Người Iran chọn con đường cải cách

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tái đắc cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 19-5. Theo thông báo của Bộ Nội vụ Iran ngày 20-5, với hơn 40 triệu phiếu đã được kiểm, ông H.Rouhani giành được gần 23 triệu phiếu, tương đương 57%. Trong khi đó, đối thủ chính thuộc phe bảo thủ Ebrahim Raisi giành được 15,7 triệu phiếu, tương đương 38,5%.

Tổng thống Iran H.Rouhani tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Mặc dù có 4 ứng cử viên tham gia tranh cử nhưng đây thực chất là cuộc đua giữa Tổng thống đương nhiệm H.Rouhani thuộc phe ôn hòa theo đường lối cải cách với đối thủ là ông E.Raisi, giáo sĩ theo đường lối cứng rắn, thân cận với Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Cuộc bầu cử tại nước Cộng hòa Hồi giáo diễn ra trong bối cảnh Iran đã phần nào thoát khỏi sự phong tỏa của Mỹ và phương Tây sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran ký với Nhóm P5+1 có hiệu lực từ tháng 1-2016, mở đường cho việc bãi bỏ một phần các lệnh trừng phạt quốc tế. Sự kiện mang tính bước ngoặt này vốn được xem là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống H.Rouhani. Nó không chỉ giúp Iran giảm bớt áp lực về kinh tế lẫn ngoại giao, mà còn trở thành đòn bẩy khiến ông H.Rouhani nhận được nhiều lá phiếu của cử tri và giành chiến thắng để tiếp tục lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới.

Thực tế, trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống H.Rouhani, kinh tế Iran được thổi những "luồng gió mới" với hầu hết các điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể so với 2 nhiệm kỳ lãnh đạo đầy khó khăn của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Chính phủ của ông H.Rouhani đã thành công trong kế hoạch giành lại thị phần đã mất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô hiện ở mức tương đương và cao hơn mức trước thời điểm bị trừng phạt. Nhiều thỏa thuận thương mại, tài chính, năng lượng đã được ký kết với các đối tác lớn. Khoảng 9,5 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm 2016 là kết quả cụ thể của chính sách mở cửa mà nước này đang tích cực triển khai. Cùng với đó, lạm phát đã giảm mạnh từ khoảng 40% năm 2013 xuống còn 7,5% năm 2016, trong khi tăng trưởng kinh tế đạt 7%.

Đáng kể hơn là việc Iran dần thoát khỏi sự cô lập với vị thế ngày càng được nâng cao. Tehran hiện đang là một bên chủ chốt tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, tham gia bảo trợ cho vòng đàm phán hòa bình Syria ở Astana nhằm giúp giảm căng thẳng tại quốc gia này.

Trong khi đó, mặc dù được Đại giáo chủ Ali Khamenei hậu thuẫn, song ông E.Raisi không phải là một chính trị gia có nhiều kinh nghiệm. Trong quá trình tranh cử, chính trị gia này tuyên bố Iran không cần sự trợ giúp của nước ngoài và cam kết phục hồi các giá trị của Cách mạng Hồi giáo 1979. Theo nhận định của giới truyền thông quốc tế, nếu ông E.Raisi đắc cử, nhiều khả năng quan hệ giữa Iran - Mỹ - phương Tây sẽ rơi vào trạng thái khó khăn, khiến tình hình Trung Đông sẽ phức tạp hơn.

Thế nên, chiến thắng của Tổng thống H.Rouhani là minh chứng rằng cử tri vẫn coi ông là một người đáng tin cậy nhất trong hệ thống chính trị Iran. Số đông cử tri cho rằng việc ông tái cử sẽ có lợi cho đất nước trong việc thiết lập các kênh hợp tác với các cường quốc và các nước trong khu vực, qua đó giúp phục hồi nền kinh tế sau nhiều năm cấm vận.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống H.Rouhani sẽ gặp không ít thách thức. Iran hiện đang đứng trước tình trạng chia rẽ nội bộ sâu sắc giữa những người theo đường lối cứng rắn và những người ôn hòa, chủ trương cải cách. Quan hệ giữa Iran và Mỹ đã có những dấu hiệu căng thẳng trở lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố xem xét lại thỏa thuận hạt nhân và áp dụng một số lệnh trừng phạt mới.

Dẫu vậy, sự kiện ông H.Rouhani tái cử Tổng thống được coi là phép thử đối với những thành tựu mà chính quyền của nhà lãnh đạo ôn hòa đạt được trong thời gian qua, đồng thời là cơ hội để Tổng thống tái cử Iran tiếp tục tiến hành những dự định cải cách, tích cực đưa Tehran hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Binh-luan/869340/nguoi-iran-chon-con-duong-cai-cach