Người không có vân tay

Hà Nội, khuya khoắt đêm buốt lạnh hàng đầu trong lịch sử khí tượng thủy văn đương đại, tôi vào một quán ăn ven đường sau ca trực muộn. Chiếc tivi trên tường mở kênh Discovery đang phát phim tài liệu về 5 kỳ đại tuyệt chủng từng xảy ra trên trái đất: Tuyệt chủng Ordovic - Silur, tuyệt chủng Devon, tuyệt chủng Permi - Trias, tuyệt chủng Trias - Jura, tuyệt chủng Creta - Paleogen. Cái tư duy sắc sảo, khoa học và lôi cuốn của những bộ óc làm phim phương Tây khiến người qua đường không rời được mắt khỏi màn hình.

“Nghệ nhân có bàn tay vàng” - nhà khoa học không có vân tay Trần Tương Lai.

Bộ phim nói rằng Đại Tuyệt Chủng Lần Thứ 6 đang manh nha diễn ra và có thể sẽ chính thức bắt đầu trong vòng chưa đầy 1 thế kỷ nữa, do chính loài người cầm đầu “cuộc tự sát tập thể”. Hiện cứ mỗi năm lại có thêm khoảng 1.000 giống loài hoàn toàn biến mất khỏi trái đất và con số này sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới. Có những người bỏ cả đời để đi làm một việc tưởng như rất kỳ lạ: Thu âm tiếng của những động vật sắp vĩnh viễn bị xóa sổ. Bộ phim phát tiếng hót của một loài chim ở vùng băng giá mà tôi không kịp ghi tên. Tiếng con chim trống gọi mái ngơ ngác, rời rạc, khắc khoải, lẻ loi… nhưng không thể tìm được bạn tình, vì chỉ còn duy nhất nó là đại diện cuối cùng sống sót trên mặt đất. Và nó chết. Người ta tìm được xác nó đem về tẩm ướp hóa chất để giữ lại chút gì đó của một loài đã từng tồn tại.

Tôi chợt nhớ tới “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi cũng có nhắc đến những giống loài bị săn đuổi tới cùng kiệt thuở ấy: “Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới giăng/ Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt/ Tàn hại cả giống côn trùng, cây cỏ/ Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng”. Chỉ vài trăm năm đã chẳng ai còn có cơ hội nhìn thấy loài hươu đen hình dáng ra sao nữa. Con hươu đen cuối cùng hẳn cũng đã từng cất tiếng tác tuyệt vọng gọi bạn, gọi bầy ngay trên mảnh đất Việt này. Ngày nay cũng vẫn thế thôi, chúng ta tàn sát, ngâm rượu, nuốt chửng gần như hết thảy mọi giống loài. Con sá sùng (giun biển) ngày nào giờ cũng đã được gọi bằng mỹ tự “ngọc trong đất” và người ta đào xới truy lùng ở bất kỳ bờ biển nào mà chúng sinh tồn. Có người bạn kể với tôi, dân săn chim tìm được tổ bìm bịp thường bẻ gãy chân chim non, chờ chim mẹ tha lá thuốc về đắp cho con xong mới bắt. Không hề có xót thương.

1. Năm 1998, tôi có dịp đặt chân tới “căn phòng bí mật” có cánh cửa bằng inox ven đường Hoàng Quốc Việt. Hàng vạn người lại qua tháng ngày trên con đường trên để ra-vào Hà Nội ngày ấy chắc khó có thể hình dung được rằng địa chỉ âm thầm này - Trung tâm lưu giữ, nghiên cứu động vật hàng đầu của Việt Nam, một phân ban nhỏ của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia - lại là nơi thường xuyên lui tới của hàng trăm nhà điểu học, côn trùng học… tên tuổi của mọi lục địa.

Quả thực, khi lạc vào mê cung của 44.828 mẫu động vật được sưu tầm, bảo quản, tôi mới nhận thấy nơi đây thực sự là thánh địa của những lông, da, sừng, móng guốc, những khung xương hoàn chỉnh… được bảo vệ trong một môi trường không khí ổn định, cách ly với độ ẩm và nhiệt độ bên ngoài. Chỗ này là hàng ngàn con rắn đủ mọi màu sắc, kích cỡ nằm im lìm trong các bình thủy tinh hóa chất trên kệ sắt. Chỗ kia là dăm trăm chim, đủ mọi hình dạng, dáng vẻ, từ cao ngất nghểu như đà điểu Phi Châu đến bé nhỏ nhìn mãi mới nhận ra như chim sào, chim ri. Tủ kính lớn nhất đặt giữa phòng là nơi ngự trị của 2 con hổ lớn nguyên vẹn vẻ oai phong đường bệ của chúa sơn lâm. Những con cá sấu Cuba mốc thếch, thâm trầm; ngựa vằn Châu Phi như vừa dừng chân nghỉ sau một chặng đường dài. Trong 3.091 vật mẫu của 110 loài thú (có 38 loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam”), lớn nhất có lẽ là khung xương của một loài thú vốn dĩ không có kẻ thù trong tự nhiên - Tê giác một sừng với cái tên mở ngoặc dài thượt: Perissodactyla Rhinocerotidae. Khung xương oai vệ nằm trong tủ kính này dài tới 3.750mm, cao 1.500mm, mới nhìn y như khủng long tam sừng thời tiền sử; đủ bền vững để nâng đỡ cơ thể một con thú huyền thoại nặng 2 tấn lang thang trong các vùng đầm lầy, gai dại và sam đỏ. Những tấm da báo gấm căng trên tường cho thấy một thời hoàng kim quá vãng của những thủ lĩnh tộc người thiểu số mạn rừng xanh núi đỏ. Trong số mẫu vật ấy có những loài đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam như gà lôi lam đuôi trắng, voọc đầu trắng, sao la...

