Người lính cụ Hồ làm giàu trên quê hương Chương Mỹ

Chiến tranh kết thúc, người lính ấy trở về quê hương với chiếc ba lô chỉ có hai bộ quần áo đã sờn. Nhưng ông Đặng Văn Chiến đã cùng gia đình xây dựng kinh tế vươn lên làm giàu từ chính đôi bàn tay và ý chí kiên cường của người lính cụ Hồ năm xưa.

Cẩn trọng từ khâu đầu tiên

Người lính ấy là Đặng Văn Chiến ở thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Cơn mưa mùa hè bất chợt đầu tháng 7 cũng là lúc ông có chút thời gian thư thả chia sẻ về công việc làm trang trại của mình. “Tôi nhập ngũ năm 1971 vào chiến trường Quảng Trị. Sau khi giải phóng miền Nam, tháng 12/1976 chúng tôi được lệnh sang Lào và tháng 10/1977 phục viên về địa phương bị thương tật suy giảm khả năng lao động từ 41 – 60% do nhiễm chất độc hóa học. Trở về lập thân lập nghiệp, trong lúc đất nước vừa trải qua chiến tranh, gia đình lại đông người, nên cuộc sống hết sức khó khăn” - Người lính đã 56 tuổi sang sảng kể át tiếng mưa lớn rơi lộp bộp trên mái tôn.

Trang trại chăn nuôi nhà ông Chiến luôn có 1.200 con lợn.

Thế rồi, khi cả nước thực hiện “khoán 10”, đất nông nghiệp được giao về tay người lao động cũng là mốc thời gian ghi dấu thay đổi cách làm ăn của gia đình ông Chiến. Năm 1984, ông bàn với vợ con tập trung vay mượn tiền để phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trang trại nhỏ. Để có chỗ trồng mía lấy mật và chăn nuôi, ông mạnh dạn đấu thầu đất 5% công điền của xã Lam Điền và thuê đất của các hộ gia đình không có khả năng cấy lúa. Để có kiến thức làm trang trại, ông học hỏi từ người đi trước ở các nơi hay những người làm kinh tế tiêu biểu của địa phương. Xác định đã làm là phải thành công, nên ông cẩn trọng từ việc lựa chọn cây giống. Ông kể: Với diện tích chỉ 1,3ha, gia đình chọn trồng mía và đu đủ. Để đảm bảo quả đu đủ ngon và ngọt, ông ra tận Viện Nghiên cứu cây ăn quả ký hợp đồng cung cấp cây giống chuẩn. Khi đó giá bán 1 cây đu đủ giống ở bên ngoài 200 đồng, nhưng ông phải mua tới 4.000 đồng/cây 2 lá mầm. Ông mua 1.000 cây mang cây về nhà úm tiếp, chi phí đội lên thành 13.000 đồng/cây rồi mới bắt đầu trồng. 3 tháng sau, 1.000 cây đu đủ bắt đầu ra quả, cho doanh thu từ 100 – 150 ngàn đồng/cây. Năm đầu tiên, người ta phát động phong trào “50 triệu đồng/ha”, nhưng 1 mẫu đất trồng trái cây của ông đã thu được hơn 100 triệu đồng.

"Giải cứu lợn" vẫn có doanh thu

Khi công việc làm ăn phát triển theo chiều hướng tốt, năm 1990, ông tiếp tục thuê đất của các hộ gia đình nông dân trong xã để mở rộng mô hình trang trại và đầu tư chăn nuôi theo mô hình liên doanh liên kết với nước ngoài. Mô hình đảm bảo nguồn tiêu thụ sản phẩm cũng như con giống và thực hiện đúng các quy định để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn. Ngỏ ý vào tham quan khu chăn nuôi lợn, ông Chiến đồng ý nhưng trước khi vào chúng tôi phải khử trùng. Quả là ngay ở lối vào khu nuôi lợn, ông đóng một tấm biển ghi rõ Nội quy phòng sát trùng mà ai cũng phải thực hiện đúng. Điều này cho thấy, ông đang thực hiện cách làm ăn chuyên nghiệp để đảm bảo uy tín với đối tác. Nhờ vậy mà đến nay, gia đình ông Chiến có 3 trang trại lợn lúc nào trong hệ thống chuồng cũng có 1.200 con; 3 trại gà 21.000 con và 1.000 cây bưởi Diễn, trong đó khoảng 50% số cây đã cho thu hoạch được 15 năm, số còn lại là 5 năm.

Thời gian qua là giai đoạn khó khăn của những người chăn nuôi lợn trong cả nước, nhưng mô hình liên doanh liên kết của ông với DN vẫn được đảm bảo đầu ra giúp cho việc làm trang trại phát triển ổn định và có lãi. “Khi liên doanh liên kết với DN, họ sẽ bao tiêu sản phẩm của mình cũng như cung cấp con giống. Tất nhiên, trong lúc khó khăn chung của nền kinh tế, mình cũng phải chia sẻ với công ty. Và lúc nào cũng vậy, hai bên phải luôn tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi” – ông Chiến chia sẻ.

Khi nói về doanh thu từ mô hình làm trang trại, ông Chiến tạm tính, với 1.200 con lợn thương phẩm và 7.000 con gà hậu bị cho tổng thu nhập từ 700 – 800 triệu đồng. Với mô hình trang trại quả, chỉ tính 400 gốc bưởi Diễn cho sản lượng 10.000 quả/năm, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Mô hình làm trang trại đã giúp gia đình ông Chiến có của ăn của để. Quan trọng hơn, từ mô hình này, 3 người con của ông đều trưởng thành. Người con con trai đầu làm giám đốc một công ty TNHH chuyên về lắp ráp, cho thuê, mua bán máy cẩu tháp, vận thăng xây dựng, hàng năm cho thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng. Người con trai thứ hai đang cùng với ông hoạt động trang trại chăn nuôi lợn, gà tại địa phương.

Mô hình trang trại của gia đình Chiến còn tạo việc làm cho người dân trong xã. Hiện nay, ông luôn thuê từ 8 – 10 người làm các công việc chăn nuôi lợn, gà, chăm sóc cây ở trang trại với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy truyền thống

Với cách sống vì cộng đồng nên các công trình phúc lợi của xóm, xã hay các hoạt động lễ hội truyền thống, ông Chiến đều tích cực công ích cho địa phương. Năm nào gia đình ông cũng đi đầu trong các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Quỹ khuyến học’’ của địa phương với số tiền ủng hộ không dưới 10 triệu đồng. Hiện tại, dù bận rộn với các công việc ở trang trại, nhưng ông vẫn đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Lương Xá. Ông Chiến chia sẻ, để kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, chi hội Cựu chiến binh thôn đã trao đổi nói chuyện với thế hệ trẻ về những cống hiến của thế hệ đi trước. "Chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ đừng bao giờ quên những hy sinh của cha ông và phải “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng tôi muốn các bạn trẻ nỗ lực học tập, phát huy truyền thống của ông cha" - ông Chiến bày tỏ.

Hỏi ông có mong muốn gì cho bản thân và gia đình, ông chỉ khiêm tốn: Hiện nay, mô hình trang trại của gia đình hơn 3ha, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện cấp Giấy chứng nhận giấy trang trại để yên tâm đầu tư sản xuất.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguoi-linh-cu-ho-lam-giau-tren-que-huong-chuong-my-293203.html