Người lèo lái đội tàu cá của mình ăn nên làm ra suốt nhiều năm

'Cầm chịch' 16 chiếc tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, tổ chức sao để cả đội tàu đánh bắt hiệu quả là điều không dễ. Thế nhưng với mô hình đoàn kết...

Ông Bùi Thanh Ninh trò chuyện với PV

Ông Bùi Thanh Ninh trò chuyện với PV

Thế nhưng với mô hình đoàn kết, ngư dân Bùi Thanh Ninh (SN 1957) ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã lèo lái đội tàu cá của mình ăn nên làm ra suốt nhiều năm nay.

"Khổ không kể xiết"

Nhắc lại thời niên thiếu của mình, ngư dân Bùi Thanh Ninh buông gọn 1 câu: “Úi chui cha, tui khổ không kể xiết”!

Ông Ninh sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống làm nghề biển, đông con, hàng ngày ông phải theo bố ra vùng biển gần nhà giăng câu, thả lưới kiếm con tôm con cá đổi gạo chạy ăn từng bữa. Năm 1976, ông xung phong đi nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1980 xuất ngũ, người lính trẻ về quê với tài sản duy nhất là chiếc ba lô cũ kỹ đựng mấy bộ quân phục cũng đã sờn rách. Về nhà, ông Ninh lại phải gánh vác cuộc sống của gia đình. Dân biển thì chỉ biết làm nghề biển, ông xin đi bạn cho 1 tàu cá ở địa phương.

Thời ấy, phương tiện đánh bắt toàn công suất nhỏ, không thể đánh bắt xa bờ, nguồn lợi thủy sản ven bờ thì cạn kiệt, làm ăn chẳng ra sao. Trong quá trình đi bạn, ông Ninh nhận thấy mặt hàng cá chuồn được thị trường miền Bắc ăn mạnh, ông mạnh dạn vay của Ngân hàng NN-PTNT địa phương 5 triệu đồng làm vốn. Thế là ông trở thành lái buôn cá chuồn, nhưng trong lòng ông luôn mơ ước có 1 ngày mình sở hữu được chiếc tàu cá công suất lớn để chinh phục khơi xa.

Chuyến hàng cá chuồn nào của ông Ninh cũng mang lại thắng lợi, xuất thân con nhà nghèo nên từ sớm ông đã biết tiết kiệm, dành dụm. Khi đã tích cóp được số vốn kha khá, ông Ninh liền thực hiện ước mơ của mình, ông quyết định đóng chiếc tàu cá công suất lớn và trở thành 1 chủ tàu khá trẻ.

Nhờ lộc biển, tàu cá của ông Ninh liên tục ăn nên làm ra, đến năm 2000 trong tay ông đã có 3 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Khi ấy biển còn đầy cá, 3 chiếc tàu của ông Ninh chuyến nào cập bờ cũng khẳm be. Cứ tích lũy thêm được vốn là ông Ninh lại tiếp tục đóng tàu mới, 10 năm sau (năm 2010) ông Ninh đã làm chủ đến 10 chiếc tàu cá công suất lớn chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa.

Ông Ninh đang chỉ đạo đóng mới tàu cá

Ngưỡng mộ cách tổ chức đánh bắt hiệu quả của ông Ninh, nhiều chủ tàu trong vùng muốn được góp tàu vào đội tàu của ông Ninh để cùng nhau làm ăn. Đến bây giờ, đội tàu của ông Ninh đã có 16 chiếc với tổng công suất gần 8.000CV. Số lượng ngư dân trực tiếp đánh bắt trên biển là 150 người. Ngoài ra, còn có 20 lao động khác làm việc theo con trăng, khi tàu cập bờ thì đưa cá lên bờ hoặc vá lưới.

Thấy đội tàu cá tại địa phương ngày càng tăng số lượng, ông Ninh làm thêm các dịch vụ cung ứng nhiên liệu, lương thực và đá lạnh, đồng thời bao tiêu sản phẩm của các tàu cá trong vùng. Ông còn lập riêng 1 xưởng chuyên đóng mới và sửa chữa tàu cá trong đội tàu của mình.