Điều kiện ngày ấy hết sức khó khăn, toàn bộ không gian chật chội gần 200m2 chỉ đủ để trưng bày khoảng 1/30 số mẫu vật hiện có của trung tâm lưu giữ. Cho nên các loài động vật được phân loại trên giấy tờ, còn thực tế thì thú ăn thịt đứng lẫn với thú ăn cỏ, bò sát kề vai sát cánh với gặm nhấm, chim muông thì treo hay bày trên nóc tủ kính, nơi cao nhất phòng, để tránh va đụng phải. Trong 36.856 vật mẫu của trên 1.000 loài côn trùng (có tất cả trong Sách đỏ), tôi để ý thấy có một con bọ cánh cứng, nó thậm chí còn bé nhỏ hơn một dấu chấm câu. Thế giới xác chết đẹp kỳ lạ, đủ loại nặng từ nửa microgram tới 2 tấn, có chủ nhân riêng của chúng: Đó là những nhà khoa học mà tôi có thể nhận thấy qua bút tích bày tỏ lời hàm ơn của họ bằng nhiều ngôn ngữ trong cuốn nhật ký của trung tâm. Chính trong căn phòng này, một loại cầy giông đã được PGS Phạm Trọng Ảnh phát hiện. Tên ông đã được đặt cho loài thú mới của thế giới - sự kiện ấy mới mẻ tới mức cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa được bổ sung vào “Sách đỏ Việt Nam”.

2. Anh Trần Tương Lai - chuyên viên tạo hình động vật, “nghệ nhân có bàn tay vàng” của những con thú không còn sống - tiếp chuyện tôi. Anh chìa cho tôi xem đôi bàn tay dường như vân tay đã lặn cả vào trong vì lớp da liên tục bị bóc đi hằng ngày do phải tiếp xúc với hóa chất. Người làm mẫu đầu ngành này có ý định nhờ tôi truyền đạt một công thức trong việc bảo tồn da thú do anh tự tìm hiểu được với suy nghĩ giản dị: “Nhiều người săn thú đã sai lầm, hoặc là họ bỏ tấm da nhìn xót ruột, hoặc là tự nhồi chỉ được dăm tháng, nửa năm là đã hỏng”. Công thức đó là: Lột da bóc thịt - xát muối - phèn chua. Để 36 tiếng. Rắc Xyanua Kali, để 24 tiếng. Mang ra bào sạch. Ngâm muối phèn chua (tỉ lệ 1 lít nước - một gram muối - 0,5 gram phèn) hòa chung với 0,01 gram Kali. (Anh đã từng ngâm da 1 con nai trong bể dung dịch này, sau 10 năm đi du học về con nai vẫn còn nguyên vẹn). Vớt ra giặt bằng xà phòng như giặt quần áo. Điểm mấu chốt sau cùng này do anh tự nghiên cứu: Tiếp tục ngâm bằng Acid Sulfuric và Kali Dichromate 48 tiếng. Vớt, giặt. Bôi dung dịch thạch tín 0,1% hòa trong nước ở mặt trong da. Điều này cần phải làm đối với điều kiện nhiệt đới ẩm của nước ta, sau đó lớp da sẽ cứng lại như sắt đến mức… chuột không gặm nổi. Theo suy luận của anh thì đây là cách làm của một số nhà làm da lông nổi tiếng nhưng giấu nghề để giữ món bí truyền.

