Người hùng ở Mã Đà, coi bảo vệ rừng như đánh giặc

Có lẽ, khu rừng Mã Đà ở xã Tân Hòa, Đồng Phú, Bình Phước, là nơi còn nguyên vẹn nhất ở Bình Phước. Rất nhiều loại gỗ quý như lim xẹt, chò đen, gõ mật, dầu dái… cổ thụ vươn mình qua những tán rừng nhiều tầng...

Bình Phước xưa kia từng là một trong những tỉnh nhiều rừng nhất ở khu vực miền Đông nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng nay, cái diện tích nhiều nhất ấy không phải là rừng, mà có lẽ là… cao su.

Vì thế, những người tâm huyết một đời, bằng mọi giá bảo vệ khoảnh rừng thiên nhiên ít ỏi, thực sự là người hùng.

Có lẽ, khu rừng Mã Đà ở xã Tân Hòa, Đồng Phú, Bình Phước, là nơi còn nguyên vẹn nhất ở Bình Phước. Rất nhiều loại gỗ quý như lim xẹt, chò đen, gõ mật, dầu dái… cổ thụ vươn mình qua những tán rừng nhiều tầng, nhiều cây cổ thụ từ vài người đến cả chục người ôm mới xuể.

Để khu rừng còn được như hôm nay, đôi vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi và các đồng nghiệp khác đã trải qua bao sóng gió, hiểm nguy.

Cận cảnh rừng quý

Rừng Mã Đà nằm cách TX. Đồng Xoài 30 cây số. Hai bên con đường đã được trải nhựa, là bạt ngàn cao su. Đến khu vực rừng, đi thêm gần 1 cây số xuyên qua vườn cao su nữa, chúng tôi mới thấy khu lán trại của công ty B58, đơn vị được giao quản lý khu rừng này hiện ra dưới tán cây rừng chứ không phải cao su.

Do không hẹn trước nên khi đến, chúng tôi không gặp được vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút, có 2 người đàn ông đi vào.

Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi trong khu rừng ông bà được giao quản lý

Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi trong khu rừng ông bà được giao quản lý

Người đàn ông mặc đồng phục công an xã giới thiệu tên Đắc và cho biết: “Tôi là công an xã Tân Hòa, còn đây là bảo vệ rừng. Chúng tôi nghe báo có người lạ vào rừng nên đến kiểm tra”. Sau khi giới thiệu, tôi thắc mắc: “Trên đường vào, tôi có thấy ai đâu, sao các anh biết?”.

Anh cười: “Đơn giản thôi, vì mạng lưới tai mắt, trinh sát của ban quản lý rừng rải khắp nơi, anh chỉ cần mang một cây con ra khỏi rừng là có người lại “hỏi thăm” ngay. Nếu không làm sao giữ rừng như thế này được”.

Sau khi trao đổi, xin phép ban lãnh đạo B58 qua điện thoại, chúng tôi theo chân anh Đắc đi theo lối mòn vào rừng. Ngay đầu bìa rừng, một cây cây kơ nia cổ thụ, to đến 5-6 vòng tay người lớn, được “trưng dụng” làm bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. “Cây kơ nia này chưa to đâu, còn có cây đến 20 người ôm, nhưng ở sâu trong rừng”, anh Đắc nói.

Đang mùa mưa, khu rừng ẩm ướt, tầng lá mục dưới chân mềm như tấm nệm và mát rượi. Đi vào sâu chừng hơn chục phút, tận mắt thấy những thảm rừng còn nguyên vẹn, những cây cổ thụ cao đến vài chục mét, phải ngửa hết đầu ra sau mới thấy ngọn, chúng tôi “choáng ngợp”, quên cả việc quần áo đã bị nước mưa còn đọng lại trên cây rừng làm ướt sũng.

“Rừng này thuộc tiểu khu 379 Mã Đà, xưa là căn cứ cách mạng, là trụ sở của Bộ Tư lệnh miền Đông, nơi nhiều lãnh đạo lão thành cách mạng như tướng nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh… từng hoạt động. Cho nên, khu rừng này có giá trị rất lớn về lịch sử”, anh Đắc nói.

Tập thể những cựu chiến binh tham gia giữ rừng Mã Đà

Trên đường tham quan, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Trí, nhân viên bảo vệ, anh nói: “Tôi làm bảo vệ ở đây được 7 năm rồi. Bây giờ tụi lâm tặc không dám bén mảng đến đây nữa, vì chú Trường, cô Tươi và các chú hội cựu chiến binh làm bài bản, như đánh trận ấy, nên tụi nó không làm gì được. Chứ hồi đầu tụi nó làm dữ lắm. Nếu không có cô chú Trường, thì rừng này mất lâu rồi. Lâm tặc thì không có cửa vào phá, nhưng tôi nghe nói tỉnh muốn thu hồi để giao cho doanh nghiệp. Nếu giao thì tôi chắc chắn mất rừng luôn”.

