Người kể chuyện dân tộc mình

Dù viết văn hay vẽ tranh, vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng người Tày ở Trùng Khánh (Cao Bằng) cứ trở đi trở lại trong sáng tác của Hoàng A Sáng. Nó trở thành một cõi riêng đặc sắc, một miền A Sáng để dù bây giờ có sống xa quê hương, vùng đất đó vẫn luôn được nhắc tới, được tri ân.

Cả đời để kể chuyện quê hương

Hoàng A Sáng người dân tộc Tày, sinh ra ở bản Pác Thay (Trùng Khánh - Cao Bằng). Anh sinh năm 1976, cả tuổi thơ gắn bó với vùng đất của những hạt dẻ, của những thầy mo và ngọn núi mù sương. Lớn lên, A Sáng rời làng bản xuống Hà Nội theo học môn nghệ thuật hội họa.

Ra trường, A Sáng có thời gian làm họa sĩ trình bày báo Văn Nghệ. Thời gian này, thi thoảng lại thấy A Sáng viết. Những bài viết về bản Pác Thay của anh, với rất nhiều câu chuyện hấp dẫn. Đặc biệt, tới năm 2011, A Sáng ra mắt cuốn tiểu thuyết dày dặn xoay quanh cuộc đời cô gái người Tày tên Nhình, từ bản Pác Thay xuống Hà Nội học rồi dấn thân vào vòng quay chóng mặt của đô thị, vào sự khốc liệt của cuộc cạnh tranh giữa một đời sống đang thoái hóa để có thể kiếm thật nhiều tiền... Cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy có tựa đề “Thân xác”, ban đầu anh đặt tên là “Hạt dẻ non”, như một ẩn dụ cho văn hóa của người Tày.

Họa sĩ, nhà văn Hoàng A Sáng.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: “A Sáng chọn hạt dẻ để làm biểu tượng văn hóa người Tày Trùng Khánh. Hành trình của cái hạt dẻ chính là hành trình của cuộc đời cô gái. Hành trình một nền văn hóa của cộng đồng nhỏ hay lớn cũng vậy. Nó luôn luôn phải đương đầu với những thách thức đến tàn bạo và nguy hiểm từ một đời sống phi nhân tính, phi văn hóa để tồn tại và tỏa sáng”.

Đọc cuốn sách mới thấy A Sáng rất nặng lòng với quê hương bản quán của mình, nặng lòng với những phận người trong trên vùng non cao Trùng Khánh. Nhưng chưa hết, cái bản Pác Thay ấy còn trở đi trở lại trong nhiều trang viết của A Sáng. Hơn 300 trang tiểu thuyết vẫn chưa tải hết những câu chuyện quê hương, vì thế, năm 2015, A Sáng tiếp tục ra mắt cuốn tản văn “Những giấc mơ màu hạt dẻ”.

Những bài tản văn trong cuốn sách này lại một lần nữa cho thấy tình yêu của anh với nơi chôn nhau cắt rốn. A Sáng đã viết bởi một tình yêu giản dị và chân thành về quê hương và tâm niệm “sẽ dành cả đời để kể chuyện về vùng đất Cao Bằng, về bản Pác Thay yêu dấu”.

Sống thực sự với tinh thần dân tộc mình

Khi trang văn còn chưa nguôi sức ám ảnh về những nét văn hóa, biến đổi của cộng đồng dân tộc Tày ở Trùng Khánh (Cao Bằng) thì những ngày cuối tháng 10 năm nay, A Sáng lại khiến người ta bất ngờ khi đứng trước hơn 40 bức tranh sơn dầu khổ lớn.

Những bức tranh như lời tự tình, lời kể chuyện về người Tày với một phong cách hội họa đã tạo được dấu ấn riêng. Và, A Sáng đã quyết định làm cuộc triển lãm đầu tiên đúng khi bước sang tuổi 41. Triển lãm có tên “Miền A Sáng”.

Nói về cuộc triển lãm này, A Sáng tâm sự: “Bước vào tuổi 40 tôi bắt đầu mơ hồ cảm nhận được cái bên trong- con người thật- sự tĩnh lặng- cái riêng tư của chính mình. Cũng khi đó, màu sắc, bố cục, mảng miếng, đường nét... trong hội họa của tôi mới thực sự định hình”.

