Người lính suốt đời kể chuyện và làm theo tấm gương Bác Hồ

“Trước đó, chúng tôi chỉ được ngắm Bác Hồ qua ảnh. Đến khi được gặp, trò chuyện và ngắm nhìn Bác ngoài đời, anh em chúng tôi vô cùng xúc động, người thì cười, người thì khóc vì quá hạnh phúc”, ông Hải nhớ lại.

Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017), chúng tôi tìm về nhà ông Vũ Thanh Hải (SN 1935, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) để nghe lại câu chuyện đầy cảm xúc của ông cùng đơn vị khi lần đầu tiên được gặp và trò chuyện với Bác Hồ.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi

Lấy trong tủ ra chiếc áo “trấn thủ” được gắn nhiều huân huy chương, ông Hải bảo: Đây là những di vật thời chiến tranh mà tôi vẫn còn lưu giữ được cho đến tận bây giờ. Nó là món quà kỷ niệm vô giá của tôi về một thời chiến tranh tàn khốc.

Ông Hải mặc chiếc áo “trấn thủ” được gắn nhiều huân huy chương

Năm 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tạm gác việc nhà, rời xa quê hương lên đường nhập ngũ tại đơn vị C1D1E1 174 đại đoàn 316. Mặc dù vào đơn vị được mấy năm, nhưng ông chưa một lần được gặp Bác Hồ.

Đến trưa ngày 30/1/1955, khi cả đơn vị đang ăn cơm thì nhận được thông báo đoàn văn công của Đại đoàn 316 và đoàn văn công của quân tình nguyện Pathet Lào chuẩn bị đi biểu diễn để đón Bác Hồ về Thủ đô tham dự Đại hội văn công toàn quốc.

Nhận được thông báo, cả đơn vị vui mừng. Chiều cùng ngày, đoàn văn công của đơn vị được trở đến Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi đến tới nơi, ông cùng đơn vị chuẩn bị đồ đạc, trang phục. Và, vở kịch “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” được đơn vị chọn để biểu diễn cho đêm hôm đó.

“Đang ăn cơm trưa thì đơn vị nhận được thông báo là chuẩn bị một tiết mục văn nghệ để đón Bác Hồ. Nghe tin này, anh em chúng tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi vì sắp được gặp Bác”, ông Hải cho biết.

Lúc đó, ông Hải vinh dự được chọn vào vai Bế Văn Đàn còn đồng chí Long đóng vai Chu Văn Pù làm xạ thủ chính. Ông Hải vẫn còn nhớ như in cái đêm hôm đó, trước khi chuẩn bị biểu diễn vở kịch thì đoàn văn công có nhìn thấy ở hàng ghế thứ 3 có một cụ ông ngồi ghế nhung, vẻ ung dung, thư thái, mắt hướng lên sân khấu. “Thấy anh em trong đơn vị nói với nhau đó là Bác Hồ, tôi cũng ló mặt ra cánh gà để được nhìn thấy Bác”, ông Hải vui mừng.

Ông Hải kể tiếp: “Dường như thấy niềm mong muốn được gặp Bác của chúng tôi từ sau cánh gà, Bác cười và cho đồng chí bảo vệ vào dặn: Các cô, các chú cứ biểu diễn cho tốt đi, chốc nữa Bác vào thăm, đừng ló mặt ra thế, khán giả người ta cười, thế là tất cả anh em trong đội văn nghệ không ai dám ló mặt ra nữa.

Trong lúc biểu diễn, mắt chúng tôi vẫn hướng về Bác và khán giả, Bác xúc động lấy khăn tay lau vội những giọt nước mắt vì thương anh em bộ đội.

Sau khi biểu diễn xong, đồng chí bảo vệ chạy vào trước và nói: Sức khỏe Bác hơi yếu, các cô, các chú không được ôm Bác, để Bác tự đi. Cảm giác của tất cả anh em lúc đó rất bồi hồi, xúc động, người thì cười, người thì khóc, vì chưa bao giờ được trò chuyện cùng Bác”.

Theo lời ông Hải, lúc vào thăm đơn vị, ngoài Bác Hồ còn có đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi cả 4 người cùng vào, đơn vị hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm” và Bác giơ tay vẫy chào tất cả mọi người.

Ông Hải nói thêm: Vừa bước vào trong khán đài, Bác vỗ vai tôi và hỏi: Cháu mặc thế này có lạnh không? Tôi đáp: Dạ, thưa Bác chúng cháu không lạnh ạ! Rồi Bác nói tiếp: Bác biết các cháu lạnh đấy, nhưng do các cháu phải nhường áo bông cho bộ đội tập kết, cho nên các cháu chưa có áo ấm!…

Nói chuyện được khoảng 15 phút, Bác quay sang hỏi đồng chí Phạm Văn Đồng: Đã có gì cho các cô, các chú chưa? Đồng chí Phạm Văn Đồng đáp lại: “Dạ, có rồi, mỗi anh em một chiếc bánh mì ba tê ạ”.

“Khi nghe xong câu: “Cháu mặc thế này có lạnh không?”, tôi cũng đủ hiểu Bác rất quan tâm đến anh em chúng tôi. Chỉ cần một câu nói đó, cũng làm cho chúng tôi ấm lòng giữa thời tiết lạnh buốt”, ông Hải xúc động.

Trước khi chia tay đoàn văn công, Bác còn căn dặn: Ở đây, trai có, gái có, người lớn có, trẻ có, các cô, các chú phải đoàn kết, thương yêu nhau, để xứng đáng làm những người nghệ nhân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chia tay Bác trong những giọt nước mắt, chúng tôi luôn ghi nhớ những lời căn dặn của Bác để thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao và đây cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Bác.

Luôn căn dặn con cháu

Khi hòa bình lập lại, trở về địa phương, mặc dù đến nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Hải rất minh mẫn và tích cực tham gia các hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do các cấp chính quyền tổ chức.

Ngoài ra, ông còn được các trường học ở trong địa bàn huyện địa mời xuống trường nhân ngày Khai giảng để kể lại câu chuyện lần đầu tiên được gặp Bác Hồ cho các em học sinh nghe.

Giấy khen hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Theo lời ông Hải, ông sinh được 4 người con (3 nam, 1 nữ), trong đó cả 3 người con trai đều đang công tác trong ngành quân đội. Ông luôn căn dặn con cháu, phải luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải biết tiết kiệm, anh em trong gia đình phải đoàn kết, yêu thương nhau.

“Chính những lời dạy và tấm gương đạo đức của Bác đã soi đường, chỉ lối cho dân tộc Việt Nam. Ngày nay, chúng ta phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn”, ông Hải giãi bày.

Trước khi chia tay ra về, ông Hải còn hát tặng cho chúng tôi nghe một bài hát mang tên “Biết ơn Bác Hồ” và đọc một đoạn thơ:

Ngày 19 tháng 5

Ngày toàn quốc kính nhớ Cha già

Người đã dựng lại nước Nam

Ngày 19 ra đời một người Cha anh dũng

Bao phen thực dân phải kính nể Người

Ngày 19 tháng 5

Ngày toàn quốc hô vang muôn năm chúc mừng Hồ Chí Minh

Ngày 19 tháng 5

Sức sống khắp nơi tràn tới khắp muôn người!

Với ông, còn sống sót trở về là một may mắn và suốt thời gian chiến đấu gian khổ ấy cho đến bây giờ, kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác vẫn in đậm trong tâm trí, mãi mãi ông không bao giờ quên.

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguoi-linh-suot-doi-ke-chuyen-va-lam-theo-tam-guong-bac-ho-post194128.html