Người đi để lại tiếng sóng và những dòng sông trôi

Ngoài chất giọng đẹp hiếm hoi trời phú, Quang Lý đã thổi vào những bài ca anh hát một tấm lòng, như anh từng tâm sự: “Mỗi lần cất lời ca là một lần nhỏ những giọt đời”.

Quang Lý là người “sở hữu giọng hát đẹp đến hiếm hoi, là một bảo đảm thuần nhã, trữ tình cho sự thể hiện các ca khúc danh tiếng của những tiếng sóng, của những dòng sông trôi” (Đỗ Trung Quân). Anh đã sống một cuộc đời trải qua đủ ngọt - đắng, nhưng tiếng sóng và âm thanh những dòng sông sẽ còn ở lại mãi cùng tiếng hát đẹp đẽ ấy.

Có một dạo nhắc đến âm nhạc Phú Quang, nhắc đến những bài hát về biển, người ta không thể tách rời hai tên tuổi Ngọc Tân và Quang Lý. Ca sĩ Ngọc Tân ra đi sớm, để lại Quang Lý nối dài với những bản tình ca đẹp của nhạc sĩ Hà Nội. Nhưng giọng ca ấy cũng vừa nằm xuống, khi Hà Nội bắt đầu vào đông - thời khắc của những bản tình ca anh hát một thời vang lên đẹp đẽ nhất.

Quang Lý từng lý giải vì sao anh có thể vừa hát hay những tình khúc của Phú Quang, đồng thời thể hiện đầy cảm xúc những Tình ca, Tình ca Tây Bắc, Gửi em ở cuối sông Hồng: “Ngày xưa tôi ở Hải Phòng, nhà ở gần biển nên tâm hồn mình bay bổng. Khi còn trẻ, khoảng 12 tuổi tôi lao xe trên bãi cát và hát “rống” lên ở đó cùng đám bạn. Rồi khi đất nước chiến tranh, tôi đi qua nhiều vùng đất gian khó, tôi lại được hát trên những mảnh đất nhiều thương đau”.

Là người đàn ông hát tình ca, từng đi dọc ngang đất nước, nhưng Quang Lý có một gia đình hạnh phúc với người vợ mà anh gắn bó từ thuở tào khang. Anh từng kể: “Chúng tôi cùng lớn lên ở Hải Phòng, yêu nhau từ sự bâng quơ lúc tuổi trẻ. Tôi và vợ cũng xa nhau mấy lần. Khi ở Bắc, tôi làm ở Hà Nội, vợ tôi ở Hải Phòng. Đoàn tụ được một thời gian ngắn ở Hải Phòng, tôi lại đi Sài Gòn. Vậy là cũng mất bảy-tám năm sống xa nhau đấy. Nhưng sự xa cách và khó khăn trong cuộc sống làm chúng tôi thấm thía, hiểu nhau nhiều hơn”.

Người phụ nữ đó đã trao hết tuổi thanh xuân cho gia đình, đã cùng anh lặn lội từ Bắc vào Nam, cùng anh đi qua những ngày vất vả, để có thể trở thành ông, bà trong những năm tháng cuối đời. Anh chia sẻ: “Sự chung thủy của người phụ nữ là rào cản lớn nhất để tránh cho mình phạm vào những sai lầm”.

Ít ai biết ẩn chứa sau đôi mắt biết cười, cuộc sống của NSƯT Quang Lý nhiều lần rơi vào khốn khó. Đam mê ca hát đã ghi tên anh vào âm nhạc Việt, dệt lên những bản tình ca mà nhiều người không thể hát vượt qua. Nhưng đam mê đó cũng có lúc khiến anh phát khóc vì nghèo.

Để có sự nghiệp ca hát lẫy lừng suốt hơn 30 năm, Quang Lý từng vui phát khóc vào ngày trở thành soloist ở tuổi 23, với bài Thành phố hoa phượng đỏ ở Đoàn ca múa Hải Phòng. Không nhiều người biết, để có tiếng hát có thể chạm vào tiếng sóng, có thể thay lời thủ thỉ của những dòng sông, Quang Lý đã có nhiều năm dọc ngang khắp các vùng miền trong đoạn đời du ca cùng nhạc sĩ Trần Tiến.

Anh từng cùng với nhạc sĩ của Ngẫu hứng sông Hồng tìm đến các nông trường, công trường, hát cho nông dân, công nhân nghe. Có những ngày hát trên những thửa ruộng đang cày để nhận về những củ khoai, củ sắn, nhưng thấy đời phơi phới.

Cũng chính người đàn ông hát ấy từng có quãng thời gian dài phụ vợ may hàng gia công, làm kem chuối, bánh ngọt bỏ mối ở chợ, nhưng vẫn không đủ sống. Có thời kỳ anh phải bán đến cả cái quần, cái áo đi biểu diễn để lo cho con và hàng trăm lần đối diện với câu hỏi “Hát để làm gì?” khi nhìn con nheo nhóc, nhìn vợ mình tần tảo.

Những cuộc thiên di từ Hải Phòng lên Hà Nội, từ Hà Nội vào Sài Gòn ở những quãng đất nước khó khăn, phần nào tôi rèn cho anh nghị lực sống mãnh liệt. Nhưng dẫu vậy, đã hơn một lần Quang Lý giải nghệ và cũng hơn một lần anh nhận ra, chỉ có con đường duy nhất giúp anh chạm vào hạnh phúc là được hát.

NSƯT Quang Lý hát trong chương trình Họp mặt cựu nữ Thanh niên xung phong do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức

Anh sinh ra ở Thái Lan, định danh ở Hải Phòng, nuôi dưỡng đam mê ở Sài Gòn, nhưng lại hát hay nhất các bài ca về biển, về Hà Nội. Quang Lý thường kể về kỷ niệm thời đầu đến Sài Gòn: “Tôi đến đây với hàng trăm nỗi lo. Hát thế nào đây để những con người ở mảnh đất sôi động Sài thành có thể lắng lòng, dừng chân nghe mình hát”. Và rồi câu trả lời anh tìm thấy, gần như tức thì và duy nhất. Đó là phải hát hết mực chân thành, như chính đời sống của mình, thì bài ca sẽ sống.

Đi qua những thăng trầm của nghề hát, của thời cuộc, làm cho cái nhìn về cuộc đời của Quang Lý rộng hơn và đẹp hơn. Ngoài chất giọng đẹp hiếm hoi trời phú, Quang Lý đã thổi vào những bài ca anh hát một tấm lòng, như anh từng tâm sự: “Mỗi lần cất lời ca là một lần nhỏ những giọt đời”. Có lẽ từ những đau khổ, vất vả đã qua mà trong những bản tình ca anh hát, mỗi người đều thấy như cuộc tình mình.

Giờ người đàn ông hát ấy đã ra đi. Có lẽ anh đã mang theo một cánh buồm về với biển. Cũng có thể anh đang ngược về với dòng sông tuổi thơ, ghé Hà Nội để tìm thêm chút se lạnh. Đâu dễ mấy ai sống một đời mà mỗi bước chân, một câu ca đều trở thành kỷ niệm của không riêng một người như thế.

Kim Sen

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/xem-nghe-doc-%e2%80%93-choi/nguoi-di-de-lai-tieng-song-va-nhung-dong-song-troi-88925/