Người khuyết tật có thể học và thi lấy bằng lái xe

Có hiệu lực từ ngày 10-10-2015, Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ban hành ngày 21-8-2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe, đã có những quy định chi tiết về việc cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe để người khuyết tật có thể học và thi lấy bằng lái xe.

Kể từ ngày 1-1-2016, các cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái đã phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Thông tư. Đồng thời, phải có báo cáo bằng văn bản đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền việc việc bổ sung nhân lực, trang thiết bị và phạm vi hoạt động chuyên môn. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở khám chữa bệnh không có lý do gì để từ chối người khuyết tật.

Trước đó, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn trong khoảng thời gian chuyển tiếp và bổ sung nhân lực, trang thiết bị. Do đó, họ vẫn có thể từ chối người khuyết tật khi đến khám bởi cơ sở khám bệnh chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu thời điểm đó. Điều 16 của Thông tư 24 cho phép: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện việc khám sức khỏe cho người lái xe trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện khám sức khỏe cho người lái xe đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015. Kể từ ngày 1-1-2016 các cơ sở này muốn tiếp tục thực hiện việc khám sức khỏe cho người lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của thông tư này.

Người khuyết tật nhẹ vẫn được cấp Giấy phép lái xe theo Thông tư 24. Ảnh tư liệu

Thực tế, Thông tư 24 quy định về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe lái xe cho người khuyết tật hết sức rõ ràng, khoa học và dễ hiểu. Theo phương pháp loại trừ, Thông tư đã chỉ rõ những đối tượng nào thì không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo các hạng xe tương ứng. Đồng nghĩa với việc những đối tượng nào không bị liệt kê trong phần phụ lục này thì hoàn toàn đủ tiêu chuẩn sức khỏe để lái xe. Thông tư cũng quy định rất chi tiết 8 chuyên khoa và 1 quy định về việc sử dụng các chất ma túy và các chất có cồn theo 3 phân hạng xe tương ứng.

Đầu năm 2016 tại Hà Nội, anh Nguyễn Thanh An, một người khuyết tật vận động đã đi khám sức khỏe, đi học và hiện đã được cấp Giấy phép lái xe hạng B1 ngày 15-5-2016 vừa qua.

Có thể thấy những quy định của Thông tư 24 khá rõ ràng và chi tiết nhưng có thể nhiều người vẫn còn chưa nắm rõ để thực hiện. Vấn đề giao thông dành cho người khuyết tật dường như vẫn chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người khuyết tật hiểu và thực hiện theo những quy định của Nhà nước.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết: Trước đây, người khuyết tật muốn đi khám sức khỏe và đi học lái xe đều bị từ chối. Việc này đã gây bức xúc cho cộng đồng người khuyết tật, tạo ra sự phân biệt đối xử thiếu công bằng, ảnh hưởng đến sự hòa nhập xã hội của người khuyết tật. Việc ra đời của Thông tư 24 đã giải quyết được những vướng mắc này và giúp người khuyết tật có căn cứ và cơ sở pháp lý để thực hiện quyền của mình trong lĩnh vực giao thông.

Theo ông Cường, những người khuyết tật nhẹ như người khiếm thính, người điếc vẫn có thể được cấp giấy đủ sức khỏe khi lái xe, trừ các hạng từ B2 trở lên, bởi họ vẫn đủ điều kiện theo các quy định của Thông tư 24. Trong trường hợp các cơ sở khám chữa bệnh từ chối thì người khuyết tật có thể yêu cầu cho biết lý do từ chối. Từ đó đối chiếu với các quy định tại Thông 24 xem việc từ chối đó có đúng hay không ? “Nếu bị từ chối một cách vô lý thì người khuyết tật có thể gọi điện đến đường dây nóng của Bộ y tế để phản ánh về vấn đề này”, ông Cường chia sẻ thêm.

Hà Linh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/nguoi-khuyet-tat-co-the-hoc-va-thi-lay-bang-lai-xe-119344