Người mẹ kế và câu chuyện “bánh đúc có… xương”

Dân gian có câu: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng". Thế nhưng, ở phường Cẩm Phô, TP Hội An (Quảng Nam) ai cũng biết chuyện bà Trần Thị Hoa hy sinh thời xuân sắc, một đời làm lụng vất vả để nuôi dưỡng mẹ chồng; rồi chăm lo cho con chồng khôn lớn, học hành đỗ đạt thành tài.

Công lao dưỡng dục sánh tựa biển trời, không ngờ một người con chồng lại sa chân lầm lỗi. Nhưng dù người con chồng có bất nghĩa, người mẹ kế vẫn sẵn lòng tha thứ. Bà Hoa đã bán mảnh đất vườn tậu được bằng công sức làm lụng chắt bóp dành dụm mà có được, để giúp cho con chồng trả nợ...

Lấy chồng một đêm, chờ đợi một đời…

Ngôi nhà nhỏ của bà Hoa nằm sâu trong một con hẻm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Hội An. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi khi đặt chân vào nhà là một cụ bà tóc bạc trắng như mây đang giặt khăn ấm lau rửa cho ông cụ đôi mắt đã mù. Cụ bà ấy không ai khác là bà Hoa tuổi đã 83, còn ông cụ tên là Phạm Văn Hoa, năm nay tuổi cũng tròm trèm 87, là chồng bà Hoa...

Lát sau, tắm rửa cho chồng xong xuôi, bà Hoa bước ra cái bàn kê ở thềm hiên tiếp khách. Tôi mở đầu câu chuyện, thắc mắc có phải do ông trời cố tình sắp đặt mà hai vợ chồng chỉ có một cái tên "Hoa". Cụ bà cười rung cả mái đầu tóc bạc. Ông lão cũng cười móm mém. Rồi bỗng nhiên cụ bà rơm rớm nước mắt giải thích: "Không phải vậy đâu chú ơi! Tui tên thật là An. Trần Thị An chứ không phải Trần Thị Hoa. Có điều này... Hồi đó, tui đang tuổi 18, ngày khoác áo vu quy tui chỉ ở với ổng (ông Hoa) được vỏn vẹn một đêm, rồi ổng trở lại đơn vị chiến đấu và đi tập kết ra Bắc. Tui ở lại quê nhà, thay ổng nuôi dưỡng cha mẹ già và hoạt động cách mạng trong lòng địch. Vì nhớ thương ổng nên tui đổi tên là Hoa".

Thì ra là vậy! Và, cũng có thể việc đổi tên mình thành tên chồng đó là một sự chứng minh cho lòng thủy chung son sắt, đã vận vào cuộc đời của bà Hoa, để rồi bà không chỉ thầm lặng hy sinh cả tuổi thanh xuân cho một cuộc tình duyên dang dở tự thuở tóc xanh đến lúc đầu bạc, răng long. Dù rằng, cuộc tình duyên đó bà chỉ sống với người chồng qua một đêm ân ái. Dù rằng, ngày đất nước ca khúc khải hoàn người chồng trở về thì đáp lại sự chờ đợi mỏi mòn của người vợ "một đêm", ông dẫn theo một người vợ khác và những đứa con thơ dại...

Hạnh phúc cuối đời của người mẹ kế nhân hậu.

Đôi mắt không còn long lanh, sắc sảo như thuở xuân thì, song kể lại cho tôi nghe câu chuyên tình duyên dang dở của mình, tôi để ý vẫn thấy bà Hoa len lén đưa mắt nhìn chồng. Giờ đây, với tuổi xế chiều, thay cho hình ảnh một chàng trai tuấn tú, khỏe mạnh, ông Hoa là một cụ già lọm thọm với đôi mắt mù lòa. Nhưng, câu chuyện tình duyên đầy trắc trở, trớ trêu ấy, thỉnh thoảng cũng được ông chen vào kể với chất giọng khàn đục. Những thước phim dĩ vãng về một mối tình duyên thời xuân sắc như chầm chậm hiện về từ trong ký ức sâu thẳm của hai người...

