Người dân vùng khó khăn yên lòng với chiếc thẻ bảo hiểm y tế

Nếu như trước kia nhiều người dân, nhất là người dân các vùng cao, vùng sâu, vùng xa chưa quan tâm lắm tới lúc ốm đau bệnh tật chứ chưa nói gì tới việc quan tâm tới thẻ BHYT, thì nay, trên tay họ mỗi lần đến trạm y tế hay bệnh viện các tuyến là tấm thẻ BHYT.

Nhân viên y tế đang khám bệnh cho người dân tại Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng. Ảnh: DN.

Chiếc thẻ- Vật dụng quý giá

Có mặt tại buổi khám chữa bệnh tình nguyện của đoàn công tác Đại học Y Hà Nội về với huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai mới đây, phóng viên thấy bà con dân bản thuộc khắp các xã trên địa bàn huyện tập trung về Bệnh viện Đa khoa huyện để mong được kiểm tra sức khỏe. Khi được hỏi về việc phải lặn lội đường xa hơn 30 cây số mới tới được trung tâm huyện bản thân có cảm giác ngại ngần hay không, chị Sùng Thị Vàng, xã Củ Tỷ, Bắc Hà, Lào Cai cho biết, về đây được cán bộ khám sức khỏe, vui lắm, biết có bệnh gì để còn chữa, trước kia thì khi bị đau, ốm chỉ đến thầy mo trong xóm thôi. Khi được hỏi về thẻ BHYT chị Vàng cho biết, thẻ được Nhà nước cấp nên quý lắm, đi khám là mang theo, về nhà cất cẩn thận.

Giống với chị Vàng, chị Là Thị Séo, xã Nàm Xím, Bắc Hà, Lào Cai cho biết, chị bị đau bụng nhiều năm nay không rõ nguyên nhân, mỗi lần đau lại đến thầy mo, tuy nhiên cơn đau không hết. Sau khi được cán bộ trạm y tế xã về tận nhà tuyên truyền, cấp thẻ BHYT và động viên khi bị đau thì lên trạm y tế hoặc về bệnh viện đa khoa huyện để chữa, bệnh mới khỏi. “Lúc đầu không tin đâu, nhưng đến thầy mo nhiều không hiệu quả nên đã tới bệnh viện huyện khám, kết quả bị đau dạ dày, bác sỹ kê thuốc hết 200.000 nghìn đồng, về thấy cơn đau giảm hẳn. Bác sỹ cũng dặn phải kiêng ăn đồ chua như măng ớt. Trước kia không biết nên cứ lấy măng rừng ngâm muối với ớt ăn cùng cơm”, chị Séo kể.

Trên đây là hai trong số nhiều trường hợp người dân các vùng núi, vùng cao đã phần nào nhận thấy tầm quan trọng của việc quan tâm chăm sóc đến sức khỏe, quan tâm tới việc sử dụng thẻ BHYT vào mục đích khám chữa bệnh. Chưa kể, khi có bệnh, phải điều trị lâu dài tại bệnh viện, họ mới thấy hết sự quý giá của thẻ BHYT mang lại.

Anh Chù Xu Phấn, phường Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà cho biết trước đây cũng giống như người dân trong thị trấn, tôi ít quan tâm tới việc mua thẻ BHYT song từ ngày được cán bộ y tế tuyên truyền nhiều về tác dụng, ích lợi của việc mua thẻ, tôi đã tham gia. Đến nay tôi đã tham gia BHYT được 3 năm, gần đây sức khỏe yếu hơn tôi đi khám thì biết bản thân bị suy thận độ 3, cần phải chạy thận thường xuyên với chi phí khoảng 5- 6 triệu đồng/tháng nhưng do tôi có BHYT nên mức thanh toán chỉ là hơn 1 triệu đồng. “Khi được bác sỹ thông báo như vậy tôi vừa mừng lại vừa lo, mừng vì bản thân đã mua BHYT nhưng lo bởi vì với gia đình tôi số tiền hơn 1 triệu đồng cùng với khoản chi phí sinh hoạt cũng là vấn đề lớn”, anh Phấn nói.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, tỷ lệ tham gia BHYT của huyện đạt hơn 95%, chỉ số ít còn lại chưa tham gia do vậy các cán bộ của Trung tâm Y tế huyện cũng thường xuyên tới các hộ gia đình này tuyên truyền động viên, khuyến khích.