Quả thực, trước đây, đã từng xem những bức tranh của A Sáng vẽ, nhưng bạn bè vẫn chưa nhận ra được nét riêng, ngôn ngữ riêng của A Sáng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể: “Hoàng A Sáng sống ở Hà Đông cùng tôi, bởi thế tôi chứng kiến sự sáng tạo của anh một cách có hệ thống. Có nhiều lúc, Hoàng A Sáng đã bất lực khi anh đứng nhìn những bức tranh của anh vừa mới vẽ đêm hôm trước.

Và có lúc, tôi cảm giác rằng anh sẽ từ bỏ con đường sáng tạo của màu sắc và hình khối ấy. Có một thời, anh vẽ rất nhiều những bức tranh với hình trang trí thổ cẩm, những chiếc gùi, những chiếc váy của phụ nữ dân tộc... nhưng cho dù dựa vào rất nhiều những di sản của dân tộc mình, Hoàng A Sáng vẫn chỉ là kẻ minh họa mà thôi. Hoàng A Sáng vẫn đứng ngoài dân tộc anh. Anh vẫn đứng ngoài con người anh và bởi thế không ít những bức tranh của anh chỉ là những kẻ xa lạ đi qua cái làng Pác Thay hay cái xứ Trùng Khánh của anh với đầy hờ hững”.

Chính A Sáng cũng thừa nhận: “Tôi đã vẽ nhiều năm, thử nghiệm với rất nhiều kiểu tạo hình, nhưng đó vẫn là thứ lộn xộn chưa thể trung thực với chính mình, hoặc còn ảnh hưởng bởi ai đó một cách vô thức. Nhiều lúc cảm thấy bất lực, tuyệt vọng và đôi khi tự cho rằng mình không thực sự có duyên với hội họa”.

Thế nhưng, trong nỗ lực đi tìm chính bản thân mình, nỗ lực muốn kể chuyện dân tộc mình trong ngôn ngữ hội họa, A Sáng vẫn kiên nhẫn làm việc. Sau những ngày mệt nhoài với nghề báo, đêm đêm, A Sáng lại thức với cõi riêng tĩnh lặng. “Hầu như đêm nào tôi cũng vẽ. Đã hơn 15 năm nay chưa bao giờ tôi nghỉ vẽ về đêm”, A Sáng nói. “Cho đến một ngày tôi nhận ra chính mình bằng ngôn ngữ hội họa. Nó không thể khác được nữa, nó chính là tôi- cái bên trong sâu thẳm”.

Bây giờ thì những bức tranh của họa sĩ người dân tộc Tày Hoàng A Sáng đã “lộ sáng”, để lan truyền những câu chuyện về vùng đất, về những sắc màu văn hóa. Họa sĩ Thành Chương là một trong những người đầu tiên được xem những bức tranh “vẽ trong bóng tối” của A Sáng đã thẳng thắn nhận xét: Biết A Sáng từ ngày còn chân khô chân ướt rời miền cao xuống miền bằng thoắt đã mấy mươi năm. Đầu lúc nào cũng ong ong trăn trở. A Sáng là ai? Nghệ thuật của A Sáng là gì? Và rồi chợt sửng sốt ngỡ ngàng trước một “Miền A Sáng” đầy tràn những cảm xúc đắm say, đớn đau, ngây ngất. Rần rật trong máu với miền rừng sáng trong, hồn nhiên chân chất. Bí ẩn, thâm trầm, vi diệu với cõi thần phật linh thiêng. Tất cả ào ạt tuôn trào, hòa quyện thành nơi chốn tạo hình lung linh đẹp đẽ. Một miền nghệ thuật hội họa rất độc đáo, rất riêng mang tên “Miền A Sáng”.

Nhìn ngắm những bức tranh trong “Miền A Sáng” nhiều người giật mình, nhiều người có cảm giác như tan chảy. Tan vào cõi riêng, miền riêng; tan vào những nhân vật, những vùng cây, vùng rừng đậm hồn vía người Tày ở bản Pác Thay… Hay nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hoàng A Sáng đã sống thực sự với tinh thần của dân tộc anh.

Chính thế mà tinh thần và vẻ đẹp của dân tộc anh đã hiện ra trong một vùng văn hóa khác và trong chính thế giới hiện đại mà anh đang sống trong nó. Những hình thức bên ngoài của dân tộc anh được loại đi rất nhiều như áo váy thổ cẩm, trang sức bạc đồng, nhà sàn hay núi non... để cho cái văn hóa và tinh thần bên trong của dân tộc anh hiển lộ. Đấy chính là nghệ thuật, đấy chính là văn hóa.

Ngọc Hân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/nguoi-ke-chuyen-dan-toc-minh/133131