Trần Ngọc Hoán, cựu học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, hiện là chốt trưởng chốt 3 của rừng. Anh chia sẻ: “Hiện nay mấy chốt gác bị tốc mái, hư hỏng hết rồi, chúng tôi muốn sửa nhưng chính quyền địa phương không cho. Ngay cả việc khoan giếng lấy nước sinh hoạt cũng không được”. Tôi hiểu những “cái gây khó” ấy là do trước đó tỉnh đã có quyết định thu hồi, nhưng chưa thực hiện được.

Bảo vệ rừng như đánh giặc

Rời rừng Mã Đà, chúng tôi trở ra TX.Đồng Xoài để gặp nữ cựu binh Nguyễn Thị Hồng Tươi. Ban đầu, bà tiếp chúng tôi không mấy mặn mà, sau khi trò chuyện tôi mới hiểu nguyên do. Ấy là hiện đang có những người đang muốn “xẻ thịt” khu rừng này nhưng do bị những cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử quyết tâm giữ nên họ chưa làm gì được.

Nói về những ngày đầu được giao giữ rừng Mã Đà, bà Tươi kể: “Chúng tôi từng tham gia kháng chiến, hiểu rõ nhất câu “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, và bây giờ, càng hiểu hơn rừng có giá trị như thế nào đối với con người.

Chưa kể, khu rừng này từng là căn cứ cách mạng, biết bao máu đồng đội chúng tôi đã đổ xuống, hài cốt họ còn nằm ở đây, nếu không bảo vệ được là có tội với họ, có lỗi với lịch sử, với các thế hệ sau. Chính vì thế, khi được giao, phải quyết hoàn thành nhiệm vụ, giống như nhiệm vụ đánh giặc vậy”.

Cây cổ thụ trong rừng Mã Đà

“Nhưng cô chú đã bảo vệ rừng như thế nào?”, tôi hỏi. Bà Tươi đáp: “Hồi mới nhận bảo vệ khu rừng này, chúng tôi giống như những người đã đạp đổ chén cơm của nhiều kẻ khác. Chính vì thế, họ hận tôi lắm. Một mặt bắn tin đe dọa, một mặt vẫn cứ tổ chức vào rừng khai thác với lực lượng hùng hậu hơn trước, để nếu gặp bảo vệ thì chống trả. Đã từng có bảo vệ của tôi bị đánh phải đi cấp cứu, chòi canh bị đập phá.

Tôi dành thời gian tìm hiểu từng đối tượng, sau đó tiếp cận, một mặt thuyết phục, phân tích cho họ hiểu, tư vấn họ tìm một nghề khác phù hợp để làm ăn. Tôi nói với họ rằng bây giờ rừng này không chỉ là cuộc sống của tôi mà còn là cuộc sống của cả cộng đồng, trong đó có các anh. Nếu các anh phá, tức là phá cuộc sống của tất cả.

Sau đó, tôi xây dựng mạng lưới tai mắt tại địa phương theo kiểu “cài răng lược”, tức là người này theo dõi người kia, kịp thời phát hiện những người “manh nha” ý đồ vào rừng kiếm chác để ngăn chặn. Cứ như thế, tình trạng phá rừng giảm dần, đến giờ thì dứt hẳn.

Hiện nay, lực lượng bảo vệ rừng chỉ có 30 người, nhưng đố anh mang được gì trong rừng ra. Nhưng quá trình làm tôi mới thấy một thực trạng là lâm tặc phá rừng không ăn thua gì so với những lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ rừng. Trong lần ra Hà Nội báo cáo thành tích, tôi cũng nói thẳng như thế”.

Bà Tươi cho biết, từ khi nhận giữ rừng đến nay, công ty B58 do vợ chồng bà làm giám đốc, đơn vị được giao giữ rừng Mã Đà, chưa nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ chính quyền, cũng chưa lấy bất cứ một chút nguồn lợi nào từ rừng. Bình quân mỗi tháng bà phải bỏ ra hơn 100 triệu để trả lương cho nhân viên và chi phí khác. Chi phí được lấy từ nguồn thu nhập riêng của gia đình.

"Tiền ai chẳng muốn, chỉ cần chặt một cây gỗ trong rừng ra bán là có cả trăm triệu đồng ngay, nhưng nếu biết nghĩ, để có một cây gỗ to như thế, phải mất cả trăm năm. Chưa kể vấn đề sinh thái, biến đổi khí hậu. Tiền nào đánh đổi được?”, bà Tươi nói.

Từ khi rừng Mã Đà được giao cho công ty B58 do vợ chồng cựu chiến binh Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi làm quản lý, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá rừng được bảo vệ tốt. Ngoài giá trị lịch sử, rừng Mã Đà hiện có hàng trăm cây cổ thụ. Trong đó 54 cây cổ thụ thuộc 13 loài được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.

Phúc Lập - Đoàn Trang

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguoi-hung-o-ma-da-coi-bao-ve-rung-nhu-danh-giac-post179668.html