Người Iraq sẽ đổi đời sau bầu cử ?

NDĐT- Cuộc bầu cử ủy ban chính quyền cấp tỉnh được tổ chức vào ngày 20-4 tới đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq hồi tháng 12-2012. Trong chiến dịch tranh cử trước cuộc bầu cử hội đồng địa phương, người ta chua chát rằng thậm chí cả những người chết cũng được vận động bỏ phiếu.

áp- phích tranh cử treo cả ở khu nghĩa địa

“Người chết cũng không yên”

Hàng loạt những tấm biểu ngữ nhiều mầu sắc rực rỡ bao phủ khắp các con đường và được treo quanh các nghĩa trang rộng lớn ở thành phố thánh địa Najaf của người Shiite, tìm cách làm mủi lòng hàng trăm người đưa tang đi qua đây mỗi ngày.

Hơn 8.000 ứng cử viên từ hàng chục khối cử tri, trong đó bao gồm cả vô số các đảng nhỏ mà ít ai biết đến, đang trong cuộc chạy đua. Ở thành phố Najaf ở miền nam Iraq, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ứng cử viên rất rõ ràng. Áp-phích in hình các ứng cử viên được treo trên các khoảng trống nhỏ hẹp giữa các ngôi mộ san sát và các bức tường lăng mộ.

Một số cử tri, trong đó có ông Haider Khazim, một nhân viên nhà nước đã về hưu ở tuổi 46, nói nhận xét rằng điều này thật thiếu tế nhị. Ông đã phải lách qua các áp-phích này khi đi chôn cất một người họ hàng hồi tháng trước. Ông nói: “Thậm chí cả người chết cũng bị lôi kéo trở thành một phần của vở hài kịch bầu cử này”. Ông nói thêm: “Chúng tôi biết rằng những người chạy đua trong cuộc bầu cử này đang trông đợi được hưởng những khoản lương khổng lồ, những đặc quyền và một phần trong các hợp đồng với chính phủ. Việc làm sao để chấm dứt nỗi thống khổ của người dân trong tỉnh của họ là điều cuối cùng xuất hiện trong đầu họ”.

Bình mới rượu cũ

Mặc dù cuộc bầu cử cho các vị trí thuộc chính quyền trung ương, thí dụ như bầu thủ tướng hay quốc hội phải tới sang năm tới mới diễn ra, nhưng cuộc bầu cử lần này dù vậy vẫn sẽ là một phép thử quan trọng đối với phái chính trị người Shiite của Thủ tướng Nouri al-Maliki đang chiếm đa số trên chính trường.

Kết quả cuộc bầu cử sẽ là một thước đo quan trọng về sự ủng hộ đối với rất nhiều các khối chính trị đang hướng tới cuộc bầu cử toàn quốc vào năm 2014. Ông Al-Maliki không bác bỏ khả năng sẽ tìm cách ở lại vị trí một nhiệm kỳ thứ ba bất chấp những cáo buộc từ phía các đối thủ rằng chính quyền của ông là một chính quyền độc tài.

Một cuộc bầu cử không có bạo lực cũng sẽ là một chiến thắng đối với lực lượng cảnh sát và quân đội, những người đang phải đối mặt với sự nổi dậy của mạng lưới khủng bố al-Qaeda đang hồi sinh.

Những chiến binh Hồi giáo cực đoan đang tìm cách gây chú ý trong thời gian chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử. Cho đến nay, ít nhất đã có 13 ứng cử viên đã bị giết hại. Hồi đầu tháng, một kẻ đánh bom liều chết đã tự kích hoạt khối thuốc nổ trên người hắn tại một buổi tiệc do một ứng cử viên người Sunni tổ chức tại TP Baqouba. Rất may là ứng cử viên này vẫn sống sót.

Thứ 7 tuần trước, các binh lính và cảnh sát đã bỏ những lá phiếu đầu tiên trong vòng bầu cử đặc biệt. Ali Talib, một cảnh sát 27 tuổi đang bỏ phiếu lần đầu tiên trong đời tại một trường học được canh gác cẩn mật ở Baghdad, nói: “Tôi đang chờ đợi một sự thay đổi thực sự. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên mà chúng tôi hoàn toàn tự chủ trong việc điều hành và bảo vệ tiến trình bầu cử”.