Anh Lai ngồi nói chuyện với tôi hàng giờ, cứ như là tôi cũng hiểu biết về hóa học, giải phẫu học và yêu mến ngón nghề đặc dị “cũng có tí chất thơ” này như anh vậy. Anh mở cho tôi xem hàng lô hàng lốc sách của Tiệp Khắc, của Nga, chỉ rõ cách ép kính lên côn trùng, cách lột da họ lông vũ, cách đi vào các bản làng “xin da” của đồng bào dân tộc với một vẻ nhiệt tình đặc biệt và bằng đôi bàn tay không vân tay bởi không dùng gang caosu bao giờ “vì làm không thật, không sướng”: “Chúng tôi, những nhà khoa học, cũng chỉ có một mong muốn là bảo quản thật tốt những mẫu vật này nhằm đóng góp vào bảo tàng thiên nhiên quốc gia nếu được thành lập sau này, để lớp trẻ mai sau được nhìn thấy những gì còn sót lại của thế giới sinh vật trước đây”. Nói chuyện trong phòng làm việc riêng của anh dưới những những tấm da treo nha nhẩn như người ta phơi quần áo, trên bộ bàn ghế tồi tàn tưởng chừng như để… làm củi, mặc bộ quần áo rách, thủng đầy vá víu, tôi có cảm giác anh Lai là một nhà khoa học có con mắt nghệ sĩ và bàn tay của thợ cơ khí, hết lòng phụng sự, hết lòng cống hiến, một người “luôn có lửa trong tim”.

3. Sinh ra tại vùng quê nghèo Phổ Yên (Thái Nguyên), từ nhỏ anh Tương Lai đã say mê thiên nhiên, muông thú nên lớn lên anh đã chọn ngành giải phẫu học. Năm 1970, anh được phân công về làm việc tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Cũng vào những năm đó, nhận thấy sự cần thiết của công việc tạo hình động vật để phục vụ nghiên cứu khoa học, anh được cử đi học tại Viện Bảo tàng động vật Leningrad thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và may mắn được học nghề từ thầy M.A Zacslacki - một trong những nghệ nhân bậc nhất về tạo hình động vật. Kỷ niệm lần đầu tiên được cùng thầy nhồi một con voi ma mút đã tuyệt chủng có niên đại cách đây 2.400 năm đánh dấu sự thành công đầu tiên trong nghề của anh, còn con voi ma mút đó trở thành niềm tự hào của những người yêu thiên nhiên nước Nga ngày ấy. Năm 1980, anh trở về nước cùng những hy vọng, hăm hở, nhiệt huyết nhưng tất cả đành phải tạm gác lại, dành chỗ cho toan tính về miếng cơm manh áo. Thất vọng, anh xin đi làm đội trưởng, kiêm phiên dịch cho công nhân Việt Nam tại một nhà máy dệt lớn của Liên Xô. Nhưng bởi lòng yêu nghề thôi thúc, thời gian rảnh rỗi, anh thường lang thang đến các bảo tàng động vật, thư viện, hết quan sát, đọc sách lại mày mò mua hóa chất về pha chế, ngâm tẩm, nhồi và tạo hình chim thú. Tri thức và kinh nghiệm nhờ đó ngày càng dày dặn theo năm tháng. Với anh, bao giờ cũng phải cân nhắc rất kỹ xem con vật cần được tạo mẫu thuộc loài nào, sống trong môi trường sinh thái ra sao… rồi mới bắt tay vào làm, bởi không đơn giản là phục dựng nguyên dạng hình dáng mà cần thổi vào cơ thể đó cái hồn, làm cho người xem tưởng như con vật đang đi lại hoặc bắt mồi, nếu không thì đó chỉ là một miếng da nhồi bông mà thôi. Chính anh là người đã tạo hình đôi sao la, một trong số những loài thú hiếm nhất trên thế giới được đưa về nuôi để nghiên cứu đã chẳng may bị chết. Khi nhận được bộ da và xương của đôi sao la, anh không ít lo lắng. Đây là loài thú lạ hàng trăm năm mới phát hiện được ở Việt Nam nên chưa có bất kỳ sách vở nào viết về chúng, càng không có một tài liệu nào nói về giải phẫu và sinh thái học của chúng. Phải làm sao để chính các nhà sinh thái học chấp nhận là điều vô cùng khó.

