Người làm 'HOA SEN' bung nở

Lấy sáng tạo để thắng kinh nghiệm, lấy năng động để thắng quy mô, lấy nỗ lực và tốc độ để bù cho vị thế đi sau… Đó là bí quyết làm giàu của Lê Phước Vũ

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen - đã có buổi trò chuyện với VOV về những kinh nghiệm kinh doanh của ông, cũng như những thông điệp mà ông muốn chuyền tới thế hệ thanh niên khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen

PV: Là một trong những lớn nhất Việt Nam, theo ông, đâu là yếu tố tạo nên thành công của Tập đoàn Hoa Sen? Trong kinh doanh, ông tâm đắc nhất điều gì, thưa ông?

Ông Lê Phước Vũ:Đất nước chúng ta đang hội nhập toàn cầu, và chúng ta đang bị tụt lại. Chúng ta không có lựa chọn nào khác là tiến lên đuổi kịp các nước trên thế giới và trong khu vực. Chúng ta là một nước dân số đông (hơn 90 triệu dân), và trong 10 – 20 năm nữa, đất nước chúng ta sẽ có trên dưới 100 triệu dân, khi đó nhu cầu về công ăn việc làm, nhu cầu về phát triển quốc gia. Đặc biệt là thời kỳ dân số vàng, chúng ta chỉ có khoảng 20 năm nữa thôi, vì thế hiện nay là cơ hội duy nhất để chúng ta vươn lên để trước tiên đuổi kịp các nước trong khu vực… Đây không chỉ là lương tâm mà còn là mệnh lệnh để tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là các doanh nhân, các bạn sinh viên, bạn trẻ mới ra trường có tinh thần khởi nghiệp để tạo nên doanh nghiệp, tạo nên sản phẩm, dịch vụ, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, tạo ra công ăn việc làm cho người Việt Nam, và tạo nên năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Chúng tôi luôn kiên định với mục tiêu là: Kiên định, cộng đồng và phát triển. Bản chất thị trường luôn khắc nghiệt, phải luôn cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp nào không dự báo được sự thay đổi của thị trường, bị mất động lực, hoặc là không tạo được, hay không duy trì được sự cạnh tranh liên tục thì ngay lập tức doanh nghiệp đó sẽ giảm doanh thu, giảm thu nhập ngay, có nghĩa là sẽ bị đào thải. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực dự báo thị trường và có chiến lược phù hợp với những thay đổi và thách thức, và đặc biệt là chúng tôi tạo ra các đội ngũ cộng sự đáng tin cậy, vừa trung thực, tận tình, tận tụy vừa có sáng tạo và luôn luôn nỗ lực để thích nghi với các thay đổi và thách thức của thị trường và tạo ra sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu, có lòng tin của người tiêu dùng. Chúng tôi luôn lấy sự trung thực, uy tín hàng đầu, được người tiêu dùng và mua sản phẩm của chúng tôi. Đó là cách mà chúng tôi đã làm được trong nhiều năm qua.

PV: Tại sao ông tại đặt tên cho doanh nghiệp mình giống tên của một loài hoa – Hoa Sen – nay đã trở thành biểu tượng của quốc hoa Việt Nam?

Ông Lê Phước Vũ:Vì tôi theo đạo Phật nên tôi đặt tên công ty là Hoa Sen. Đó cũng là biểu tượng hướng đến một cái gì đó tốt đẹp, một cái gì đó thanh thoát.

PV: Thưa ông, để trở thành tập đoàn lớn mạnh như hiện nay, người chèo lái con thuyền Hoa Sen chắc hẳn đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Ông có thể chia sẻ về giai đoạn khó khăn nhất? Và làm thế nào ông có thể vượt qua, thưa ông?

Ông Lê Phước Vũ:Có lẽ khó khăn nhất của Tập đoàn Hoa Sen chúng tôi trong nhiều năm qua chính là Dự án thép Hoa Sen Cà Ná vừa rồi ở Ninh Thuận. Chúng tôi đã bị truyền thông sai lệch bởi những động cơ không đúng đắn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sẽ kiểm soát tốt vấn đề môi trường, áp dụng những công nghệ hiện đại, và tạo ra năng lực sản xuất lớn, năng lực cạnh tranh quốc gia trở thành một nhà công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp thép để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo ra công ăn việc làm, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Chúng tôi là những người làm việc có lương tâm, có trách nhiệm và có trí tuệ để chúng tôi vừa triển khai dự án thành công, nhưng cũng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi có thể tạo ra doanh nghiệp thân thiện với môi trường và đóng góp nhiều nhất cho đất nước. Chúng tôi nỗ lực làm điều đó và thể hiện bằng năng lực của mình, bằng kết quả của mình.

PV: Hoạt động trên thương trường mấy chục năm nay, đâu là những bài học đắt giá nhất mà ông đúc kết được, thưa ông?

Ông Lê Phước Vũ:Là doanh nhân chính là một sự dấn thân, không phải hoa hồng, không phải thảm đỏ đâu, mà đó là chông gai, đó là thách thức vì bản chất thị trường rất khắc nghiệt, luôn cạnh tranh, giống như một cuộc đua không thể dừng lại được. Nếu chúng ta chậm lại thì sẽ có người khác đuổi kịp và vượt qua và chúng ta sẽ mất lợi thế. Vì thế, muốn kinh doanh thành công thì phải luôn tạo lợi thế cạnh tranh và phải biết duy trì lợi thế cạnh tranh, phải luôn đón đầu các cơ hội và luôn thích nghi để vượt qua các thách thức.