Có mặt tại trạm y tế xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng, qua quan sát phóng viên thấy hầu hết người dân khi tới trạm y tế xã đều có thẻ BHYT. Chị Nguyễn Thị Sùng, xã Đàm Thủy cho biết gia đình chị có 8 nhân khẩu. Trước đây, khi chưa có chính sách hỗ trợ BHYT dành cho hộ nghèo, mỗi lần gia đình có người ốm đau, chị phải mang thóc, bán lợn, gà để lấy tiền đưa người nhà về bệnh viện với chi phí hàng triệu đồng. Thu nhập chính từ làm nương như gia đình chị, đây là số tiền quá lớn. Từ khi có chính sách BHYT cho hộ nghèo, mỗi khi ốm đau, các thành viên trong gia đình chị Sùng đều được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí ngay tại trạm y tế xã.

Theo bác sỹ Hoàng Thị Viện, Trưởng trạm Y tế xã Đàm Thủy, hiện nay dân số tham gia BHYT trên địa bàn huyện đạt hơn 97%. Có những gia đình mới tham gia được nửa năm nhưng cũng có những hộ dân do nhận thức tầm quan trọng của thẻ BHYT nên đã tham gia được 5-6 năm. “Có nhiều hộ dân giờ coi trạm y tế xã là nơi để tư vấn sức khỏe, nhiều người rất quý cán bộ nhân viên y tế của trạm, thi thoảng lại đem cho vài bắp ngô hay ít mật ong rừng, nhân viên y tế ở đây cảm giác rất hạnh phúc. Song vẫn còn trăn trở là do trạm y tế quá thiếu nhân lực, trang thiết bị do vậy nhiều bệnh lý của người dân trạm không xử lý được phải viết giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân”, bác sỹ Viện nói.

Gỡ bỏ khó khăn, nâng cao chất lượng phục vụ

Dù có nhiều tiến bộ trong việc tuyên truyền để người dân quan tâm tới thẻ BHYT trong khám chữa bệnh song theo bà Trần Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong việc cấp thẻ BHYT do trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều, do vậy việc tổng hợp lập danh sách đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, theo bà Minh, do thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh; phát âm, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tùy thân. Người có thẻ người nghèo đi khám bệnh vẫn thường xuyên thiếu thủ tục (giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy chuyển viện) gây trở ngại trong khâu tiếp nhận vào viện. Một số xã còn khó khăn trong việc áp dụng phần mềm quản lý, xử lý cấp trùng thẻ BHYT do thiếu trang thiết bị cũng như cán bộ chuyên trách kiêm nhiệm quá nhiều việc.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia y tế, sở dĩ việc thực hiện BHYT toàn dân gặp khó bởi lâu nay ngành Y tế hô hào nâng cao chất lượng, thay đổi cách ứng xử nhưng chưa chuyển biến thực chất. Bệnh nhân vẫn xếp hàng hàng tiếng để được khám vài phút, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn trầm trọng, thái độ của nhân viên y tế đôi lúc, đôi chỗ còn thiếu thân thiện. Bên cạnh đó, người dân nhiều nơi vẫn chưa được tạo điều kiện tốt nhất để mua BHYT, thủ tục thanh toán BHYT ở nhiều nơi còn khá phức tạp.

Do vậy để thực hiện 100% dân số tham gia BHYT, theo ông Phương Đức Cù, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng, cần từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT. Thực hiện quy định giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện theo lộ trình tính đúng, tính đủ, để từng bước đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng; đồng thời, đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở y tế.

Ông Phương Đức Cù cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện Gói dịch vụ y tế cơ bản, đổi mới phương thức thanh toán, bảo đảm cân đối thu- chi Quỹ BHYT, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ an toàn, hợp lý, chi phí hiệu quả... Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách để củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở để giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương…

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nguoi-dan-vung-kho-khan-yen-long-voi-chiec-the-bao-hiem-y-te.aspx