Người được các môn sinh tôn vinh là 'cây đàn tính đại thụ' của người Tày

Từ sự đam mê, nhiệt huyết của chính mình, hàng trăm học trò của ông được thỏa sức tu luyện tài năng cùng thầy. Hơn chục năm gần đây, nhiều học trò ông Thuấn đã tham dự các cuộc thi thố tài năng hát then cả trong, ngoài tỉnh, đem về nhiều giải thưởng lớn, cả giải Nhất...

Một lớp hát then do ông Thuấn tổ chức

Xứ Tuyên vốn là nguồn cuội của các làn điệu then dân tộc Tày nơi núi rừng Việt Bắc, nhưng trải qua tháng năm du nhập của ngôn ngữ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường, đã làm cho lớp trẻ dần quên lãng các làn điệu then.

Ông Hà Văn Thuấn, dân tộc Tày, thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang năm nay đã ở tuổi 75 nhưng rất khó có ai vượt qua được chất giọng ngọt ngào, mượt mà mỗi khi ông thể hiện làn điệu then, đặc biệt là then cổ.

Sau hơn 30 năm công tác tại xã Tân An, đến năm 1993 ông Thuấn được nghỉ hưu, cũng là lúc ông quyết tâm dành toàn bộ thời gian vào việc sưu tầm, chế tác lời của làn điệu then cổ cho phù hợp với xu hướng thời đại, cốt nhằm bảo tồn các làn điệu then cổ đang bị mai một. Vừa sưu tầm vừa sáng tác, chỉ mất một năm miệt mài, ông Thuấn có bộ sách bao gồm cả nhạc và lời về các làn điệu then của dân tộc Tày dày hàng trăm trang.

Sau đó, ông tiếp tục bỏ tiền sắm mấy cây đàn tính về treo trong căn nhà sàn của mình, rồi sắp xếp lại mọi thứ cho gọn gàng, để mỗi đêm cao hứng, ông đàn hát cho mọi người trong thôn nghe. Thật không ngờ, người dân trong vùng kéo đến chật nhà, càng khích lệ cho ông cất tiếng hát mỗi khi màn đêm buông xuống.

Căn nhà sàn tuy cũ kỹ nhưng vốn là nôi đào tạo nhiều nghệ nhân hát then đàn tính của Tuyên Quang

Ông hát càng hay, nhà đông người, chỉ khổ vợ con phải đun nước phục vụ, trong khi ở vùng quê nghèo này vốn không có thói quen tặng quà, nên chẳng khi nào ông được thưởng một đồng tiền làm quà dù là mệnh giá nhỏ nhất. Nhưng với niềm say mê nghệ thuật, mỗi khi cất cao tiếng hát kèm theo tiếng đàn tính du dương, ông vẫn truyền cảm hứng nhằm hút hồn người nghe. Nên chỉ trong thời gian ngắn, cứ mỗi khi trời tối, nhà ông lại trở thành điểm đến, không chỉ người già am hiểu về then, mà cả nam thanh nữ tú cũng đến nghe, xem ông biểu diễn.

Khi nhiều người biết bập bõm về đàn tính, họ rất thích học theo làn điệu then cổ, thế là ông mở lớp dạy cho mọi người ngay tại nhà mình. Các lớp học ban đầu chỉ từ 5 đến 7 người, mỗi lớp cũng chỉ diễn ra từ 7 đến 10 ngày và lâu nhất cũng chỉ trong một tháng là các làn điệu then cổ của ông Thuấn được truyền lửa cho môn sinh.

Hầu hết học trò của ông làm nghề nông, công việc bận rộn. Chính vì thế, ông tranh thủ dạy đàn tính vào buổi tối hoặc những buổi nông nhàn. Ban đầu, toàn những người đã lớn tuổi đến nhà ông để học lại làn điệu then, cốt để tận hưởng lại cảm xúc của một thời trai trẻ. Nhưng càng về sau, những nhóm nam thanh, nữ tú cũng nhóm họp để mời thầy Thuấn đến tận nhà riêng của họ giảng dạy làn điệu then cổ.

Học trò của ông không chỉ người trong nước mà có cả người nước ngoài cất công từ tận Mỹ đến tận nhà ông, xin được ăn nghỉ tại nhà mấy ngày, cốt để học theo ông cách đàn và hát các làn điệu then cổ.

Ông Thuấn cao hứng hát bài đón khách thăm nhà bằng làn điệu then cổ

Cứ thế, rất nhiều lớp học hát then của ông được ra đời. Không chỉ học trên sàn nhà cũ kỹ đã tồn tại xuyên 2 thế kỷ, hiện vẫn đang là nơi ở của cả nhà ông, mà ở cả những nơi xa nhà hàng chục cây số, cũng được ông nhiệt tình đến tận nơi cốt để truyền lửa cho họ.

Từ sự đam mê, nhiệt huyết của chính mình, hàng trăm học trò của ông được thỏa sức tu luyện tài năng cùng thầy. Hơn chục năm gần đây, nhiều học trò ông Thuấn đã tham dự các cuộc thi thố tài năng hát then cả trong, ngoài tỉnh, đem về nhiều giải thưởng lớn, cả giải Nhất ở cấp tỉnh và Trung ương.

Từ thành quả đó, ông Thuấn càng trở nên nổi tiếng và nhanh chóng trở thành thầy dạy đàn tính và hát then dân tộc Tày từ lúc nào cũng chẳng ai hay. Ông không chỉ nổi tiếng ở tỉnh Tuyên Quang mà nhiều tỉnh thành lân cận cũng mời đến nhà để truyền lửa đàn tính, then cổ cho những người yêu thích nghệ thuật truyền thống.

Do sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa và hoàn cảnh gia cảnh của ông cũng chưa khi nào khấm khá, ông Thuấn rất hiểu hoàn cảnh của các học trò mình. Chính vì thế, ông Thuấn đã tổ chức hàng trăm lớp, nhóm học đàn tính và dạy hàng trăm môn sinh tài giỏi về đàn tính và hát then cổ của người Tày, nhưng cá nhân ông không thu học phí của bất cứ ai, vẫn luôn vui vẻ với những việc đã làm cho đời.

Ông làm việc miệt mài vì tình yêu nghệ thuật, ông mong muốn được truyền lửa cho thế hệ trẻ để họ thay mình lưu giữ các làn điệu đàn tính truyền thống của dân tộc Tày, chứ không vì mục đích kinh tế. Chính vì thế, ông không chỉ được các môn sinh tôn vinh là "cây đàn tính đại thụ" của người Tày, mà còn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Trong đó, món quà tinh thần quý giá nhất mà ông đã được nhận, đó là Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của Chủ tịch nước trao tặng.

Bằng khen, giấy khen là những món quà quý giá nhất đối với nghệ nhân nghèo Hà Văn Thuấn

Trong căn nhà sàn 24 cột cũ kỹ, cả một khoảng rộng lớn được ông treo tới cả trăm khung thiếp nguy nga, với các loại giấy khen, bằng khen từ cấp xã đến huyện, tỉnh và Trung ương, đã phần nào giúp ông thêm hăng say đàn hát mỗi khi có khách thăm nhà.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguoi-duoc-cac-mon-sinh-ton-vinh-la-cay-dan-tinh-dai-thu-cua-nguoi-tay-post172616.html