Người dân thành Nam chia tay với biểu tượng Nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương một thời

Hơn 100 năm qua nhà máy Dệt Nam Định là biểu tượng của ngành dệt may Việt Nam, niềm tự hào của người dân Nam Định. Trước xu thế hội nhập, nhà máy dệt phải di dời ra vị trí khác điều này khiến nhiều người ngậm ngùi, nuối tiếc.

Khu vực nhà máy dệt nhuộm đang trong quá trình phá dỡ.

Nam Định là địa danh gắn liền với nghề truyền thống mà nhiều người nhắc nhớ đã đi vào câu ca dao “Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Nhà máy Dệt Nam Định có quy mô lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa do toàn quyền Đông Dương thành lập năm 1889, với số lượng công nhân lúc cao điểm lên đến 6.000 người.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là một trong các mục tiêu tấn công của không quân Hoa Kỳ, thời điểm đó công nhân ngành dệt may lại chung sức cùng nhân dân cả nước vừa sản xuất vừa chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống nhiều phi công Hoa Kỳ, nên nơi này cũng được mệnh danh là "Thành phố dệt anh hùng".

Xác máy bay của giặc Mỹ, do khẩu đội pháo 100 ly Tự vệ Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định bắn rơi tại chỗ và bắt sống phi công Mỹ, ngày 22/7/1972.

Do khu vực nhà máy nhuộm thường xuyên xả thải, gây ô nhiễm cho TP Nam Định nên bắt buộc phải di dời khỏi vị trí hiện tại ra xa khu dân cư. Vị trí này sẽ là nơi xây dựng nên Khu Đô thị Dệt may Nam Định có quy mô 24,8ha với tổng mức đầu tư trên 410 tỷ đồng. Hiện nay dự án đang thực hiện giai đoạn 1, phá dỡ khu vực nhà máy dệt nhuộm.

Vào những năm 60, ngành dệt may đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế miền Bắc. Đó cũng là lý do tại sao những cô thợ dệt nhà máy Dệt Nam Định lại xuất hiện với hình ảnh thật đẹp trên tờ tiền mệnh giá 2.000 đồng vốn rất đỗi thân thuộc với người Việt Nam. Ngoài ra, còn có tháp Phổ Minh (hay còn gọi là Chùa Tháp), địa danh khác của tỉnh Nam Định cũng đã được in trên đồng tiền 100 ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tường bao quanh đã nhuốm màu thời gian, trải qua hơn 100 năm lịch sử cùng đất nước.

Khu nhà xưởng hoen gỉ này thời gian tới sẽ được thay thế bằng khu đô thị hiện đại.

Việc di dời nơi sản xuất ra xa khu dân cư là phù hợp với môi trường sống hiện tại, tuy nhiên việc phá bỏ đi một công trình kiến trúc cổ hơn một trăm năm, chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ người dân tại Nam Định, khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi nhớ về quá khứ vàng son lừng lẫy nhất xứ Đông Dương.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhiên, phường Vị Xuyên, TP Nam Định (người từng làm công nhân tại Nhà máy Dệt Nam Định) bùi ngùi: “Tôi đã gắn bó với nhà máy trên 30 năm, có rất nhiều kỷ niệm ở đây, khi biết nhà máy sẽ bị phá bỏ, nhường chỗ cho khu đô thị dệt may mới, tôi cảm thấy bùi ngùi và tiếc nuối”.

Được biết, trên nền đất cũ của Nhà máy Dệt Nam Định có rất nhiều công trình gắn liền với ký ức của dệt Nam Định cũng đã được giữ lại như công viên trong nhà máy dệt, bảo tàng Dệt May.

Bảo tàng Dệt may được xây dựng, nằm ở 5 đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Nam Định, trên Khu Nhà truyền thống của Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định. Bảo tàng có tổng diện tích 1,2 ha.

Những hình ảnh lưu giữ được trong những lần Bác Hồ về thăm nhà máy Dệt Nam Định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần đến thăm và trò chuyện cùng công nhân nhà máy. Hiện nay, tại bảo tàng Dệt May, những kỉ vật thiêng liêng của Bác luôn được lưu giữ một cách trang trọng nhất: chiếc áo kaki đã sờn, đôi dép cao su đã mòn…

Những đồ dùng đơn sơ của Bác Hồ.

Căn phòng Bác ở trong 3 lần về thăm công nhân và nhà máy Dệt Nam Định.

Bảo tàng Dệt May được thành lập vào năm 2012, ngay trên trên diện tích đất là một phần của nhà máy với các hiện vật trưng bày như: vật liệu, máy móc, kỷ vật,...

Là nơi để mọi người thăm quan để biết thêm, hiểu rõ hơn về ngành dệt may Việt Nam.

Dù có di dời Nhà máy đến khu vực mới, nhưng những máy móc vẫn được lưu giữ để những thể hệ sau tìm hiểu.

Tại bảo tàng dệt Nam Định các hiện vật về lịch sử xuyên suốt ba thế kỷ của Nhà máy Dệt Nam Định, cùng với nó là ký ức về lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Nam Định, của giai cấp công nhân đã được lưu giữ một cách cẩn thận, trang trọng.

Những sản phẩm của ngành Dệt May Việt Nam cũng được lưu giữ và trưng bày tại đây.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nguoi-dan-thanh-nam-chia-tay-voi-bieu-tuong-nha-may-det-lon-nhat-dong-duong-mot-thoi-d18105.html