Người không xa lạ

Năm 1968, tại Paris, trong một cuộc họp báo quốc tế định kỳ, phóng viên nước ngoàihỏi: "Vùng giải phóng của các ông ở đâu, các ông chỉ cho chúng tôi xem?".

Dương Đình Thảo lập tức trả lời: "Vùng giải phóng không xác định bởi vùng hay vị trí địa lý mà ở lòng dân. Ở đâu dân tộc tôi có khát khao độc lập, khát khao giải phóng, trong lòng dân có cách mạng và ủng hộ cách mạng thì ở đó chắc chắn sẽ được giải phóng. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi".

(trích lời kể của ông Huỳnh Ngọc Ẩn - thành viên phái đoàn Việt Nam tham gia hiệp thương ở hội nghị Paris - Pháp luật TP.HCM ngày 17/1/2017).

Cũng là ông, “Gần bảy năm ở Paris trong đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, anh là người luôn bày tỏ rõ lập trường: hai miền Nam - Bắc là nước Việt Nam. Người hai miền là dân tộc Việt Nam, nên chung lưng để kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là chân lý không bao giờ thay đổi”. (trích lời ông Phan Nhẫn - Tuổi trẻ - 17/1/2017).

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trong một lần thăm hỏi ông Dương Đình Thảo.

Và một câu chuyện, tôi nghe lóm được từ các bậc cha chú kể, ngay sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, có một cán bộ từ miền Bắc, đã phát biểu trong một cuộc họp toàn thể, đại ý, phải dọn dẹp ngay, phải chấn chỉnh ngay, thành phố này có quá nhiều rác. Ông đáp liền, thưa đồng chí, vì đồng chí cứ nhìn vào rác thì thấy thành phố này nhiều rác, đồng chí hãy nhìn ở những điểm khác nữa, những chỗ ngoài rác, sẽ thấy rõ hơn, đẹp hơn một thành phố
Sài Gòn…

Một phần rất nhỏ bé, rất hời hợt mà tôi biết để viết về ông, là thế. Trên mọi tư thế đàm phán và tư cách ngoại giao, nơi ông là sự minh triết, kiên trung, uyển chuyển; và một hằng số văn hóa dân tộc bất biến được xác lập trên nền tảng giá trị nhân văn không đổi và tư tưởng cách mạng vững vàng. Nhưng có lúc lại là biến số để ông giải mã và đi đến đáp số cuối cùng: vì ấm no, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân, vì sự tồn vong, phát triển vững mạnh của đất nước.

Vì, nếu không là thế, cậu học trò trường Petrus Ký, Nguyễn Văn Lợi - Dương Đình Thảo đã không thể “thoát ly”, đã chỉ có thể dừng lại ở phẩm chất kế thừa những bậc tiền bối về công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ, hít thở ngọn gió Mới của tiến trình hiện đại hóa quốc văn và tư tưởng canh tân vào đầu thế kỷ thứ XX. Hơn thế, từ “chữ” đến “nghĩa”, Nguyễn Văn Lợi tham gia phong trào thanh niên tiền phong, gia nhập Việt Minh, giành chính quyền trong cuộc khởi nghĩa thần thánh của dân tộc vào tháng Tám năm 1945, để từ đó đi theo cuộc kháng chiến trường kỳ đến đích cuối cùng vào mùa Xuân năm 1975.

Trong ông, sự thụ hưởng nền giáo dục phương Tây trên nền tảng của văn hóa dân tộc, được khai phóng, được trui rèn bởi tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh, của triết học Mác - Lênin, của những người thầy, người đồng chí; và đặc biệt là của chính nhân dân.

Sự lãng mạn, hào hoa của dòng chảy tinh hoa cổ điển Pháp, của một thời Khai sáng hay đỉnh cao thế kỷ thứ XIX với những tên tuổi khổng lồ của văn học Pháp, lại được ông phản chiếu với tính cách mạng, phản biện với tinh thần biện chứng của một nền tư tưởng dân tộc - cách mạng mà ông theo đuổi. Điều này góp phần lý giải vì sao, Dương Đình Thảo, cái tên ông hiện diện qua nhiều cương vị công tác, từ ngoại giao, văn hóa, tuyên huấn…và sự hiện hữu đầy ánh sáng nơi ông, của trí tuệ, của nhân văn và triết thuyết “vị nhân sinh” cao cả.

