Người dự báo thời tiết ngày mai

Đã là người cầm bút, ai cũng có ít nhiều khả năng dự báo, như một thứ của trời cho. Ở nhà văn - kịch tác gia Xuân Trình thì khả năng này rất nổi trội, được thể hiện qua nhiều tác phẩm của ông.

Xuân Trình sinh năm 1936, tại xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, Nam Định. Ông thuộc thế hệ đàn anh của tôi. Là người đồng hương, lại có những năm tháng tham gia quản lý văn nghệ ở tỉnh nên tôi có dịp tiếp xúc, gần gũi với ông mỗi khi ông từ Hà Nội về tham gia dựng vở với đoàn kịch. Đầu năm 1987, tôi chuyển ngành từ Quân chủng Hải quân về Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh đúng vào thời điểm những vở kịch của Xuân Trình đang được đoàn kịch nói của tỉnh nối tiếp nhau trình diễn, từ rạp 3 tháng 2 đến rạp Bình Minh trong thành phố, rồi tỏa về các huyện lỵ, làng xã. Có vở biểu diễn liên tục ở các rạp hàng tháng vẫn không ngớt người xem. Khán giả cười sảng khoái, nhảy lên reo hò sung sướng. Nhất là vở "Mùa hè ở biển", cứ thấy nhân vật Đoàn Xoa đội mũ lá lò dò bước ra sân khấu là tiếng cười lại vang lên. Từng cử chỉ hành động của nhân vật này đều gây cười. Có những cảnh hầu như Đoàn Xoa cứ nhếch mép chưa kịp nói thì khán giả đã cười ồ lên. Diễn viên, NSƯT Lý Thanh Kha thủ vai Đoàn Xoa. Khi vở kịch công diễn một thời gian, người ta hầu như quên mất tên Lý Thanh Kha, cứ gọi anh là lão Đoàn Xoa. Lý Thanh Kha cũng thừa nhận, trong sự nghiệp diễn viên của mình, vai Đoàn Xoa anh đóng thành công nhất. Chẳng thế mà khi Xuân Trình về cõi, Lý Thanh Kha xin bốc bát hương thờ ông bên cạnh hương án cha mẹ mình. Sở dĩ có hiện tượng ấy, ngoài bối cảnh ứng với thời kì vàng son của sân khấu kịch nói Việt Nam, thì cái căn nguyên từ tài năng cá nhân tác giả mới là chính yếu. Hầu như trong tất cả các vở kịch của mình, Xuân Trình chẳng viết điều gì cao siêu, xa lạ mà toàn là chuyện của làng trên xóm dưới, huyện này tỉnh nọ rất chi là gần gũi, nóng hổi tính thời sự. Đời sống dung chứa trong kịch của ông dư dật đến độ cứ mở màn ra là người xem bị cuốn hút, bị dẫn dắt bởi những tình tiết tươi ròng, như ngửi thấy cả mùi bùn đất rơm rạ, khiến họ có cảm giác trên sân khấu là chuyện của cuộc đời đang diễn ra quanh quất đâu đây chứ không còn cảm giác hư cấu nghệ thuật nữa. Bởi vì Xuân Trình chỉ có thể sáng tác từ chất liệu thật của đời sống. Rất nhiều trạng huống ngoài đời trở thành tình tiết kịch trong tác phẩm của ông. Khá nhiều con người ngoài đời trở thành nguyên mẫu cho ông xây dựng nhân vật kịch. Thời chiến tranh phá hoại của Mỹ, Xuân Trình đi thực tế trong tuyến lửa miền Trung. Tại một nơi bên đường mòn Trường Sơn, lúc chiều tối, Xuân Trình bắt gặp một cô gái đang hái rau bang, rau măng giữa cánh rừng vắng người. Hình tượng ấy làm lay động con tim tác giả. Cô gái đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật Mai trong vở "Ngày xưa nơi đây là chiến tranh". Xuân Trình gặp một cán bộ ở Thanh Hóa, đi đâu cũng mang mo nang cơm nắm đi ăn, quanh năm mặc áo đại cán cài kín cúc cổ; con người này đã trở thành nguyên mẫu nhân vật Đoàn Xoa trong vở "Mùa hè ở biển". Xuân Trình gặp một ông cán bộ già ở