Người lao động thiệt thòi

Mất quyền lợi hợp pháp vì doanh nghiệp (DN) không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định nhưng nhiều người lao động (NLĐ) vẫn âm thầm chịu thiệt mà không dám lên tiếng đòi quyền lợi. Thực tế này vẫn diễn ra phổ biến và góp phần “tiếp tay” cho hàng chục nghìn DN trục lợi.

Người lao động sẽ làm việc tích cực hơn khi được doanh nghiệp chăm lo, đóng bảo hiểm đầy đủ. Ảnh: Anh Tuấn

Sau hơn 10 năm làm thợ hàn ở công ty C (trụ sở tại quận Hoàng Mai), tháng 5-2015, anh Bùi Văn N. phải xin nghỉ việc vì thu nhập không bảo đảm được cuộc sống. Ngay khi làm đơn nghỉ việc, điều anh N. quan tâm nhất là được chốt sổ BHXH để chuyển về nơi làm việc mới cũng như được thanh toán các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, nhiều lần hỏi nhân viên văn phòng của công ty, anh chỉ nhận được câu trả lời là “chờ” với lý do công ty chưa đóng tiền BHXH, BHTN cho NLĐ nhiều năm nay. Cùng với anh N. là hàng chục NLĐ đã nghỉ việc tại công ty trên mà vẫn chưa nhận được quyền lợi chính đáng của mình.

Trên thực tế, có hàng chục nghìn NLĐ dù biết việc công ty, chủ sử dụng lao động đang vi phạm Luật BHXH và Luật Lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình mà không biết cách đòi quyền lợi chính đáng. Thậm chí, có nhiều NLĐ dù biết nhưng vẫn chấp nhận, không dám đấu tranh vì sợ mất việc làm hoặc còn nuôi hy vọng mong manh vào một ngày DN sẽ vì tình nghĩa mà trả nợ.

Câu chuyện về DN nợ đóng BHXH bấy lâu nay dường như “vô phương cứu chữa” kể cả khi bị khởi kiện vẫn cố tình chây ỳ. Trên cả nước, tính tới ngày 30-9, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN lên đến hơn 13.121 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nợ BHXH bắt buộc với 8.987 tỷ đồng, 3.351 tỷ đồng là nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng. Trên địa bàn Hà Nội có đến hơn 30.000 đơn vị DN nợ hơn 2.000 tỷ đồng, nhiều DN nợ kéo dài, không còn khả năng trả nợ có xu hướng tăng mạnh.

Các đơn vị DN cũng đa dạng, ở tất cả các thành phần, từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN nhà nước, chủ yếu ở Ngành Giao thông, Xây dựng, tập đoàn thực hiện cơ cấu tại DN... Bên cạnh các DN “dở sống, dở chết”, không ít DN làm ăn có lãi cũng cố tình nợ để chiếm dụng cả tiền trừ đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ và trục lợi từ Ngành BHXH vì lãi suất nợ quá 3 tháng theo quy định của BHXH còn rẻ hơn nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội khẳng định: Nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN không chỉ vi phạm lợi ích hợp pháp của NLĐ mà còn ảnh hưởng, gây hậu quả nghiêm trọng đến Quỹ BHXH, BHYT, BHTN, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng này, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, trước tiên là do ý thức chấp hành pháp luật của một số DN, chủ sử dụng LĐ chưa nghiêm, chế tài chưa đủ sức răn đe. Hiện còn tồn tại DN có lối làm ăn mang tính chộp giật, thiếu trách nhiệm để trục lợi. Quan trọng hơn là bản thân NLĐ dù hiểu biết về luật cũng không dám lên tiếng, đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp. Như vậy, NLĐ chưa thực sự ý thức đầy đủ về quyền lợi cũng như ý nghĩa nhân văn của BHXH, BHYT, BHTN.

Với đặc thù số DN và NLĐ ở Hà Nội rất lớn và thường xuyên biến động nên việc nắm bắt con số chính xác là rất khó đối với Ngành BHXH. Điều này gây khó khăn cho việc đôn đốc nợ cũng như mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Hiện việc theo dõi biến động chủ yếu dựa vào con số DN thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua Ngành Thuế và Ngành LĐ-TB&XH. Để giảm hơn nữa tình trạng nợ đọng BHXH, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, ngoài các biện pháp mạnh của Ngành BHXH, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân, NLĐ hiểu đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn của chính sách an sinh xã hội. Trong trường hợp DN nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN thì NLĐ phải biết tìm đến tổ chức công đoàn, cơ quan BHXH để có những tư vấn, hướng dẫn thủ tục đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho mình.

Vân Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thuong-hieu-DN/853626/nguoi-lao-dong-thiet-thoi