Người giữ hồn văn hóa dân tộc Dao ở Cao Bằng

Từ lâu nay, cái nghề chạm bạc hiếm có ai đạt đến độ thành thục như cụ Lý Dào Luồng, dân tộc Dao (sinh năm 1932) ở làng Phùng, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Nhưng không ít lần cụ đã bị người đời gán cho cái danh "người gàn dở" nổi tiếng một vùng sơn cước. Nói cụ gàn dở cũng không sai, bởi trong khi mọi người đang thi nhau phát triển kinh tế theo hướng hiện đại hóa nhằm thoát khỏi cuộc sống nghèo khó giữa núi rừng thì cụ lại hướng về những thứ hoài cổ - chạm bạc. Không ai biết rằng, ngoài niềm đam mê, cụ còn có ước muốn là giữ gìn và khôi phục cái nghề truyền thống này.

"Vua" chạm bạc Lý Dào Luồng.

Người "gàn dở" giữa núi rừng

Căn nhà hai tầng khang trang của gia đình cụ nằm giữa những dãy núi trùng điệp, xung quanh chỉ đá với đá, đẹp như một bức tranh được chạm khắc về thiên nhiên và con người nơi đây. Năm nay đã hơn tuổi bát tuần nhưng bàn tay của cụ vẫn còn rất nhanh nhạy. Cụ được mệnh danh là "vua chạm bạc" có nét mặt hiền lành và đậm chất hoang sơ của núi, được rất nhiều người yêu quý, mến mộ.

Ở vùng này, trang sức bằng bạc là vật làm đẹp cho các sơn nữ người dân tộc thiểu số, là vật không thể thiếu dùng làm của hồi môn cho con gái Dao tiền, Dao đỏ, Mông trước khi về nhà chồng. Đến ngày cưới, cô dâu sẽ lộng lẫy với những bộ trang sức bằng bạc, như: vòng cổ, vòng tay, xà tích, hoa tai, cúc bạc, nhẫn…

Cụ Luồng trầm ngâm kể lại: "Tôi sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc học hành dang dở, không đến nơi đến chốn vì còn suốt ngày phải giúp bố mẹ lên nương làm việc nuôi các em khôn lớn. Từ bé, tôi đã có niềm đam mê với những nét chạm khắc trên trang sức của phụ nữ dân tộc mình mà chính cha tôi chế tác. Mỗi khi rảnh, tôi lại ra ngồi trên mỏm đá trước cửa nhà để xem cha tôi chạm bạc, lâu lâu lại sang nhà các cụ trong làng để so sánh cách làm cũng như trình độ của từng người. Thấy tôi tỏ ra say mê quá nên nhiều người đã hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn, đặc biệt là cha tôi dành tất cả công sức để truyền nghề".

Những ngày đầu khi bước chân vào nghề chạm bạc, cụ Luồng gặp nhiều khó khăn vì chưa xác định được độ chín, nung chảy của bạc, nét chạm vẫn còn thô, chưa được hài hòa. Từng loại sản phẩm lại dùng các kỹ thuật khác nhau, vì vậy phải mất hơn một năm chăm chỉ tập luyện, các sản phẩm trang sức do cụ chạm mới hài hòa, mềm mại theo ý mình. Từ năm 20 tuổi, cụ Luồng bắt đầu sự nghiệp chạm bạc của mình, tài chạm của cụ đẹp và tinh xảo đến độ các xưởng chạm bạc thời đó đều dần bị mất khách, thậm chí một số bỏ nghề.

Cụ Luồng tâm sự: "Cách đây nửa thế kỷ, trang sức bằng bạc là vật bất ly thân của người phụ nữ Dao tiền nên nghề chạm bạc ở miền sơn cước còn thịnh hành và trang sức làm bằng bạc là sở thích của các thiếu nữ dân tộc vùng cao như: Tày, Mông, Dao đỏ, Dao tiền. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, người ta thậm chí còn mở cửa hàng chuyên chạm bạc mọc lên ở gần thị trấn, nơi có nhiều dân cư sinh sống".

Cụ Lý Dào Luồng hướng dẫn cháu trai cách chạm bạc.

Thu nhập từ chạm bạc của cụ Luồng cũng được kha khá. Các sản phẩm do cụ làm ra đã được tiêu thụ tại các chợ huyện: Nguyên Bình, Hà Quảng, Bảo Lạc, Thông Nông..., bán với giá một đôi vòng cổ là 11 triệu đồng, một đôi vòng tay 3 triệu đồng, một bộ xà tích 5 triệu đồng. Theo cụ Luồng, để làm được những sản phẩm này, người thợ lành nghề phải mất gần một tháng trời, tiền lãi hàng tháng cũng được khoảng 4-6 triệu đồng.

Hơn 60 năm làm nghề, cụ Luồng mới thấu hiểu được giá trị tinh tế của từng sản phẩm làm ra, trân trọng và tự hào về những trang sức mang bản sắc của dân tộc mình. Cụ cho hay: "Điều quan trọng đối với người làm nghề là phải biết gìn giữ, cải tiến phát triển những sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo, đẳng cấp hơn bằng sự khéo léo của bàn tay, sự nhanh nhạy của đôi mắt, sự kiên trì, nhẫn nại của ý chí và sự cảm nhận bằng tâm hồn của người thợ bạc. Số tôi may mắn được cha ông dốc tâm truyền lại nên đến giờ vẫn gắn bó".