Quê bà ở Phú Chiêm, một làng quê nổi tiếng với món mì Quảng (nay là xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam). Còn ông ở Cẩm Kim, Hội An. Năm chưa tròn tuổi 20, ông Hoa tham gia cách mạng đánh Pháp. Lúc bấy giờ bà Hoa cũng là cơ sở cách mạng, làm giao liên. Hai người gặp nhau thầm thương, trộm nhớ, rồi đôi bên gia đình hứa hôn, đến lúc bà Hoa 18 tuổi thì làm lễ cưới. Đám cưới trong chiến tranh cũng rình rang không kém. Ngày cưới, phía nhà trai và nhà gái được cả hai đội dân quân vũ trang cách mạng của hai xã Cẩm Kim và Điện Phương bố trí canh gác dọc các thôn, xóm ven sông Thu Bồn từ Cửa Đại lên đến Câu Lâu, vào tận sông Bà Rén, đề phòng giặc Pháp kéo quân đi càn.

"Lúc đó hai đội vũ trang giao ước, hễ phát hiện giặc Pháp kéo quân ra khỏi đồn Câu Lâu là đánh mõ tre chuyền tin báo hiệu để đàng gái, đàng trai mau mau dọn dẹp đồ đạc chạy giặc. Cũng may hôm đó giặc Pháp không càn, đám cưới diễn ra suôn sẻ. Nhưng, tui chỉ gặp được mặt ổng trong đêm tân hôn…". Đôi mắt đã mờ vì tuổi cao của bà Hoa rưng rưng ngấn lệ. Ông Hoa ôm ngực ho khù khụ, chậm rãi từng lời: "Thì biết làm sao được bà. Hồi đó tui chỉ được phép đơn vị một ngày về tổ chức lễ cưới, xong phải quay về đơn vị tiếp tục chiến đấu…".

Ông Hoa kể rằng, chiến tranh bom đạn ngút trời, đơn vị ông đã chiến đấu ngang dọc suốt cả chiến trường Khu V rộng lớn nên ông không có được một ngày phép để quay lại quê nhà thăm vợ. Đến năm 1954, đơn vị ông tập kết ra Bắc. Cho đến những năm đầu thập niên 70, khi chiến trường miền Nam đến hồi ác liệt nhất thì ông nhận được tin bà Hoa đã hy sinh trong một trận càn của giặc. Đau đớn khôn nguôi, nhưng rồi nỗi đau đó cũng dần nguôi đi khi đơn vị bộ đội của ông chuyển về đóng quân ở Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, ông gặp được bà Phạm Thị Kim Ngân, đôi bên tâm đầu ý hợp.

Biết được tình cảm sâu nặng của ông và bà Ngân, đơn vị đứng ra tổ chức lễ cưới cho họ. Ngờ đâu, ngày đất nước thống nhất trở lại quê nhà, ông mới biết bà Hoa còn sống và một lòng son sắt thủy chung chờ đợi… Giọng ông Hoa nghẹn lại, nước mắt dâng trào. Bà Hoa vội vàng lấy khăn lau nước mắt cho mình, cho chồng, rồi nhỏ nhẹ dỗ dành, an ủi: "Thôi ông ơi… Nhắc lại chuyện xưa làm chi nữa, tui với ông bây giờ cũng đã sống bên nhau rồi còn gì...".

Công an khu vực phường Cẩm Phô thường xuyên thăm hỏi sức khỏe vợ chồng bà Hoa.

