻ nỗi lòng cùng ai, bà chỉ biết viết những dòng tâm sự bằng thơ qua từng trang giấy trắng. Trong số hơn 50 bài thơ mà bà Liên đã viết, có những bài được bà thốt ra với tất cả sự trải nghiệm đau đớn, bất hạnh của bản thân và gia đình mình: “Thương những ai nằm trong trận tuyến/ Đã ngấm rồi chất độc da cam/ Cơ thể đớn đau, thân xác bàng hoàng/ Sinh con cái trăm đường cực khổ/ Đàn con tôi - đó là chứng cớ/ Về nỗi đau muôn thuở không phai”.

Hiện giờ, bà Liên chỉ mong muốn là được nhà nước cấp cho bà chế độ người chăm sóc thân nhân bị chất độc da cam. Xa hơn, vợ chồng bà chỉ có một tâm nguyện là khi cả hai khuất bóng, nhà nước có thể đưa Sơn và Thủy vào trại điều dưỡng người tàn tật, nhiễm chất độc da cam…

Ngồi trò chuyện, có những lúc bà Liên nghẹn ngào: “Từ khi sinh những đứa con có lớn mà chẳng có khôn, tui như đóa hoa rừng sinh quả lép vậy. Trời không thương thì còn sống ngày nào vợ chồng tui sẽ gắng gượng để nuôi con ngày đó thôi”.

Thạch Quỳnh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-me-lam-tho-de-vuot-noi-dau-da-cam-20161014075722266.htm