Mỗi sản phẩm làm ra với cụ Luồng đều là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Cụ coi đó là một thú vui, một cách trải nghiệm cuộc sống và ngắm nhìn dòng đời xuôi ngược từng ngày trôi qua. Và hơn thế nữa, chạm bạc cũng là nét đẹp trong văn hóa của người dân tộc thiểu số nơi vùng cao này. Cụ bảo, chạm bạc cũng cần có năng khiếu nghệ thuật, có trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, khéo tay, bay bổng. Đồng thời, người thợ bạc cũng cần phải có cơ bắp và lòng kiên trì. "Chạm những nét, đường cong uốn lượn của bạc theo ý muốn không phải dễ, cũng phải tập kỳ công lắm. Hơn 60 năm làm nghề tôi vẫn chưa thấy hài lòng, đến giờ vẫn phải vừa làm vừa tập thêm", cụ Luồng cười hóm hỉnh.

Xưởng chạm bạc trên sơn cốc

Đã hơn 60 năm trôi qua, những người thợ cùng lứa với cụ đã từng bỏ nghề đi làm việc khác hoặc nghỉ hưu, nhưng riêng cụ Luồng với niềm đam mê vẫn kiên trì hằng ngày ngồi chạm những trang sức bằng bạc của khách đã tìm đến nhà cụ đặt hàng. Tuy nhiên, mấy năm nay cụ dành phần lớn thời gian đào tạo, truyền nghề cho hai thế hệ hậu duệ để nối nghiệp mình. Hiện cụ có ba người con trai, ba cháu trai cùng hai người con rể đang nối tiếp nghề do cụ truyền dạy và đã làm ra được các sản phẩm chạm khắc bạc.

Anh Lý Văn Chòi, cháu trai của cụ Luồng đang giới thiệu sản phẩm bạc trang sức của người Dao.

Cụ Luồng tự hào chia sẻ: "Tôi bây giờ ngày càng già yếu, phải tranh thủ quãng đời còn lại dốc tâm truyền thụ những kỹ năng, kinh nghiệm cho con cháu để sau này chúng nối nghiệp. Bởi vì, nghề chạm bạc hiện nay ở vùng này đã không còn mấy ai làm nữa nên cũng có khách đặt hàng đều đặn. Truyền nghề cho chúng nó cũng là để góp phần duy trì, phát triển nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình nói riêng và các dân tộc thiểu số khác ở vùng này nói chung".

Hiện giờ, kinh tế gia đình cụ Lý Dào Luồng đều do các con cháu cụ đảm nhiệm. Mặc dù ba người con trai đã tách ra ở riêng nhưng đều cùng làm chung nghề chạm bạc. Khi gặp khó khăn tất cả lại xúm nhau lại như một gia đình rồi tìm cách giải quyết, tìm cách phát triển và nâng cao tay nghề. Các công đoạn như đi mua nguyên, nhiên liệu, dụng cụ đồ nghề từ các huyện Thông Nông, Hà Quảng, Thạch An… cho đến quá trình đun, chạm, đan bạc đều được họ phân công nhau rõ ràng. Lợi nhuận thu về được chia đều cho nhau.

Anh Lý Kìm On (49 tuổi), người con trai thứ của "vua" chạm bạc cho hay: "Học cái nghề này gian nan lắm chú à. Đã hơn 20 năm làm nghề, đến giờ tôi vẫn còn nhớ những buổi đầu học những kỹ năng, thao tác cơ bản tôi phải mất hàng tháng trời mới quen tay. Từ công đoạn nhóm lò, kéo bễ thổi cho gió vào lò, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, cho đến chạm sản phẩm đều phải tuân thủ tuyệt đối mới có được sản phẩm như ý''.

Tôi chuyên về công đoạn chạm bạc. Đây là khâu công phu nhất trong quá trình hoàn thành sản phẩm nên cha tôi hay nhắc nhở, hướng dẫn tôi phải thành thục đến độ nhuần nhuyễn. Riêng khâu đan bạc làm dây chuyền là do phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm".

Một đại gia đình sống tách biệt trong thung lũng đá dốc thoai thoải, chỉ có vài ba ngôi nhà lẻ tẻ nhưng ở vùng này đồng bào dân tộc không ai không biết đến cái tên Lý Dào Luồng. Khi chúng tôi chuẩn bị ra về lại gặp được vợ chồng anh Lý Văn Linh đến đặt hàng làm đồ trang sức cho cô con gái hai tháng tới lấy chồng. Anh Linh bảo: "Gần đến mùa cưới rồi, vợ chồng phải tranh thủ đến đặt hàng trước, nếu không sẽ không kịp vì mùa này mọi năm có rất đông khách tìm đến đại gia đình Lý Dào Luồng đặt hàng. Chất lượng sản phẩm ở đây thì khỏi phải nghi ngờ gì nữa, bởi hàng chục năm nay đồng bào dân tộc luôn ưng cái bụng khi các sản phẩm đã qua "xưởng" chạm bạc Lý Dào Luồng.

Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Lý Dào Luồng rất yêu đời, vui vẻ bởi gia đình đã có người nối nghiệp. Điều đó cũng đồng nghĩa với nét văn hóa dân tộc Dao xưa kia vẫn còn được con cháu giữ gìn và phát triển. Vì vậy, ánh mắt cụ Luồng giờ đây hiện rõ niềm hi vọng, tự hào khi nhìn vào các con cháu của mình

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/cuocsong/muonmaucs/2014/7/188335.cand