Là một doanh nghiệp nên có nhiều người làm việc, phải đóng góp nhiều bổn phận cho xã hội, ví dụ như cổ tức cho cổ đông, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công ăn việc làm, thu nhập, phải cạnh tranh hàng ngày vì thị trường rất khắc nghiệt. Doanh nghiệp cần phải có một đội ngũ có thể thực hiện được ý đồ chiến lược của mình, có đội ngũ có thể kế thừa được mình.

Là doanh nhân mình còn phải làm gương và có tinh thần trách nhiệm. Nếu chúng ta làm gương thì chúng ta có thể cảm hóa được những người xunh quanh, thuyết phục được cộng sự của mình. Họ kính trọng mình, họ tín nhiệm mình và luôn hết lòng vì mình. Mình phải có tinh thần trách nhiệm để có tầm nhìn xa rộng. Năm nay kinh doanh tốt nhưng năm sau có thể khó khăn, năm sau nữa có thể khó khăn hơn nữa, thậm chí, nếu chúng ta kinh doanh không tốt chúng ta có thể bị phá sản.

Doanh nhân vừa phải có ý chí, có tinh thần trách nhiệm, vừa phải có trí tuệ, vừa phải có đạo đức. Bao giờ cũng vậy, cạnh tranh luôn là sân chơi giống nhau, chúng ta đã hội nhập nên càng không khác biệt. Cũng giống như trên võ đài, một người nhỏ con khó có thể đánh thắng một người to con nếu người đó không thực sự giỏi. Chúng ta không có lợi thế của người đi trước, chúng ta không có tích lũy về tư bản, về công nghệ, về quản trị, về nguồn nhân lực, về thương hiệu. Như vậy chúng ta cạnh tranh bằng gì? Đó chính là bằng ý chí, bằng tinh thần, và chúng ta phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn họ, phải nỗ lực cao hơn thì mới đuổi kịp họ. Chúng ta là người đi sau nên phải chạy nhiều hơn, chạy nhanh hơn thì mời đuổi kịp. Và chúng tôi đã làm được điều đó.

Doanh nhân Lê Phước Vũ phát biểu tại Lễ công bố chương trình "Tiến lên Việt Nam" do VOV phối hợp cùng Tập đoàn Hoa Sen tổ chức

PV: Làm cách nào để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được với các tập đoàn lớn ở nước ngoài?

Ông Lê Phước Vũ:Ba nguyên tắc mà tôi rút ra trong quá trình thành lập và phát triển để tạo được sự thành công của Tập đoàn ngày hôm nay, có khả năng cạnh tranh ở khu vực và thế giới, đó là: Lấy sáng tạo để thắng kinh nghiệm, lấy năng động để thắng quy mô, và lấy nỗ lực và tốc độ để bù cho vị thế của người đi sau.

Các bạn trẻ phải thấy rằng khởi nghiệp là một sự dấn thân, một thách thức. Đã chấp nhận khởi nghiệp có nghĩa là phải chuẩn bị tinh thần chấp nhận thất bại. Các bạn sẽ có một ý tưởng khởi nghiệp thế này thì các bạn hãy hình thành doanh nghiệp của mình đi, hãy tự kinh doanh đi, hãy tạo ra sản phẩm, dịch vụ tốt nhất mà thị trường cần, người tiêu dùng cần. Thực sự, tạo được ra sản phẩm mà người tiêu dùng mua không phải là việc dễ dàng, nhưng đừng sợ. Nếu các bạn thất bại lần thứ nhất thì các bạn đã học được bài học đầu tiên. Các bạn có thể thất bại lần thứ hai, các bạn có thể không có được thành quả của doanh nghiệp nhưng các bạn sẽ có thêm một bài học, và hãy cứ như thế, hãy kiên trì, luôn học hỏi, luôn sáng tạo, luôn lắng nghe, luôn gần gũi những người thành công để đúc rút những bài học của người đi trước, rồi các bạn sẽ thành công. Các bạn sẽ trở thành doanh nhân thực thụ.

Nếu các bạn coi tiền là mục đích thì các bạn sẽ làm ra tiền bằng mọi giá, và điều đó có khi khiến bạn làm tổn hại đến cộng đồng, đến xã hội. Một doanh nhân có đạo đức phải thấy rằng tiền bạc là phương tiện. Không phải là anh giàu đến mức nào mà vấn đề là anh làm được gì cho đất nước này, cho xã hội này, cho cộng đồng này, và giúp tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khác, đó mới thực sự là giá trị của doanh nhân.

PV: Ông nhìn nhận cơ hội khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam như thế nào trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đặt biệt khi cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đều chung tay giúp sức? Ông có gửi gắm thông điệp gì tới thế hệ doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam hiện nay?

Ông Lê Phước Vũ:Chúng ta thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã xem thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là trách nhiệm, đã khích lệ cộng đồng các bạn trẻ. Đây là cơ hội tuyệt vời, là môi trường tuyệt vời. Các bạn trẻ được ghi nhận, được đánh giá khích lệ, được tạo điều kiện thì không có lý do gì các bạn lại không nỗ lực để khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nhân, những người trưởng thành như chúng tôi cũng đang ủng hộ bằng mọi giá, bằng lời khuyên, bằng sự tư vấn, bằng tài chính thì không có lý do gì các bạn không khởi nghiệp. Tôi mong rằng các bạn sẽ nỗ lực khởi nghiệp để thành công. Nếu thất bại sẽ làm nữa đến khi nào thành công thì thôi, để phấn đấu đến năm 2020 chúng ta sẽ có hơn 1 triệu doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ phát triển, người dân có thu nhập cao, đất nước sẽ phát triển ngang với các nước trong khu vực, có năng lực cạnh tranh toàn cầu với tinh thần tự hào dân tộc, luôn luôn nỗ lực, luôn luôn sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để thành công.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/nguoi-lam-hoa-sen-bung-no-565228.vov