4. Năm 1998 ấy, Viện trưởng Viện Sinh thái - GS-TS Vũ Quang Côn nói với tôi rằng: “Các biến động địa chất - khí hậu, sức tàn phá của các cuộc chiến tranh triền miên cộng với những luồng dân di cư ồ ạt và việc xuất khẩu một cách nhộn nhịp sang Hồng Kông, Thái Lan và nhất là Trung Quốc các loài động vật trong thời gian gần đây là một mối đe dọa lớn đối với sự tổn thất về đa dạng sinh học và làm nghèo vốn động vật, đặc biệt là những loài quý hiếm vốn là đặc hữu của đất nước. Trong rất nhiều nguyên nhân, kinh tế là một yếu tố chính dẫn tới việc các loài động vật giảm sút rất nhanh về số lượng. Có những con thú nhỏ như cáo, mèo ri, cu li; chim như cốc đế, quạ khoang, ác là; côn trùng như cà cuống… một thời hết sức quen thuộc đã đi vào các huyền tích và thành ngữ dân gian, nay đang đứng trước thực trạng có thể chỉ còn trong sách giáo khoa. Chính vì vậy bảo vệ nguyên vị (insitu - bảo vệ động vật tại hệ thống vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên), bảo vệ chuyển bị (exsitu - bắt nuôi một số loài rất hiếm mà hiện còn rất ít ngoài thiên nhiên hoặc nơi sinh sống của chúng không đủ điều kiện đảm bảo cho sự phát triển) và bảo tàng động vật là một trong những hình thức quan trọng mà quốc gia nào cũng sử dụng để bảo trì và nghiên cứu phục vụ khoa học cơ bản”. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, được biết khoảng năm 2025, Bảo tàng Thiên nhiên quốc gia xây dựng trên diện tích hơn 30ha sẽ được ra mắt để công chúng cả nước thỏa thuê chiêm ngưỡng. Ở đó hội tụ công sức rất lớn của nhiều thế hệ những người làm khoa học Việt Nam đã bỏ cả cuộc đời để theo đuổi một thế giới đã mất, đang tiếp tục mất mát và sẽ còn phải chịu đựng nhiều tổn thương.

5. Anh Tương Lai đã nghỉ hưu được mấy năm, đợi tôi bên cột cây số cách TP.Thái Nguyên 30km. 18 năm không có dịp gặp lại nhưng tôi vẫn nhanh chóng nhận ra phong thái nhiệt tình một cách đặc biệt ngày nào, có chăng tóc anh ấy đã bạc nhiều, sợi bạc lẫn lộn với những sợi hung vàng của những tháng năm nắng mưa vất vả. Đường về xóm nhỏ qua nhiều ruộng lúa bãi ngô, qua cả một cái cầu treo đung đưa vắt vẻo bề ngang chỉ đủ cho một chiều xe máy. Anh gọi, vợ anh người nhỏ nhắn từ gian bếp bước ra mỉm cười chào nhỏ nhẹ, phác một cử chỉ lễ nghi rồi trở lui với việc dở dang. Anh khoe tấm da hổ đang căng trên tường, vốn xin được ở bản trong một chuyến đi công tác ở Nghệ An, khi người dân đang ướp muối. Anh kéo tay tôi, em nhìn đi, có thấy bộ ria mép còn nguyên kia không? “Bộ này có thể để được hàng trăm năm, coi như đồ gia bảo”, anh cười, gương mặt hồng lên chất phác. Nghề nào cũng có trạng nguyên, anh ấy là trạng nguyên trong nghề của mình, tôi nghĩ vậy.

Lâu ngày mới gặp lại, chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện. Nhân chuyện hổ, tôi nói về một con hổ nhồi mà mình nhìn thấy ở UBND huyện Mù Căng Chải trong một lần đi làm phóng sự. Anh gật đầu, con hổ ấy cực lớn, có thể nói là lớn nhất vài chục năm trở lại đây, nhưng nó quá già nên lông bị trụi đi nhiều, nhồi không đẹp. Con hổ ấy tôi thấy mười mấy năm về trước, bày trong căn phòng tầng hai của một huyện vùng cao hẻo lánh thưa vắng bước chân người, sao anh ấy lại biết được điều đó? Anh Tương Lai cười, có một con hổ trắng cực hiếm vừa mới chết, người ta đang giữ xác nó trong ngăn lạnh, rất muốn nhờ anh trực tiếp nhồi để giữ lại. Nhưng anh từ chối, nhường cho các cán bộ trẻ của viện làm, “lương chúng nó chỉ hơn 3 triệu đồng/ tháng, lương hưu mình hơn 4 triệu/tháng, sống ở quê thế này là cũng được rồi”. Và anh gửi cho tôi tập tài liệu đúc rút sau một đời làm nghề, đầy đủ cách thức xử lý mẫu sơ bộ trên thực địa, với cả mẫu thú, chim, bò sát, ếch nhái; dụng cụ và hóa chất sử dụng; phương pháp làm mẫu; phương pháp bảo quản, phòng lưu giữ mẫu, tủ đựng mẫu; chương trình đào tạo cán bộ làm mẫu động vật… Anh bảo, vì tôi làm nghề báo nên cứ giữ lấy, tiện có dịp thì công bố hoặc ai thực sự cần thì gửi đi cho họ. Nhà khoa học không có vân tay của tôi cười phúc hậu đến lạ lùng.

Chúng tôi ăn với nhau một bữa cơm người nhà. Tiễn tôi qua cầu treo, hình như anh có đứng nhìn theo một đoạn. Lúc ấy tôi mới có cảm giác rõ rệt rằng, các nhân vật phóng sự mà mình có duyên được gặp đáng thương mến biết nhường nào…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/nguoi-khong-co-van-tay-519404.bld