Người đẹp đi thi nhan sắc quốc tế 'chui': Quy định quá 'siết', mất cơ hội cho nhan sắc Việt?

Câu chuyện người đẹp Nguyễn Thị Thành tham gia cuộc thi nhan sắc “chui”, dù bị ngăn cấm vẫn tỏ thái độ “không quan tâm” đã khiến dư luận một lần nữa dậy sóng.

Nguyễn Thị Thành bị Cục Nghệ thuật biểu diễn phạt vì chưa được cấp phép vẫn đến Ai Cập tham gia cuộc thi Hoa hậu Môi trường Quốc tế

Có vẻ như những lệnh cấm, lệnh phát từ cơ quan quản lý thời gian qua vẫn không ngăn chặn được làn sóng những người đẹp xuất ngoại tìm danh hiệu quốc tế bất chấp có được cấp phép hay không.

Bị phạt liên tục, vẫn “cố đấm ăn xôi”

Trước đó, khi biết thông tin Nguyễn Thị Thành bay đến Ai Cập để tham gia cuộc thi Miss Eco International 2017 (Hoa hậu Môi trường Quốc tế), Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành văn bản triệu tập Nguyễn Thị Thành vì lý do đi tự ý tham gia cuộc thi quốc tế khi chưa được cấp phép, đồng thời Cục cũng có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ngăn chặn hành vi của Nguyễn Thị Thành vì đây là “hành vi trái pháp luật”.

Tuy nhiên, khi văn bản được ban hành, Nguyễn Thị Thành đã có mặt ở Ai Cập, và không nhận được văn bản liên quan, tất nhiên cũng không có mặt tại buổi triệu tập. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho biết sẽ có động thái “cấm cửa” các hoạt động của Nguyễn Thị Thành trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bởi Nguyễn Thị Thành xuất phát điểm đã là thí sinh giả mạo hồ sơ, loại khỏi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, bị tước danh hiệu Á khôi 1 tại cuộc thi Hoa khôi Du lịch 2017 vì vi phạm quy chế do thẩm mỹ răng, không có tư cách để tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế, lại bất chấp việc chưa được cấp phép để tham gia.

Về phía ê kíp của Nguyễn Thị Thành cho biết, cô đến với cuộc thi với tư cách thí sinh khách mời của Ban tổ chức, được sự đồng ý của Ban tổ chức cuộc thi tham gia như một thí sinh tự do, không phải là thí sinh đại diện Việt Nam, không cần có danh hiệu cuộc thi nhan sắc nào trong nước. Tuy nhiên, theo quy định, bất cứ thí sinh nào tham gia thi nhan sắc quốc tế đều phải được cấp phép. Có lẽ, Nguyễn Thị Thành và ê kíp của cô hoặc không nắm vững quy định, hoặc cố tình “lờ” quy định để cố công tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế để “cầu may” một giải thưởng sau những thất bại trong nước?

Thực tế, Nguyễn Thị Thành chỉ là một trong danh sách rất nhiều thí sinh tự ý tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế mà không hoặc chưa được cấp phép. Trước đó, Mai Ngô tự ý tham dự cuộc thi Asia’s Next Top Model, sau nhiều lần bị đơn vị quản lý triệu tập mà không đến, đã bị phạt 22 triệu đồng và cấm biểu diễn một thời gian; người đẹp Oanh Yến tự ý sang Philippines tham dự và giành ngôi vị Hoa hậu tại cuộc thi “Hoa hậu Thế giới toàn

cầu 2015”, bị phạt 30 triệu nhưng không chấp hành án phạt, cũng bị cấm biểu diễn; danh sách này còn rất nhiều người như Lâm Thùy Anh tham gia “chui” Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu tại Hàn Quốc; Cao Thùy Linh (Hoa hậu Quốc tế tại Thái Lan); Diệu Linh (Hoa hậu Du lịch Quốc tế ở Malaysia)… Tất cả những người đẹp đi thi “chui”, sau đó đều nhận các án phạt tiền hoặc cấm biểu diễn, nhưng dường như các án phạt này đều không thể ngăn cấm những cuộc “liều mình” đi thi quốc tế của các người đẹp.

Cấm thế nào để không mất cơ hội?

Về quy định cấp phép thi nhan sắc quốc tế, thời gian qua đã gây không ít tranh cãi. Nhiều người cho rằng, các quy định cấp phép để người đẹp đi thi nhan sắc quốc tế quá “siết”, không phù hợp với xu hướng các cuộc thi nhan sắc quốc tế đang nở rộ thời gian qua. Một ví dụ, theo quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ, thì điều kiện đối với thí sinh được cấp phép tham dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế là đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước.

Có nghĩa là, chỉ top 3 thí sinh đoạt giải tại các cuộc thi sắc đẹp quy mô toàn quốc mới đủ điều kiện để được cấp phép đại diện Việt Nam dự thi quốc tế. Quy định này sẽ ngăn cản rất nhiều thí sinh tiềm năng nhưng chưa có danh hiệu tại các cuộc thi trong nước tham gia thi quốc tế, dù với tư cách thí sinh tự do.

Trong khi đó, về tiêu chuẩn vẻ đẹp, tiêu chí chấm giải các cuộc thi trong nước lại có “độ vênh” nhất định với các cuộc thi quốc tế. Ví dụ như các cuộc thi nhan sắc trong nước hướng đến nét đẹp chuẩn truyền thống, các tiêu chí vừa đủ thì đa phần các cuộc thi nhan sắc quốc tế hướng đến nét đẹp hiện đại, phóng khoáng, vượt ngoài khuôn khổ, coi trọng cá tính đặc sắc và sự tự tin, bản lĩnh…

Cạnh đó, nhiều cuộc thi quốc tế đã cho phép thí sinh có tiểu phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản, trong khi đó, các cuộc thi nhan sắc trong nước vẫn còn rất “dị ứng” với vấn đề này. Chính “độ vênh” trong tiêu chí chấm giải này sẽ nảy sinh ra chuyện, có thí sinh không đoạt giải trong nước lại phù hợp với chuẩn của kì thi quốc tế và ngược lại, vì thế, chỉ cấp phép cho thí sinh có giải trong nước đi thi quốc tế sẽ vô hình trung tước mất cơ hội của nhiều thí sinh tiềm năng. Thực tế, đã không ít người đẹp có tiếng trong nước, nhận thư mời trực tiếp từ các cuộc thi quốc tế uy tín nhưng đành bỏ lỡ vì chưa có danh hiệu trong nước.

Hiện nay, các cuộc thi nhan sắc mang danh nghĩa quốc tế ngày một nhiều, trong đó có không ít cuộc thi “ao làng”, kém chất lượng, và cũng không ít thí sinh coi việc tham gia thi và “rinh” một vài cái giải về để dễ dàng bước chân vào showbiz, nâng cát xê. Việc cơ quan quản lý có quy định để “siết” thí sinh tham gia thi quốc tế nhằm tránh “loạn” danh hiệu quốc tế tại Việt Nam là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, quy định thế nào để hợp lý, thông thoáng, vừa khiến không “loạn cào cào”, mà các nhan sắc Việt có nhiều cơ hội hơn để đến với đấu trường quốc tế, thì cần một sự điều chỉnh quy định cho hợp tình, hợp lý, hợp xu thế… là điều cơ quan quản lý cần cân nhắc đến.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kham-pha/nguoi-dep-di-thi-nhan-sac-quoc-te-chui-quy-dinh-qua-siet-mat-co-hoi-cho-nhan-sac-viet-328427.html