Người được thuê chặt tay, chân trong vụ trục lợi bảo hiểm có thể bị khởi tố hình sự

Liên quan đến vụ án người phụ nữ thuê người khác chặt chân tay mình để trục lợi tiền bảo hiểm hơn 3 tỷ đồng, theo phân tích của luật sư, người được thuê chặt chân, tay có thể bị khởi tố hình sự về tội "Cố ý gây thương tích".

Nhiều vụ án dựng hiện trường giả tai nạn để trục lợi tiền bảo hiểm

Mới đây, một vụ án nghiêm trọng liên quan đến việc giả tai nạn lừa tiền bảo hiểm vừa được cơ quan điều tra làm rõ. Theo đó, cơ quan chức năng phát hiện cô Lý Thị N. (sống tại Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê người tự chặt chân, tay mình rồi tạo ra vụ án giả với mục đích trục lợi hơn 3 tỷ tiền bảo hiểm. Sự việc không thành công kéo theo hệ quả nạn nhân bị mất chân, tay do vết thương hoại tử không thể nối liền.

Người phụ nữ thuê người chặt tay, chân rồi dựng hiện trường bị tàu hỏa đâm để trục lợi tiền bảo hiểm

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc dàn dựng tai nạn giả để lừa tiền bảo hiểm. Trước đó, khoảng năm 2016, một khách hàng tên Tr. ở Kiên Giang là chủ hợp đồng mua bảo hiểm, khai con trai bị chết đuối và yêu cầu công ty chi trả bảo hiểm với số tiền lên đến hơn nửa tỉ đồng.

Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện toàn bộ vụ án chết đuối là giả. Người phụ nữ này khai nhận đã đem con mình về Kiên Giang làm giấy chứng tử rồi đắp một ngôi mộ đất nhỏ trong khu vườn. Thực chất, cậu bé vẫn đang còn sống và ở với người mẹ đẻ, còn Tr. chỉ là mẹ nuôi. Sau quá trình tra hỏi, người phụ nữ này đã rút đơn xin tiền bảo hiểm và nhận mọi lỗi lầm.

Đã có nhiều trường hợp người mua bảo hiểm cố ý giả chết hoặc tai nạn để trục lợi.

Tương tự, vào ngày 27/2/2008, công an huyện Hoằng Hóa nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông khiến Lê Thị H. (sinh năm 1967) tử vong tại chỗ. Người nhà đã tiến hành khâm liệm và lo mai táng cho người phụ nữ này.

Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, công an phát hiện vụ tai nạn như trình báo là hoàn toàn không có thật mà do H. tự dựng lên. Theo đó, vào năm 2007, đối tượng H. vào làm công nhân cho Công ty giày da. Theo quy định, công ty này có thu 2 tháng lương (gọi là tiền đóng cọc của mỗi công nhân trước khi vào làm việc tại Công ty) của H.. Ngoài ra, H. có tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại công ty.

Từ ngày 4/2/2008 đến ngày 22/2/2008, đối tượng H. được nghỉ Tết. Nghỉ Tết xong, chồng H. không cho vợ đi vào công ty làm việc nữa nên chị đã nghĩ ra kế giả chết để lấy lại tiền đóng cọc và tiền bảo hiểm của công ty. Tuy nhiên, sự việc không thành công và bị bại lộ sau khi cơ quan công an vào cuộc.

Người được thuê chặt tay, chân để trục lợi bảo hiểm có bị xử lý hình sự?

Xoay quanh những vụ án người mua bảo hiểm tự tạo tai nạn, cái chết giả để ăn tiền bảo hiểm, luật gia Nguyễn Trung Tín cho biết đó là những hành vi thiếu suy nghĩ, thiển cận. Bởi các công ty bảo hiểm có thể từ chối bồi thuờng khi phát hiện có hành vi gian dối.

Theo các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thông thường, đối với trường hợp khách hàng mua bảo hiểm nhưng sau đó không may bị tai nạn dẫn đến thương tật thì sẽ được bảo hiểm bồi thường một số tiền cụ thể dựa trên tỷ lệ thương tật.

Căn cứ theo khoản 10 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì: "Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm".

Lý Thị N. đang viết tường trình tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an nhân dân

Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, nếu như hành vi tự tạo tai nạn của N. trót lọt và nhận được tiền bồi thường từ nhà bảo hiểm, nếu phát hiện ra sẽ bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, hành vi trục lợi bảo hiểm chưa hoàn thành do đó sẽ không đủ yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, N. sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cơ quan điều tra quận Bắc Từ Liêm quyết định không khởi tố vụ án là hợp lý.

Bàn chân và tay đã bị chặt đứt của chị N. Ảnh: Công an nhân dân

Về việc người được thuê chặt tay phải bị xử lý hình sự, luật gia Trung Tín cũng cho biết mặc dù D. là người được thuê để chặt tay, chặt chân tuy nhiên D. vẫn có thể bị xem xét để khởi tố hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999.

Bởi lẽ, hành vi gây thương tích cho người khác thì dù cho cố ý hay được thuê để thực hiện thì cũng đã cũng xâm hại nghiêm trọng đến thân thể của người khác. Tùy theo tỷ lệ giám định thương tật của chị N., mà D. có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo PV / Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/nguoi-duoc-thue-chat-tay-chan-trong-vu-truc-loi-bao-hiem-co-the-bi-khoi-to-hinh-su-20160824195418284.chn