Người giàu không chuộng, người khó chẳng màng

Bên cạnh vấn đề về túi tiền của bà con khu vực nông thôn còn hạn hẹp, hiểu biết chưa đầy đủ về ích lợi của việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thì không ít địa phương người dân có của ăn của để, hiểu biết nhiều vẫn thờ ơ với việc mua thẻ BHYT cho con là học sinh (HS). Nguyên do nào tác động đến cả hai nhóm này khiến cho họ cùng một quyết định không tham gia BHYT cho con?

Từ phường nghèo ở quận...

Để đi tìm lời giải cho câu hỏi trên, chúng tôi tìm về Trường THCS Đồng Mai, nơi được xem là nghèo nhất quận Hà Đông, em H. cho biết: “Gia đình em có ba chị em đi học, bố mẹ làm ruộng. Nếu mua thẻ BHYT cho cả 3 chị em sẽ phải chi gần 1,5 triệu đồng. Mẹ em bảo, mua thẻ BHYT cũng thừa vì quanh năm chỉ hắt hơi sổ mũi ra khám tại trạm y tế được vài viên thuốc và vẫn phải mua thêm ngoài mới khỏi”.

Tỷ lệ học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt yêu cầu.
Ảnh: Thái Hiền

Chúng tôi gặp lãnh đạo nhà trường để hiểu thêm việc triển khai BHYT cho HS nơi có tỷ lệ thấp nhất quận Hà Đông với 42,07% HS có thẻ, còn khoảng 300 HS chưa mua. Thầy giáo Hoàng Hồng Nam, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Phường Đồng Mai nghèo nhất quận Hà Đông, người dân chủ yếu làm ruộng, làm chài lưới, một số làm thuê mướn xa để con ở với ông bà. Toàn trường có 26 HS thuộc diện chính sách được cấp thẻ BHYT miễn phí. Trong tổng số 774 HS ở 20 lớp, nhiều trường hợp không thuộc hộ nghèo song vẫn rất khó khăn. Có những hoàn cảnh thiệt thòi như bố mẹ ly hôn ở với ông bà, bố mẹ mất ở với chú bác… mức độ quan tâm của phụ huynh không nhiều đã làm khó cho công tác vận động HS tham gia BHYT.

Thầy Hiệu trưởng khẳng định, nhà trường đặt công tác BHYT HS vào vị trí rất quan trọng, việc cần phải làm ngay. Ngoài giao nhiệm vụ đối với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường lồng ghép tuyên truyền vận động ở các buổi họp phụ huynh, lễ chào cờ… Qua đó, nhà trường nhận thấy nguyên nhân chính ở chỗ phụ huynh chưa thực sự tin tưởng vào cơ sở y tế khám chữa bệnh (KCB) ban đầu; KCB theo BHYT thì thủ tục rườm rà, thái độ phục vụ của nhân viên y tế chưa thân thiện.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Hà Đông Hoàng Đức Hiếu cho biết: Từ tháng 8 đến nay, chúng tôi ưu tiên triển khai nhiều biện pháp phối hợp với chính quyền, đoàn thể và các nhà trường tuyên truyền, vận động tới người dân. Đặc biệt, chú ý đến việc in phát hành thẻ BHYT kịp thời cho các em tham gia và bảo đảm quyền lợi khi đi KCB. Quận Hà Đông có điều kiện thuận lợi vì nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và nhiều cơ sở KCB tư nhân cũng thực hiện KCB BHYT. Toàn quận có 84,12% HSSV có thẻ BHYT trên tổng số hơn 78 nghìn HSSV ở 70 trường. Trong đó, khối THCS đạt 98,08%; tiểu học 95%; cao đẳng, đại học chỉ hơn 60%. Năm học 2016-2017, để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, quận đã có nhiều văn bản chỉ đạo các trường, các địa phương, nhất là cơ sở y tế nâng cao chất lượng KCB.

... đến xã giàu ở huyện

Tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, trên trục đường chính của xã tấp nập xe ô tô chở hàng, không khí buôn bán sầm uất, những ngôi nhà cao tầng, nhà biệt thự san sát, cho thấy đây là địa phương có kinh tế khá giả. Tuy nhiên, nơi đây tỷ lệ HS tham gia BHYT thuộc hàng “đội sổ” của huyện.

Tại Trường THCS La Phù, thầy giáo Nguyễn Thành Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2013-2014, toàn trường chỉ có 30 HS tham gia BHYT, đạt hơn 5%. Có thông tin về một vụ việc cơ sở KCB không bảo đảm khiến nhiều phụ huynh theo nhau không mua thẻ BHYT cho con. Người dân La Phù có điều kiện kinh tế khá, khi ốm đau thường đi thẳng ra tuyến trung ương hoặc thành phố chứ không khám ở địa phương (Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức) vừa xa, không thuận đường, chất lượng KCB hạn chế.

Năm học 2014-2015, nhờ nỗ lực của nhà trường và BHXH huyện, HS La Phù được đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông nên tỷ lệ HS mua thẻ tăng lên 34%; năm học 2015-2016 là 52%. Năm học 2016-2017, nhà trường xác định còn nhiều khó khăn hiện hữu. Trong các buổi họp phụ huynh đầu năm, nhiều người vẫn bày tỏ muốn được đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Quân y 103 hoặc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Có người còn nói rõ, nếu không được một trong hai bệnh viện đó thì không mua thẻ BHYT cho con.

Giải pháp cho mục tiêu tăng tỷ lệ HS tham gia BHYT ở La Phù nói riêng và các địa phương khác nói chung vẫn phải tích cực tuyên truyền, vận động, Ngành BHXH phối hợp với địa phương, đoàn thể và nhà trường chuyển tải thông điệp đến người dân về chính sách nhân đạo của BHYT. Nhất là trong tình hình tăng giá viện phí, dịch vụ y tế, nếu không mua BHYT khi không may mắc bệnh nặng dù có giàu cũng phải chi phí lớn sẽ trở nên khó khăn, thậm chí rơi vào cảnh nghèo.

Hơn thế, để giải quyết gốc rễ của vấn đề thì việc cần làm ngay và làm tốt là tập trung nâng cao chất lượng KCB ở các cơ sở y tế ngay từ khâu đón tiếp đến trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn của các y bác sĩ và xóa sổ tình trạng tiêu cực trong bệnh viện... Như vậy, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT ắt sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Vân Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/851309/nguoi-giau-khong-chuong-nguoi-kho-chang-mang