Mẹ kế nuôi con chồng

Ngày đất nước thống nhất, thấy nhiều người tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc trở về, bà Hoa lúc ấy đang ở với người em ruột trên Tây Nguyên vội vàng trở lại quê hương và dùng số tiền lao động dành dụm bao nhiêu năm qua tìm mua ngôi nhà ở phố Hội. Sau đó, bà lặn lội kiếm tìm người mẹ già của chồng thất lạc trong chiến tranh đưa về phụng dưỡng, chờ mong ngày gặp lại chồng. Nào hay, ông Hoa trở về nhưng đã có vợ khác…

Duyên phận trớ trêu, hai người gặp lại nhau trong nước mắt rồi chia tay. Bà Hoa ở lại Hội An vò võ một mình, nuôi mẹ ông Hoa, để ông quay ra Nghệ An sống với tổ ấm gia đình. Vài năm sau, biết được câu chuyện tình dang dở của bà Hoa, bà Ngân lúc này đang công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An cũng thư từ thăm hỏi, chia sẻ, động viên…

Thời gian lặng lẽ trôi. Đến đầu năm 1983, bất ngờ bà Hoa nghe ông Hoa điện thoại từ Nghệ An vào cho hay, bà Ngân đang bị bệnh hiểm nghèo phải nằm bệnh viện điều trị, 3 đứa con dại không ai chăm sóc. Cầm lòng không đặng, bà Hoa tìm người giúp mình chăm sóc mẹ ông Hoa rồi tức tốc đón xe đò ra Nghệ An phụ ông Hoa nuôi bà Ngân ở bệnh viện và thay bà Ngân chăm sóc các con.

Giọng khàn đục của ông Hoa chùng hẳn xuống: "Chừng vài tháng sau thì căn bệnh ung thư đã cướp mất sinh mạng vợ tui. Lúc ấy cháu lớn của tui mới được 11 tuổi, cháu thứ hai được 8 tuổi, còn thằng út mới 6 tuổi". Nói đến đó, ông Hoa thở dốc. Bà Hoa vừa vuốt ngực ông, buồn bã tiếp lời: "Lúc nuôi chị Ngân ở bệnh viện, biết mình không còn sống được nữa, chị ấy đã bảo tui cố gắng nối lại tình duyên với ông Hoa để giúp chị chăm sóc những đứa con còn thơ dại của mình. Tui đã hứa với chị Ngân nên dù các cháu không phải tui dứt ruột sinh ra nhưng tui vẫn xem như con ruột của mình…".

Bà Ngân chết để lại 3 đứa con thơ dại. Đất khách quê người, ông Hoa đành mang di ảnh vợ, dẫn các con theo bà Hoa về Hội An sinh sống. Trong ngôi nhà nhỏ của bà Hoa đặt thêm chiếc bàn thờ bà Ngân khói hương nghi ngút, kê thêm chiếc gường cho những đứa trẻ mất mẹ có chỗ nằm. Ngày đó, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà 6 miệng ăn, trong đó có 3 đứa trẻ và một người già, đau ốm quanh năm, bà Hoa cùng chồng phải quần quật làm việc. Đồng lương hưu ít ỏi của ông chẳng thấm vào đâu, bữa ăn của hai người chỉ toàn khoai, sắn, còn dành cơm nuôi mẹ già và các con. Ngoài công việc trồng rau, dệt chiếu, bà Hoa còn chăn nuôi heo, gà để dành tiền lo cho các con ăn học.

Nhiều người thấy vậy mới hỏi bà, sao phải chịu khổ cực như thế để làm gì, trong khi các cháu nhỏ đâu phải con ruột của mình? Bà Hoa đều cười trả lời rằng: "Ông bà mình dạy: "Sinh dưỡng đạo đồng", các cháu đều mất mẹ sớm nên rất cần tình thương yêu của người mẹ, tui không thể để các cháu chịu thiệt thòi. Chắc chắn lớn lên các cháu sẽ thấu hiểu lòng tui…".