Song, sự tức giận của công chúng về các dịch vụ nghèo nàn, nạn tham nhũng cũng như triển vọng công việc mờ mịt đang trở nên phổ biến trên khắp đất nước Iraq. Ở rất nhiều thành phố, trong đó có cả thủ đô Baghdad, người dân phải chịu khổ sở vì thiếu hụt nguồn điện sinh hoạt ổn định, hệ thống đường phố đổ nát và hệ thống nước thải ọp ẹp.

Các hội đồng địa phương thì tranh đấu với các nhà lãnh đạo quốc gia ở Baghdad về việc làm thế nào để tiêu hết số tiền được dành cho việc phát triển các tỉnh thành. Các hội đồng cấp tỉnh thì liên tục phàn nàn rằng họ bị trói buộc bởi những hạn chế về cách chi tiêu ngân quỹ mà chính quyền trung ương đã đặt ra.

Ông Jose Maria Aranz, nhà tư vấn bầu cử thuộc phái bộ LHQ ở Iraq cho biết, lần bầu cử này, các quan chức bầu cử Iraq sẽ phân phối các ghế sử dụng một công thức mới. Với công thức này, tỷ lệ phần trăm số ghế mà một đảng giành được sẽ gần như tương ứng với phần trăm số phiếu được bỏ cho họ. Trước đây, các đảng không đạt được số phiếu tối thiểu thì những phiếu bỏ cho họ sẽ bị loại bỏ toàn bộ. Trong khi đó, những đảng giành được nhiều phiếu nhất thường giành được một lượng ghế lớn không tương xứng ngay cả khi họ không giành được đa số tuyệt đối. Ông Aranaz nói: “Các hội đồng cấp tỉnh sẽ trở nên có tính đại diện hơn, và sẽ có ít phiếu bị lãng phí hơn”.

Thờ ơ và chia rẽ

Sự phát triển trì trệ trong suốt một thập kỷ sau cuộc xâm lược năm 2003 của Mỹ đã tạo ra vô số những cử tri, nếu không phải là hết sức hoài nghi, thì cũng thờ ơ với thời cuộc. Trên một số con đường ở Baghdad, một số kẻ phá hoại đã gỡ bỏ một chữ cái Ả-rập trong một biểu ngữ được sử dụng rộng rãi “Tỉnh của tôi là ưu tiên đầu” và khiến nội dung nó trở thành “Ví của tôi là ưu tiên đầu”. Còn những người hài hước trên mạng thì sắp xếp lại biểu ngữ tranh cử của khối chính trị của ông Maliki từ “Xây dựng và Quyết tâm” trở thành “Nổ tung và Loại trừ”, một sự ngụ ý tới cảm giác của rất nhiều người Hồi giáo dòng Sunni rằng họ đã bị chính phủ của người Shiite đẩy ra bên lề xã hội.

Ứng cử viên Murtada al-Bazouni, một thành viên của khối Nhà nước Pháp quyền của ông al-Maliki, nói rằng ông hiểu được sự thất vọng của các cử tri. Nhưng ông vẫn thúc giục họ tham gia bầu cử bởi “việc tẩy chay cuộc bầu cử chỉ có tác dụng giúp các gương mặt cũ quay trở lại”.

Lần gần đây nhất người Iraq bỏ phiếu, trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2010, liên minh Nhà nước Pháp quyền do người Shiite chiếm đa số của ông al-Maliki đã phải đối mặt với một sự cạnh tranh mạnh mẽ từ khối Iraqiya, một phái giành được sự ủng hộ cả từ những người Sunni lẫn những người Shiites thế tục.

Những người Shitte chiếm đa số ở Iraq đã liên tiếp nắm quyền lãnh đạo các chính phủ Iraq kể từ khi ông Saddam Hussein và chính quyền của người Sunni của ông bị lật đổ hồi năm 2013.