Nghệ An, nhận quyết định nghỉ hưu xong mới sực nhớ mình không có nơi để về; ông này đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật người lính già trong vở "Nửa ngày về chiều". Một nữ biên tập viên của Tạp chí Sân khấu, nơi Xuân Trình làm Tổng biên tập, đã trở thành nguyên mẫu cho một nhân vật trong vở "Ngôi nhà màu hồng ngọc". Rồi nhiều cán bộ, nhân viên trong Hội Nghệ sĩ sân khấu, nơi Xuân Trình làm Phó tổng thư ký đã trở thành những nguyên mẫu nhân vật cho vở "Nghĩ về mình". Thậm chí có nhân vật, không chỉ mô tả hình dáng, tính cách, Xuân Trình còn "bê" nguyên xi cả tên thật, quê quán ngoài đời vào vở "Thời tiết ngày mai", như cô Lụa ở Yên Khánh - Ninh Bình. Khi Xuân Trình viết vở kịch ấy, Lụa mới chỉ là một cô cán bộ thôn xóm gì đó. Sau này Lụa thăng tiến lên tới Phó chủ tịch huyện. Xuân Trình bám sát cả những nghị quyết. Mỗi khi có một nghị quyết của Đảng ban hành nói về vấn đề gì thì Xuân Trình có ngay vở kịch nói về vấn đề ấy, rất nhạy bén. Nhưng chưa có ai gọi Xuân Trình là "nhà văn minh họa" cả. Bởi, bên trong những gì mang tính "mùa vụ", nóng hổi tính thời sự, hài hước gây cười, bao giờ kịch Xuân Trình cũng ẩn chứa những điều mệnh hệ, mang tính dự báo, khiến người xem không thể không suy ngẫm một cách nghiêm túc và rút ra một ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn, ngay từ năm 1970, khi mà nền sản xuất nông nghiệp miền Bắc còn mang nặng tính tập quán, cát cứ, Xuân Trình đã đề cập đến cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật ở nông thôn trong vở "Lập xuân". Năm 1973, trong vở "Bạch đàn liễu", Xuân Trình đã đặt ra những vấn đề về dân chủ, chống tệ cường hào mới ở nông thôn. Năm 1980, Xuân Trình nói về vấn đề dùng người theo xu thế hiện đại trong vở "Thời tiết ngày mai". Năm 1986, khi mà ngành Giáo dục của chúng ta tưởng như còn khá êm đềm phẳng lặng thì Xuân Trình đã có những khuyến cáo về hiện tượng đồng tiền tác oai tác quái làm xói mòn lương tâm nhà giáo trong vở "Đợi đến mùa xuân". Vào thời điểm 1985, khi mà nền kinh tế bao cấp còn đang ngự trị, nền sản xuất thị trường mới chỉ manh nha thì Xuân Trình đã chiềng ra cho công chúng một nhân vật Đoàn Xoa, điển hình cho loại người với một quan niệm cố hữu đóng băng: Cái gì thuộc về tập thể cũng đúng, cũng hay, cái gì thuộc về cá nhân cũng hư hỏng, cũng đáng ngờ. Ông ta tôn thờ cái chủ nghĩa bao cấp y như nhân vật lão quản Pitôn trong một truyện ngắn nổi tiếng của A.TSêkhốp vậy. Kịch của Xuân Trình có tính dự báo như thế nên thường gặp những trở ngại trong quá trình từ dàn dựng đến công diễn. Không chỉ các đoàn kịch ở trung ương, ngay ở Nam Định quê hương tác giả, giới lãnh đạo bấy giờ vốn rất ưu ái, thân tình với ông như người nhà, vậy mà cũng có vài ba vở sau khi dựng xong thì phải stop, sửa đi chữa lại nhiều lần mới được công diễn như "Thời tiết ngày mai", "Mùa hè ở biển"… Một yếu tố quan trọng làm nên giá trị kịch bản Xuân Trình, đó là tính văn học. Trong Xuân Trình có một kịch tác gia và một nhà văn cộng lại. Xuân Trình đến với nghệ thuật bắt đầu bằng văn xuôi. Tác phẩm đầu tay của ông là tập truyện và ký có tên là "Từ một làng ở Vĩnh