Người lớn chưa nghiêm, con trẻ chưa sợ

Năm học 2016-2017 diễn ra chưa được hai tháng, song dư luận đã không khỏi lo lắng khi trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các video clip học sinh (HS) đánh nhau. Nhân vật chính trong các clip không chỉ là HS nam, mà còn có cả nữ với những hành vi ngày càng vô cảm.

Nhìn nhận lại thực trạng bạo lực học đường thời gian qua, không ít ý kiến quan ngại rằng, nguyên nhân căn bản, gốc rễ là do người lớn chưa nghiêm khắc, khiến cho con trẻ chưa ý thức rõ được hành vi mà chúng gây ra, nên việc đánh nhau vẫn tái diễn.

Học sinh Trường Đinh Thiện Lý, phường Tân Phong, quận 7 (TP Hồ Chí Minh) tham dự chuyên đề “Phòng chống bắt nạt học đường”.

“Ba nhà” còn lỏng lẻo

Thông tin mới nhất vào ngày 13-10-2016, ban giám hiệu một trường THPT tại Huế đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo toàn trường đối với nữ sinh lớp 10 do đánh một bạn nữ khác. Cũng trong những ngày đầu tháng 10, cư dân mạng một phen “dậy sóng” khi chứng kiến một clip quay lại cảnh một nhóm gần chục HS nữ (được xác định là HS một trường THCS tại Nghệ An) chặn đường, ép hai HS nữ khác ra chỗ vắng người để đánh. Đáng nói, đây là lần thứ 4 nhóm HS nữ đánh các nạn nhân này. Điểm chung dễ thấy là càng ngày, các vụ việc HS đánh nhau càng mang tính bạo lực, thể hiện ở các hành vi hung hăng, vô cảm và được chia sẻ ngày càng nhiều trên mạng xã hội.

Cơ quan quản lý ngành, chính quyền và gia đình đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn, song dường như chỉ hiệu quả ở tính thời điểm, trên thực tế, bạo lực học đường vẫn tái diễn. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa giải quyết được tình trạng này là do công tác quản lý của nhà trường, gia đình và xã hội chưa nghiêm. Sự phối hợp của “ba nhà” còn lỏng lẻo, các biện pháp xử lý thiếu quyết liệt, chưa đủ nghiêm khắc nên con trẻ còn nhờn, chưa ý thức được rõ trách nhiệm và hậu quả của hành vi mình gây ra.

Qua chuyện con trẻ đánh nhau, dư luận thường lên án nhà trường chỉ quan tâm dạy chữ, không chú ý dạy người. Nhưng ít người biết rằng, đã từ rất lâu, thời lượng môn giáo dục công dân - môn học chính thống, cốt lõi trong giáo dục HS vẫn chỉ là 1 tiết/tuần cho tất cả các cấp học. Ở cấp THPT - cấp học ở lứa tuổi HS “ương ương dở dở” nhất, tỷ lệ môn học này là 3,6% trong tổng số các môn học của cấp học. Còn nữa, quỹ thời gian dạy kỹ năng sống để giải quyết những vấn đề “dạy người” của riêng mỗi nhà trường gần như không có, mà chỉ có thể lồng ghép, biên chế nhân lực và tài chính dành cho cán bộ tư vấn tâm lý học đường nhiều năm nay vẫn mang tính tự phát. Nơi nào hiệu trưởng quan tâm thì nơi đó có nguồn, có người làm riêng lĩnh vực này dài hơi, còn hầu hết chỉ mang tính “cắt ngọn” khi có sự việc xảy ra.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Để giải quyết cơ bản tình trạng bạo lực học đường, Ngành Giáo dục sẽ quan tâm hơn tới việc lấy xây để chống. Cụ thể, trong năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường đặc biệt quan tâm nội dung xây dựng môi trường văn hóa học đường, trong đó có việc ban hành và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nhằm tăng hiệu quả giáo dục đạo đức cho HS, góp phần tích cực vào việc hình thành nhân cách HS.

Tại hội thảo mới đây về thực trạng giáo dục đạo đức do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, các cán bộ quản lý, giáo viên đều đồng thuận với ý kiến của cô giáo Phan Thị Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính khi cho rằng, con trẻ còn nhiều khiếm khuyết, thiếu ý thức có nguyên nhân chính từ sự buông lỏng trong giáo dục, quản lý con cái của bố mẹ. Các em dễ bị tác động bởi những tiêu cực ngoài xã hội, bắt đầu từ chơi games, hút thuốc, lập bè nhóm, rồi đến gây gổ, đánh nhau…

Cần để học sinh tự chịu trách nhiệm

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Việc nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường cần thận trọng và khách quan. Từ những vụ việc xảy ra thời gian qua, có thể thấy các lực lượng khi tìm nguyên nhân để giải quyết triệt để tình trạng này đã chỉ ra nhiều thiếu sót của cả “ba nhà”, nhưng lại quên mất đối tượng cần giáo dục chính là những HS gây chuyện. Đây là điều mà từ trước tới nay ít được đề cập và nhìn nhận một cách đầy đủ. Rõ ràng, trong các sự việc xảy ra, HS vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân, nhưng nhiều khi, nhiều nơi, chúng chưa bị xử phạt đến nơi, đến chốn. Đã đến lúc chúng ta phải để các em tự chịu trách nhiệm về hành vi của chúng. Điều quan trọng là để các em tự giáo dục, tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân.

Hầu hết phụ huynh có con đang ở độ tuổi "dở dở, ương ương" khi được hỏi đều cho rằng, việc tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của con là cần thiết. Chị Nguyễn Kim Ngân, phụ huynh HS Trường THPT Thạch Bàn cho rằng: Chúng ta đã nuôi dạy con chưa đúng, nhiều khi nuông chiều con thái quá. Chúng đua xe bị giữ, bố mẹ đến cam kết chuộc về; chúng tụ tập, gây thương tích cho người khác, bố mẹ lại đến xin lỗi, đền bù… Rõ ràng là chúng chẳng phải chịu trách nhiệm gì về hành vi của chúng, hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức, để cho có chứ ít mang tính giáo dục, răn đe. Đã đến lúc người lớn chúng ta phải dứt khoát, quyết liệt để đưa chúng vào khuôn phép.

Việc đi tìm liều thuốc đặc trị cho căn bệnh nan y bạo lực học đường một lần nữa khiến các cấp quản lý, người lớn đau đầu. Giải pháp cụ thể ra sao chưa rõ, nhưng đã đến lúc không thể nới tay, nới lỏng với các hành vi bạo lực của HS, nếu không thì bạo lực học đường vẫn là câu chuyện tái diễn “biết rồi, khổ lắm…”.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/852386/nguoi-lon-chua-nghiem-con-tre-chua-so