Cả cuộc đời ông, giản dị, khiêm tốn để sống cho trọn vẹn cái “tự bạch” mà C.Mác đã nói với các con gái của mình: “Không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với tôi”. Con Người - được quy nạp về một chữ Nhân - được ông nắn nót, nâng niu, gìn giữ, kết nối. Và trong những hoàn cảnh, thời điểm mang tính lịch sử, kể cả cái vĩ thanh đầy nghiệt ngã, thậm chí là khốc liệt của lịch sử, ông bền bỉ đấu tranh cho cái nhân vị - Con Người ấy - không mệt mỏi, không khoan nhượng.

Để từ ông, từ cái triết lý tận hiến ấy, bao nhiêu con người, trong lẫn ngoài cuộc, bên này hay bên kia bờ tâm tưởng, đã nhủ lòng, tự nguyện tiến về phía trước, vì một “đức tin và sức thông cảm” - như cách mà ông được thuyết phục từ người anh, người đồng chí lãnh đạo của mình - ông Mười Cúc, Nguyễn Văn Linh.

Trong bài viết tiễn biệt chú Sáu Thảo, tác giả Phạm Phương Thảo thuật lại một câu chuyện do chính “ông già” kể: Có lần nói chuyện với khoảng 1.000 cán bộ, chú căn dặn làm cán bộ phải tránh ba điều: địa vị, tiền và gái. Sau đó, chú Linh hỏi vui: gái không được thì “đào” có được không? Chú Sáu đã trả lời vui: không chỉ mê mà còn ham. Chú Mai Chí Thọ ngồi kế bên, thúc tay bảo: mê cải lương mà không có “đào” sao được!

Mê cải lương, ham “đào” - theo cách của ông - là gầy dựng trong một thời điểm, sáu diễn viên cùng đảm nhận một vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga, đồng loạt “ra trận”, khí phách, hào hùng công diễn ngay sau cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga, để nhận lấy trách nhiệm vinh quang: “Ta vừa khoát lên vai những thử thách rất tự hào của nòi giống Tiên Rồng, của mấy ngàn năm bất khuất. Lưng ngựa là ngai vàng ta thiết triều nơi trận mạc, cùng ba quân đuổi giặc cứu sơn hà…”, khẳng định một chân lý hiển hách: “Để cho ta trang trọng khoát long bào, ngôi cửu ngũ từ nay đà có chủ”.

Hào khí từ sàn diễn, từ tư cách công dân - nghệ sĩ đã lan tỏa, truyền dẫn đến hào khí của người dân, để họ kết đoàn, chung cật, tự nhận lấy trách nhiệm “gắn liền hãnh diện giữa xưa - sau”. Đó là điểm nhìn, là cốt cách văn hóa và cách thức hoạt động văn hóa của Dương
Đình Thảo.

***

Chiều ngày 16/1/2017, nơi khu vực Nhà tang lễ TP, dù chưa tới giờ viếng chính thức nhưng đã có nhiều gương mặt quen lẫn lạ. Họ, hiếm là thế hệ đồng chí - đàn em của ông, đa phần là thuộc lứa cháu con của ông Sáu Thảo, chú Sáu Thảo. Không khí lặng trầm nhưng không u uất. Sự ra đi của ông như được thể tất một phần bởi quy luật sinh tử.

Và rằng, khi bạn nhìn thấy những mái đầu xanh nghiêng mình trước di ảnh của ông; khi bạn đọc được những dòng chữ cam kết, thay cho tiễn biệt: “Cháu luôn ghi nhớ lời của chú: phải sống chí nghĩa, chí tình với bạn bè đồng chí, hết lòng với cách mạng…” (trích ghi của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong)…, khi bắt gặp hình ảnh vội vàng chạy tới viếng ông ngay sau giờ tan sở, ngồi một góc cặm cụi ghi của chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, bạn sẽ hiểu một điều: ông là thành trì lý tưởng, vững chải cho bao thế hệ kế tiếp; và họ - một khi nhận thấy, nhận lấy cái trách nhiệm người - kế - tục - là đã mang theo cái phẩm chất, kế thừa cái di sản và lý tưởng mà ông và thế hệ người - đi - trước đã gầy dựng, vun đắp, truyền trao.

Lê Huyền Ái Mỹ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/nguoi-khong-xa-la-91950/