Khối Iraqiya cũng tham gia chạy đua trong cuộc bầu cử này, nhưng giờ đây họ đã trở nên rời rạc hơn. Những nhân vật nổi bật, thí dụ như ông Osama al-Nujaifi, người phát ngôn của Quốc hội hay Phó Thủ tướng Saleh al-Mutlaq, những người trước đây từng thuộc khối Iraqiya, đang tìm cách trợ giúp cho những ứng cử viên của chính họ thay vì chạy đua dưới biểu ngữ của khối Iraqiya.

Ở Baghdad và khu vực miền nam do người Shiite chiếm đa số, đảng Nhà nước Pháp quyền của ông al-Maliki còn phải đối mặt với sự thách thức từ phía các đối thủ người Shiite như Hội đồng Hồi giáo Iraq tối cao và đảng Khuynh hướng Sadrist của tu sĩ Muqtada al-Sadr có tư tưởng chống Mỹ, cả hai đều là những đồng minh gần gũi với những người Shiite ở Iran. Một sự trình diễn mạnh mẽ của họ có thể sẽ giúp họ huy động được một cơ sở chính trị vững chắc và làm xói mòn sự ủng hộ đối với khối của ông al-Maliki trong cuộc bầu cử toàn quốc trong năm tới.

Sáu trong số 18 tỉnh của Iraq sẽ không tham gia bầu trong cuộc bầu cử này. Cử tri ở ba tỉnh hợp thành khu tự trị của người Kurd ở miền bắc, vốn có một chính quyền khu vực riêng, sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương được tổ chức riêng vào cuối năm nay. Còn các cử tri ở trong tỉnh Kirkuk của người dân tộc thiểu số và có nhiều dầu mỏ đã không được bỏ phiếu bầu các quan chức địa phương từ năm 2005 tới nay bởi những người dân ở đây không chấp nhận một công thức chia sẻ quyền lực ở tỉnh này.

Nội các Iraq, do những lo ngại về an ninh, đã quyết định trì hoãn cuộc bầu cử trong gần sáu tháng tại các tỉnh Anbar và Ninevah, nơi những người Sunni chiếm đa số. Ở hai tỉnh này, những cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra liên tiếp trong nhiều tháng nay. Sự trì hoãn này không được nhiều cử tri hoan nghênh và nó cũng làm dấy lên sự nghi ngờ về sự tin cậy của cuộc bầu cử.

Vậy liệu thực tế rằng cảnh sát và quân đội bỏ phiếu bầu sớm hẳn một tuần so với các cử tri khác trong cả nước, đồng nghĩa với việc lá phiếu của họ sẽ phải được bảo quản trong một khoảng thời gian lâu hơn thế. Trong quá khứ, cảnh sát và quân đội chỉ bỏ phiếu sớm hơn một, hai ngày so với các cử tri khác.

Thành viên của các lực lượng an ninh được phỏng vấn hôm thứ 7, ngày 13-4, nói rằng chỉ huy của họ thuyết phục họ đi bầu mặc dù bác bỏ việc họ bị ép phải bỏ phiếu cho một khối chính trị nhất định nào. Ông Adnan, Hameed, một cảnh sát thuộc khu vực bỏ phiếu ở Baghdad, nói rằng ông hy vọng tất cả các đồng đội của mình sẽ đi bỏ phiếu và bỏ cho khối của ông al-Maliki. Ông nói: “Họ có sức mạnh và sự quyết tâm để đánh bại quân khủng bố, và họ là những người trung thực”.

Còn nhà phân tích chính trị Hadi Jalo thì dự đoán rằng sẽ có một nửa trong số 16 triệu cử tri Iraq đã đăng ký sẽ đi bỏ phiếu. Ông dự báo rằng rất nhiều người trong số đó sẽ đi bỏ phiếu bởi sự trung thành của họ hơn là vì một niềm tin rằng lá phiếu của họ sẽ mang lại một sự thay đổi có ý nghĩa. Ông nói: “Những cử tri đó tin rằng việc bỏ phiếu cho những người thuộc bộ lạc hay giáo phái của mình là một nghĩa vụ”.

MINH TRUNG

(Theo AP)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/nhan-dinh-tu-lieu/item/20125902-.html