Cuối cùng thì 3 đứa con của ông Hoa cũng lớn lên, học hành đỗ đạt, công thành danh toại. Đứa con trai đầu thi đậu Đại học Bách khoa, rồi trở thành thạc sĩ, giảng viên của Đại học Đà Nẵng, hiện đang đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài; đứa thứ hai cũng học hết lớp 12 mới có chồng ở Đà Nẵng, buôn bán làm ăn cũng khấm khá. Còn con út, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc ra trường công tác ở Đà Nẵng, có vợ con, nhà cửa đề huề. Gia đình bà Hoa được chính quyền địa phương, hàng xóm, láng giềng ngợi khen là "Gia đình văn hóa kiểu mẫu". Thế nhưng, ở đời mấy ai đoán được chữ ngờ…

Theo lời ông Hoa, từ năm 2005 ông đã ngã bệnh, bà Hoa đưa đi chạy chữa khắp các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Một năm sau, bệnh ngày càng trầm trọng, ông bị mù cả hai mắt, ốm nằm liệt giường, mê man không biết gì cả (bác sĩ bảo ông Hoa bị liệt dây thần kinh số 9 và 10). Có lúc các anh em, đồng chí trong chi bộ, chính quyền phường Cẩm Phô đã nghĩ đến chuyện lo áo quan, huyệt mộ, vòng hoa… để đưa tiễn ông về cõi vĩnh hằng. Nhưng, nhờ con trai đầu đưa ông đi Bệnh viện Đà Nẵng chữa trị, cùng với sự săn sóc tận tình của bà Hoa, bệnh tình ông dần thuyên giảm. Sức khỏe dần bình phục, ông được về nhà, song đôi mắt không thể sáng lại được, đôi chân thì teo dần.

Ông nằm một chỗ, các con ông ở Đà Nẵng thỉnh thoảng mới về thăm, còn mọi chuyện cơm cháo, vệ sinh cá nhân của ông đều phó thác một tay bà chăm sóc. Song, một nỗi đau vô cùng, vô tận đã ập xuống số phận người đàn bà chung thủy…

Một buổi tối nhập nhoạng cuối tháng 9/2006, đứa con út về nhà cùng một người bạn bảo bà Hoa cho mượn sổ nghiệp chủ nhà, đất để mình mang ra Đà Nẵng thế chấp ngân hàng vay tiền lấy vốn làm ăn. Bà Hoa lo ngại hỏi, vay tiền ngân hàng bao giờ mới lấy lại được sổ nghiệp chủ thì nó hứa: "Nếu ba, mẹ cần gấp thì con sẽ sang lại tiệm Internet cho người khác, trả tiền ngân hàng đem sổ về". Từng chăm sóc đứa con út của chồng lúc còn nhỏ nên bà Hoa đâu tiếc gì, bèn mở tủ lấy sổ nghiệp chủ nhà, đất đưa ra. Nó lại đưa cho bà Hoa một tờ giấy bảo là giấy vay tiền chỉ chỗ cho bà ký vào, ông Hoa ốm nặng ký không được thì nó cầm tay chấm mực điểm chỉ.

Song, tới giữa năm 2008, bất ngờ có một số người lạ tới dòm ngó nhà, bà Hoa hỏi thì họ bảo anh con út gọi bán. Hoảng hồn bà gọi con về thì nó điềm nhiên bảo, đã thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng vay 200 triệu đồng làm ăn thua lỗ, đến nay lãi suất lên đến đã gần 300 triệu đồng... Khuôn mặt già nua của bà Hoa chùng xuống. Bà nói với tôi: "Lúc đó tui lo nó bán nhà thì chắc tui và ba nó ra ở hè phố. May mà cấp ủy và chính quyền địa phương kịp thời can thiệp. Tui không muốn mẹ con dắt nhau ra chốn pháp đình, song rồi cái thế nó bắt buộc mình phải đi. Trước tòa tui nói chuyện phải quấy cho đứa con lầm lỡ và đồng ý cắt hơn 100m 2 đất vườn để nó bán trả nợ và giữ lại ngôi nhà cho tui và ba nó ở. Tui muốn đứa con lầm lỡ tỉnh giấc u mê, làm người tử tế. Tui cũng không muốn mẹ nó ở dưới suối vàng phải buồn lòng...". Bà Hoa đứng dậy bước tới bàn thờ bà Ngân thắp nén nhang trầm. Khói hương trầm nghi ngút quyện vào mái đầu tóc bạc trắng như mây...

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2012/3/77723.cand