Sức mạnh của sự đoàn kết

Ngay từ rất sớm, ông Ninh đã nghĩ đến việc lập tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt. “Năm 2000, khi đã sở hữu 3 tàu cá tui liền thành lập tổ đoàn kết. Đến năm 2010, khi ấy đội tàu tăng lên 10 chiếc tui thành lập 3 tổ. Hiện nay, có thêm 6 chiếc, tui thành lập 4 tổ đoàn kết trên biển”, ông Ninh cho hay.

Sớm thực hiện mô hình tổ đoàn kết trên biển nên đội tàu cá của ông Ninh liên tục ăn nên làm ra và tránh được những rủi ro trên biển. Mặc dù ông Ninh không trực tiếp đi biển, nhưng tại “tổng hành dinh” ông Ninh nắm bắt hết tình hình đánh bắt các tàu cá thông qua máy liên lạc tầm xa.

Thuyền viên trong đội tàu sau chuyến biển thắng lợi chung vui tại nhà ông Ninh

“Ngồi ở nhà nhưng tui biết chiếc tàu mang số hiệu này đang đánh bắt tại tọa độ nào, chiếc tàu mang số hiệu kia đánh bắt tại tọa độ nào; biết hôm này tàu này, tàu kia đánh bắt ra sao; biết tình hình máy móc các con tàu, sức khỏe các thuyền viên như thế nào. Khi có tàu nào gặp sự cố cần giúp đỡ, tui sẽ điều động những tàu đang đánh bắt gần đó chạy tới hỗ trợ ngay. Nhờ có sự tương trợ nên hoạt động đánh bắt của những tàu cá trông đội tàu luôn suôn sẻ, mang lại hiệu quả cao”, ông Ninh chia sẻ.

Cũng theo ông Ninh, nếu tàu nào gặp luồng cá lớn, đánh bắt đã khẳm be mà cá vẫn còn thì ông điều những tàu gần đó đến tiếp sức. Nếu gặp lúc biển đói, đánh bắt đã dài ngày mà chưa bức đá (cá chưa đầy các hầm chứa) thì sẽ gom cá của các tàu lại để 1 tàu chở về bờ, các tàu kia tiếp tục đánh bắt, bán cá xong tàu cá về bờ chở nhiên liệu, lương thực ra tiếp tế cho các tàu đang bám biển. “Làm cách này các tàu cá bớt được chi phí nhiên liệu vì không phải chạy ra chạy vào, bám biển được dài ngày nên đánh bắt hiệu quả”, ông Ninh giải thích.

Cách ăn chia của đội tàu ông Ninh rất minh bạch nên thuyền viên ai cũng dốc lực làm việc. Ông Ninh ví dụ: “Nếu tàu có 15 người đi bạn, chuyến biển đó bán sản phẩm được 500 triệu, sau khi trừ phí tổn, số tiền còn lại được chia thành 26 phần, chiếc tàu được hưởng 11 phần, mỗi thuyền viên hưởng 1 phần. Riêng tài công, chủ tàu sẽ trích ra 1 phần để trả thêm, thu nhập của tài công luôn được hưởng gấp đôi thuyền viên”, ông Ninh cho biết thêm.

“Trong quá trình làm việc, tui chọn ra những người giỏi việc, năng nổ, ưu tiên những người hoàn cảnh gia đình khó khăn, cho họ hùn vốn vào ¼ chiếc tàu. Vốn ở đây không phải là tiền mặt mà chỉ góp bằng miệng, để họ có trách nhiệm quản lý con tàu khi đánh bắt trên biển, số tiền này được trừ dần từng chuyến biển đến khi hết. Khi hoàn hết tiền vốn trong ¼ chiếc tàu, nếu họ cần cất nhà, dựng vợ gả chồng cho con, tui ứng tiền lo hết, rồi cũng thu hồi nợ dần dần. Nhờ vậy anh em thuyền viên đều một lòng tận tụy với công việc”, ông Bùi Thanh Ninh chia sẻ.

Vũ Đình Thung

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguoi-leo-lai-doi-tau-ca-cua-minh-an-nen-lam-ra-suot-nhieu-nam-post179059.html