Người hồi sinh trang phục cung đình

Làng thêu Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) từ lâu đã được biết đến với nghề thêu truyền thống, chuyên thêu long bào cho các triều vua phong kiến ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lịch sử, nghề thêu long bào cũng dần mất, những người biết nghề ngày càng thưa vắng. Làm sao để bảo tồn, giữ gìn và phục dựng mẫu thêu truyền thống là trăn trở của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi trong sự kiện “Tơ thanh, sợi óng, chỉ màu” tại không gian Six Space (94B Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Đam mê với nghề

Sinh ra và lớn lên tại cái nôi của nghề thêu Việt Nam, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã được tiếp xúc với những đường kim, mũi chỉ ngay từ nhỏ.

Hằng ngày, một buổi đến lớp, một buổi đi chăn trâu, tối đến Giỏi lại ngồi nhìn ông bà, cha mẹ thêu những con rồng, con phượng và học hỏi theo. Vì thế, lúc còn ít tuổi, Giỏi đã có thể thêu được những đường thêu rất khó, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Năm 10 tuổi, Vũ Văn Giỏi bắt đầu biết thêu và dần kế thừa cha ông nghệ thuật thêu rồng, thêu phượng. Dần dần anh học cách thêu áo vua và trang phục cung đình.

Học hết phổ thông, anh lên đường nhập ngũ. Năm Giỏi xuất ngũ trở về với làng quê, đó là những năm 90 của thế kỉ trước, kinh tế đất nước còn rất khó khăn.

Với vốn kiến thức về nghề thêu trong tay, Vũ Văn Giỏi đã trở lại với nghề truyền thống của gia đình. Lúc đó anh chỉ nhận thêu những trang phục lễ hội là chính.

Những năm 1993, 1994, có 1 người Việt kiều trong thời gian nghiên cứu và tìm hiểu các trang phục từ xa xưa, đặc biệt là trang phục cung đình đã tìm đến anh Giỏi.

Ban đầu là những bộ trang phục hát quan họ và một số trang phục in ấn khác. Sau đó cả 2 bắt tay vào nghiên cứu trang phục vua chúa các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Năm 1995, anh bắt tay vào làm lô áo đầu tiên. Đó là chiếc áo bào của hoàng tử đời nhà Nguyễn. Anh Giỏi cho biết, nhiều bộ trang phục làm hết một năm, thậm chí là hơn nên nhiều thời điểm anh như muốn bỏ cuộc, nhưng do đam mê nên đã bỏ qua tất cả để tiếp tục làm nghề.

Trăn trở bảo tồn, gìn giữ nghề thêu

Bảo tồn và phát huy những mẫu thêu cung đình xưa là điều mong ước và tâm huyết của nghệ nhân. Hiện nay, thôn Đông Cứu có 400 hộ dân, thì hơn một nửa số hộ theo nghề thêu.

Trong đó, có 14 xưởng có từ 10 thợ thêu trở lên. Ngoài nhận thêu trong nước, nhiều khách hàng ngoài nước cũng đến Đông Cứu đặt hàng.

Nhưng người dân Đông Cứu bây giờ phần lớn quay sang nghề thêu các mẫu hoa văn cổ trên những mặt hàng phục vụ hội hè và làm trang phục cho các đoàn văn công, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Vũ Văn Giỏi theo nghề xưa.

Anh Vũ Văn Giỏi cho biết, để phục chế bộ long bào thời xưa, nghệ nhân thêu phải làm suốt một năm. Loại trang phục này đòi hỏi tỉ mỉ, khắt khe, chính xác tới từng chi tiết như chọn tơ, xe chỉ, nhuộm màu, đường thêu...

Cụ thể như long bào thì phải dùng chỉ se hai chiều nhưng áo hoàng hậu chỉ được dùng loại chỉ se một chiều. Kim tuyến trên áo vua sẽ có màu riêng biệt, màu kim tuyến trên áo hoàng hậu cũng sẽ khác áo công chúa, hoàng tử...

Khoảng cách giữa các họa tiết trên các trang phục cũng hết sức quan trọng. Các loại khuy cài, họa tiết đính kèm có những yêu cầu khắt khe riêng.

Mỗi trang phục lại phải tìm đến một thợ để đặt làm cho từng chi tiết. Chỉ cần một sơ xuất dù là nhỏ nhất thì chiếc áo với bao tâm huyết lập tức trở thành vô giá trị.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi còn cho biết thêm, dựng một bộ áo không dễ. Riêng mũ cũng có 5 - 7 con rồng. Mỗi bộ lại còn đai, hia, sa kép (áo lót trong)…

Mỗi chiếc áo dùng hết hơn 14m vải, không phải nhiều người cùng làm một lúc được mà tối đa chỉ 3 - 4 người cùng làm. Có đủ hết nguyên liệu, chỉ tập trung vào phục dựng thì bộ áo đơn giản nhất cũng cần 4 thợ thêu trong vòng 5 tháng, còn bộ phức tạp nhất thì phải có tới 7 - 8 thợ thêu trong vòng 15 tháng.

Để hiểu về mẫu mã trang phục cung đình xưa, anh phải tự mày mò nghiên cứu qua sử sách, hoa văn, họa tiết trên các di vật còn lại trên bia đá cổ, đình, chùa, cũng như học hỏi các cụ già làm nghề thêu trong làng.

Chính vì sự khắt khe trong công đoạn thêu, gần 20 năm qua, gia tài của anh chỉ là 8 bộ trang phục của vua, hoàng tử, cung phi (còn 10 bộ được đưa đi triển lãm anh không lưu giữ).

Theo như anh Giỏi cho biết, để có được kết quả ấy, cũng không đơn giản. Cái giá phải trả không đong đếm được bằng tiền, nếu không có sự tâm huyết, lòng yêu mến văn hóa dân tộc và ước mơ hồi sinh các trang phục truyền thống cung đình thì không thể làm được.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi tâm sự: “Phục dựng trang phục cung đình đã thành nghiệp rồi. Dường như các vua “có chỉ” cho mình gắn bó với việc làm sống lại trang phục cung đình các triều đại”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nguoi-hoi-sinh-trang-phuc-cung-dinh-2629406-b.html