Linh" (NXB Văn học, 1970) trong đó có truyện ngắn "Đường trường" được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ vào thời điểm đó. Năm 1973, Xuân Trình in tiểu thuyết "Thời tiết ngày mai" ở Nhà xuất bản Phụ Nữ. Cũng chỉ vì kịch bản "Thời tiết ngày mai" gặp trục trặc, chưa thể dàn dựng, tiếc công sức săn tìm và xây dựng nhân vật Lụa, ông chuyển thể thành tiểu thuyết rồi cho xuất bản trước. Xuân Trình lại có những năm làm biên tập ở Báo Văn nghệ, có những điều kiện để ông tôi luyện thêm chất văn cho ngòi bút. Bởi vậy, ngoài những yếu tố như tôi vừa kể thì chất văn học cũng là một yếu tố đáng kể làm nên thành công tác phẩm kịch Xuân Trình. Chất văn học nó cuốn hút, đánh thức tâm can, gây xúc động, ám ảnh trước những điều tác giả đặt ra, buộc người ta phải ngẫm nghĩ, hành động. Dù xem kịch đã lâu nhưng đến nay tôi vẫn còn nhớ cái đêm lập xuân không gian dịu ngọt êm đềm, như nghe thấy cả tiếng cây đâm chồi nảy lộc, nụ nở hoa, hạt nảy mầm, cái tâm con người tỏa sáng, xôn xao cả đất trời trong vở kịch "Lập xuân"; một xóm nghèo, heo hút dưới ánh trăng ngà mà như chốn bồng lai trong vở "Xóm vắng"; một bãi biển đẹp mê hồn mà khi xem kịch khán giả chỉ muốn nhào ra tắm cùng với các nhân vật trong vở "Mùa hè ở biển"… Nhưng dẫu sao, những hình ảnh ấy vẫn chỉ mang tính hình thức. Cái bề sâu phải là khả năng hàm chứa, khái quát của tác phẩm. Chẳng hạn trong vở "Ngày xưa nơi đây là chiến tranh", ở một cái xóm nhỏ ven đường mòn Trường Sơn, gồm một số ít con người tứ xứ sơ tán về, thỉnh thoảng có một số chiến sĩ lái xe ghé qua, dù chiến tranh rất ác liệt nhưng họ sống với nhau thật đầm ấm. Ở đó có một gia đình gồm ba bố con cũng hòa đồng vào cái cộng đồng ấy một cách tự nhiên. Và họ cảm thấy cuộc sống như thế có một ý nghĩa rất đáng sống. Nhưng khi hết chiến tranh, bộ đội rút đi, dân tứ xứ cũng trở về chốn cũ, trật ra chỉ còn cái gia đình "gà trống nuôi con" nọ trụ lại. Người bố và cô con gái cứ sống trong thầm lặng, quạnh hiu, chờ đợi người con trai là lính lái xe trở về. Nhưng anh con trai đã phạm tội làm rơi xe xuống vực, phải đi tù, cô con gái và người bố tìm mọi cách để thanh minh cho anh ta hòng cứu anh ra khỏi nhà tù... Vở kịch kết thúc, cánh màn sân khấu khép lại, người xem thì cứ ngẫm ngợi, thao thức không nguôi. Xuân Trình mất năm 1991, ở tuổi 55, cái tuổi đang độ chín của một đời văn. Bữa cơm tôi và mấy vị lãnh đạo ngành tiếp Xuân Trình ở nhà hàng Cửa Đông - thành phố Nam Định hôm ấy không ngờ là lần cuối cùng chúng tôi tiếp ông. Hôm ấy Xuân Trình đã biết mình mang bệnh trọng. Ông nói, ông chỉ tiếc không được sống thêm ít năm nữa để hoàn thành nốt những kịch bản đang ấp ủ, những kịch bản mà theo ông, nó có cái để mà bàn, để mà mừng cho nhau! Xuân Trình không có thói hoa hòe hoa sói, khoe khoang nên tôi tin lời ông. Nhưng tiếc thay, ông không còn cơ hội để làm! Cho dù thế, với gần hai mươi vở kịch đã được dàn dựng, công diễn, Xuân Trình đủ xứng đáng là một trong những kịch tác gia đầu bảng của nền kịch nói hiện đại Việt Nam. l Hà Nội, tháng 7 năm 2011

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/tulieuvanhoa/2011/7/56257.cand